Kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng dương

Đỗ Hải

TCTC - Nửa chặng đường năm 2009 đã qua, nền kinh tế đất nước phải hứng chịu nhiều tác động xấu của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến cho các chỉ tiêu tăng trưởng đều không cán đích đề ra, buộc phải điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn... Nửa còn lại của năm được đánh giá là một đoạn đường đầy thử thách đối với nền kinh tế đất nước với hàng loạt vấn đề đặt ra cần giải quyết nếu không muốn "lỡ nhịp" với các chỉ tiêu đề ra (mặc dù đã được điều chỉnh). Để có cái nhìn sâu hơn vấn đề này, TCTC đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Thưa Ông, Ông có nhận xét gì về kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2009 này? Liệu GDP quý I đã chạm đáy?

Mặc dù không đạt được như mong muốn nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt được kết quả tăng trưởng dương trong những tháng đầu năm 2009 (GDP quý I đạt 3,1%, quý II đạt 4,5%; tính chung 6 tháng đầu năm đạt 3,9%). Đây là kết quả không tồi đối với Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn bộn bề khó khăn. Cho đến thời điểm này, hầu hết các dự báo về Việt Nam đều khá lạc quan và tương đối đồng thuận, đó là tăng trưởng kinh tế của năm sẽ đạt khoảng từ 4-5%/năm.Con số này không phải là xa vời đối với Việt Nam, tuy nhiên, nếu không có những biện pháp quyết liệt từ cơ chế chính sách, đến chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực của tất cả các lĩnh vực đưa tốc độ tăng trưởng tháng sau phải cao hơn tháng trước.

Theo đó có thể coi mức tăng trưởng 3,1% của quý I là đáy. Thế nhưng, giữa lúc còn bộn bề khó khăn này, chúng ta cũng không nên quan tâm nhiều đến việc xét đâu là đáy mà cần quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề đặt ra đối với kinh tế vĩ mô, những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, lao động việc làm...

Do kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất định, trong khi kinh tế Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới nên rất khó tiên liệu và đưa ra nhận định về một kết quả hoàn toàn tốt đẹp nếu vẫn còn những bất ổn từ trong và ngoài nước. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu, FDI, các luồng vốn đầu tư... vào Việt Nam từ đầu năm đến nay đều giảm sút mạnh so với những năm trước. Bên cạnh đó các rủi ro, bẩt ổn về kinh tế vĩ mô vẫn còn khá cao như lạm phát, sự lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng, áp lực trên thị trường ngoại hối... trong khi đó chúng ta còn phải lo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đồng thời làm sao không phá vỡ các cam kết hội nhập. Vì vậy, có thể nói, từ đầu năm 2009 đến nay là quãng thời gian khó khăn cho việc xây dựng và quyết định đưa ra các chính sách.

Nếu chúng ta nới lỏng qua mức, không theo dõi sát tình hình, không đánh giá đúng các tác động của khủng hoảng đến nền kinh tể, đến các DN và tác động đến các chính sách kinh tế vĩ mô thì những bất ổn sẽ vẫn tồn tại. Ngược lại, nếu không đánh giá hết tình hình, thận trọng quá mức thì kinh tế đất nước lại rơi vào vòng khó khăn. Vì vậy lựa chọn thế nào để đảm bảo hài hòa và chí ít là không gây sốc cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội gắn với tăng trưởng là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Thực ra, Chính phủ cũng như các Bộ, ngành cũng đã và đang tập trung xem xét, nghiên cứu, đặc biệt là sau khi Quốc hội đã quyết định về mức thâm hụt ngân sách, về giám sát gói kích cầu... sẽ có những nghiên cứu trong thời gian sớm, nếu cần, có thể điều chỉnh sao cho giữ được tăng trưởng, không gây bất ổn xã hội và giữ ổn định được kinh tế vĩ mô mà lại không gây cú sốc cho các DN.

Vấn đề tồn tại vẫn nằm ở kinh tế vĩ mô, trong đó có gói kích cầu, chính sách tiền tệ... Ông đánh giá thế nào về bản chất của gói kích cầu?

