Lễ ký kết hợp tác giữa VTCA với Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế

Minh Hà

Sáng 25/7/2016, tại Hà Nội, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) và Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về chương trình liên kết tại Việt Nam và các nước ASEAN, nhằm thúc đẩy nghiên cứu chung và sứ mệnh đào tạo với tư cách tổ chức phi chính phủ.

Lễ ký kết giữa Hội Tư vấn Thuế Việt Nam và Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế. Ảnh: Văn Trường
Lễ ký kết giữa Hội Tư vấn Thuế Việt Nam và Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế. Ảnh: Văn Trường

Mục đích cơ bản của chương trình chung là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao vai trò cầu nối giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.

Các chương trình hợp tác sẽ bao gồm 3 hoạt động chính: hội thảo, nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm và các chương trình xây dựng năng lực.

Theo thỏa thuận mới này, VTCA và ITIC sẽ phối hợp tổ chức chương trình đào tạo như các cuộc hội thảo, hội nghị, tập hợp các chuyên gia, các bên liên quan trong khu vực công của Việt Nam và người nộp thuế. Gần đây, VTCA, VCCI và ITIC đã tổ chức hội thảo thuế tiêu thụ đặc biệt thành công tại Hà Nội, đó sẽ là mô hình cho sự hợp tác trong tương lai.

Bên cạnh đó, hai tổ chức sẽ tiến hành nghiên cứu chung và xuất bản các ấn phẩm về một loạt các lĩnh vực như thực hành tốt chính sách thuế và cải cách quản lý thuế. Tài liệu tham khảo về thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho các nước ASEAN của ITIC, được dịch thành 4 ngôn ngữ và được sử dụng rộng rãi trong khu vực, là một ví dụ về nỗ lực hợp tác trong nhiều năm giữa các viện nghiên cứu và các bên liên quan trong khu vực công.

Điểm quan trọng là