So với nhiều nước, kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng éo le nhất, ở chỗ chúng ta chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vĩ mô, các rủi ro về vĩ mô còn lớn như lạm phát cao hơn, thâm hụt cán cân thanh toán nhiều hơn, thâm hụt ngân sách cao hơn, gói kích cầu cao; trong khi nguồn lực lại hạn chế.

Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất, theo tôi, bản chất của nó là để cho doanh nghiệp và ngân hàng sống sót. Chúng ta đang phải chấp nhận anh nào ốm cũng được cứu chữa. Do đó, chính sách này làm nảy sinh ba vấn đề: Thứ nhất, nguy cơ là chúng ta không tạo ra năng lực cạnh tranh thực, dễ xảy ra tình trạng nợ xấu, ngay cả WB và IMF cũng cảnh báo về vấn đề nợ xấu; Thứ hai, nó không đúng mục tiêu là kích cầu vào tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế thực; Thứ ba, Nhà nước không kiểm soát được hướng đi của các luồng tiền: người ta dùng nó để đảo nợ, gửi lại ngân hàng, đầu tư chứng khoán...

Chúng ta cũng đã thấy, hiện đang có rất nhiều tranh cãi về gói kích cầu của Việt Nam: quy mô, hiệu quả, cơ hội cho tham nhũng, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô. Thậm chí WB và IMF đề nghị không nên thực hiện gói kích cầu thứ hai.

Trong bối cảnh hiện nay, cũng phải đề cập đến thực tế là rủi ro lạm phát đã trở nên cao hơn rất nhiều, điều đó đã được phản ánh trong ý nguyện của Chính phủ, trước đó, mức lạm phát điều chỉnh mà Chính phủ đưa ra Quốc hội chỉ là 6%, nhưng đến Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII con số này đã được thống nhất điều chỉnh dưới 10%. Theo tôi, nhiều khả năng lạm phát sẽ là 8 – 9%. Vì sao? Vì tăng lương; loại bỏ kiểm soát giá điện, nước; nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá cho kích cầu; và giá cả thế giới đã chững lại và chỉ đi ngang (thay vì giảm xuống) trong khi giá dầu tăng.

 

...Thế còn trong chính sách tiền tệ?

 

Cách đây vài tháng, khi trao đổi với các anh ở Ủy ban Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia tôi có nói: dư địa cho chính sách tiền tệ là rất nhỏ; còn bây giờ tôi có thể nói: dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ gần như đã chấm dứt. Lý do?. Trước hết là lạm phát được dự báo cao hơn, không thể nào lạm phát kỳ vọng là 8 – 9% mà lãi suất huy động là 7%/năm được. Thứ hai, trong một nền kinh tế bị đôla hoá cao như nước ta thì kỳ vọng của thị trường vào tỷ giá vẫn là 18.500đ/USD. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo USD sẽ yếu đi trong năm sau. Đó cũng là điều tốt, làm tỷ giá đỡ căng thẳng. Như vậy, khó khăn vẫn đang chờ đợi trong những tháng tới. Thứ ba là phát hành trái phiếu Chính phủ cũng đang gặp phải vấn đề về lãi suất. Muốn hấp dẫn nhà đầu tư thì lãi suất không thể thấp được.

 

Hiện nay lãi suất đã 8,3% mà vẫn chưa đủ hấp dẫn. Bên cạnh đó, một câu hỏi được quan tâm nhiều là bao giờ thì bỏ trần lãi suất? IMF đề nghị Việt Nam bỏ càng nhanh càng tốt. Quan điểm của tôi không hoàn toàn đồng tình với đề nghị này vì làm như vậy sẽ gây ra cú sốc khá lớn cho nền kinh tế và DN. Cần bỏ, nhưng bỏ vào thời điểm nào thì phải phụ thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất, phải tính toán lại gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4%, tiến độ, hiệu quả thực hiện, đặc biệt là gói hỗ trợ trung và dài hạn. Thứ hai là phải đo được mức độ ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Ngoài ra, chúng ta đang rất khó khăn vì khoảng cách giữa lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay quá nhỏ. Nếu bỏ lãi suất trần thì nó quay lại câu chuyện là thắt chặt quá sớm, nền kinh tế chưa lên thì lại có nguy cơ đi xuống. Mà bất ổn kinh tế vĩ mô còn cao thì lạm phát lại, quay đầu trở lại sẽ còn nguy hiểm hơn cho nền kinh tế.

 

Kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế và tái cấu trúc doanh nghiệp đang được bàn luận nhiều. Theo ông những vấn đề gì đang đặt ra cần giải quyết trong kịch bản này?

Tái cơ cấu là một câu chuyện rất lớn đối với nền kinh tế. Bản chất của nó là mong muốn có được kết thúc có hậu, tức là làm sao để nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, các DN làm ăn có hiệu quả, đời sống người dân được cải thiện. Để có được một kịch bản hay, phù hợp với thực trạng nền kinh tế Việt Nam còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có nội lực và cả ngoại lực. Cụ thể, với một nền kinh tế mở như Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, cần xác định được mình đang đứng ở vị trí nào trong nền kinh tế thế giới để điều chỉnh độ mở của hội nhập cho vừa với sức mình, lại tránh được các cú sốc do hội nhập mang đến.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các chính sách của Nhà nước đối phó với khủng hoảng như nghiên cứu, ban hành thực hiện nhóm chính sách theo chiều ngang và chiều dọc. Nhóm chính sách chiều ngang là chính sách chung cho toàn bộ nền kinh tế và cộng đồng DN như thuế quan, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Nhóm theo chiều dọc những chính sách đặc thù có thể tác động trực tiếp đến từng ngành, lĩnh vực cụ thể bằng việc hỗ trợ, ưu đãi riêng để lĩnh vực đó không những trụ vững trong khủng hoảng mà còn phát triển bền vững, có thể cạnh tranh được với các nước có lợi thế hơn hẳn trong lĩnh vực đó.

Bài học lịch sử đã cho thấy, thông thường các chính sách theo chiều ngang luôn mang lại những tín hiệu tốt cho dài hạn, bởi nó không làm méo mó toàn bộ nền kinh tế. Ví dụ, Nhà nước có thể đầu tư vào đào tạo giáo dục, phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin cho mọi người một cách minh bạch... thì ai cũng có thể được hưởng lợi từ nhóm chính sách này. Còn với chính sách chiều dọc, có đặc thù luôn luôn gây tranh cãi về sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong môi trường cạnh tranh. Với nhóm chính sách này, mỗi nước, thậm chí các ngành trong một quốc gia đều có quan điểm riêng nhằm có được những ưu đãi riêng biệt cho mình bằng việc bảo hộ...

Thực tế, nhóm chính sách này không bền vững, bởi khi Nhà nước hỗ trợ thường phát sinh tính ỷ lại, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả không cao, thậm chí khả năng cạnh tranh kém. Tuy nhiên, trong từng thời điểm chúng ta vẫn không thể bỏ qua nhóm chính sách này, đặc biệt là giai đoạn khủng hoảng kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến từng ngành nghề như hiện nay. Vì vậy, không thể "bỏ đói" hoặc thả nổi một lĩnh vực mà nó có ảnh hưởng đến kinh tế đất nước, an sinh xã hội...

Một vấn đề nữa cũng hết sức quan trọng là cách ứng xử của Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách đó, bởi một chính sách tốt là rất cần nhưng chưa đủ, mà quan trọng là thực hiện sao cho có hiệu quả. Sau khi Nhà nước đưa ra chính sách, bộ máy cải cách được triển khai thì điều quan trọng là DN đón nhận, "hấp thụ" các chính sách đó như thế nào, hiệu quả đến đâu. Nhà nước cần đánh giá, ghi nhận sự phản hồi sau một giai đoạn thực hiện chính sách, qua đó có thể có những điều chỉnh cụ thể trên các lĩnh vực.


Vậy để vượt qua khó khăn, ngoài những vấn đề đặt ra trong kịch bản tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta cần phải làm gì thưa ông?

Phải xem xét lại hiệu lực, hiệu quả của gói hỗ trợ kinh tế, không chỉ là hai gói hỗ trợ lãi suất mà cấn quan tâm đến các khoản thu chi khác như phát hành trái phiếu, kích thích tiêu dùng, hỗ trợ phát triển...Xem xét tác động của chúng đến tăng trưởng và ổn định ra sao kinh tế vĩ mô. Nếu cần có thể có những điều chỉnh phù hợp. Cụ thể là những điều chỉnh liên quan đến chính sách tiền tệ, nên thận trọng hơn hay tiếp tục nới lỏng, hay các gói kich cầu tư thuế, trái phiếu... vào đầu tư. Đồng thời phải làm sao nhất quán giữa cái trước mắt và dài lâu. Trước mắt, việc cứu chữa có thể gây ra sự méo mó ảnh hưởng đến cái dài hạn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, cơ cấu lại các DNNN, phát triển khuôn khổ pháp lý liên quan đến thị trường lao động, đất đai, tài chính... liên quan đến quy mô hoạt động trung và dài hạn. Mặt khác, cần nhìn ra thế giới để học hỏi kinh nghiệm cơ cấu và gắn với các điều kiện thực tế của mình để thực thi cho tốt hơn trong thời gian tới mà một trong những việc quan trọng đó là cơ cấu lại nền kinh tế.

Vế phần mình, các DN phải xác định sống chung với các "cú sốc", từ giá cả nguyên, vật liệu, các cuộc khủng hoảng trên thế giới, các thủ thuật bảo hộ của nước ngoài như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, đến các chính sách vĩ mô trong nước… Để “chống chọi” được với các cú sốc đó, DN phải tự trang bị cho mình thông tin, các kiến thức, công cụ phòng chống rủi ro như công cụ hoán đổi về tỷ giá lãi suất; hiểu biết về nơi có thể sản sinh ra các cú sốc ấy để điều chỉnh mình. Ngoài ra, DN phải lựa chọn đúng vị trí của mình trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Lý thuyết và thực tế kinh doanh mới nhất của thế giới cho thấy, tiền, vốn không phải là cái quan trọng nhất mà yếu tố quyết định ở đây là việc lựa chọn vị trí tham gia tốt nhất. Do đó, việc thu thập và xử lý thông tin để chọn ra vị trí tốt nhất trong các chuỗi giá trị, các mạng sản xuất liên thông sẽ giúp DN tận dụng được các lợi thế so sánh như nguồn tài nguyên, lao động, chuyển giao công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình.

 

"Bất định, khó khăn còn ở phía trước..." là những nhận định của các chuyên gia trong giai đoạn tới. Ông có dự báo gì về triển vọng kinh tế những tháng còn lại của năm?

Rất khó có thể đưa ra dự báo chính xác và cụ thể cho những tháng cuối năm khi tình hình kinh tế vẫn còn bất định, có nhiều diễn biến phức tạp. Ngay cả báo cáo của hai định chế tài chính lớn là IMF và WB đưa ra dự báo ngay trong tháng 6/2009 không thống nhất. Cụ thể, nếu IMF có nhìn nhận tích cực về tình hình kinh tế những tháng gần đây cũng như triển vọng hồi phục vào năm 2010 thì WB lại đưa ra kịch bản “tồi” hơn 2 tháng trước.

 

Vì vậy, theo tôi cần xác định là trong những tháng còn lại của năm các yếu tố tiêu cực và tích cưc còn đan xen, khó tách bạch cụ thể. Việt Nam không thể lạc quan rằng trong vòng vài tháng mà có thể phục hồi lại được những méo mó mà khủng hoảng mang đến, ít nhất phải mất khoảng 3 năm hệ thống tài chính mới quay trở lại quỹ đạo bình thường. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là khá khả quan, sẽ vẫn là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương.

 

Xin chân thành cảm ơn!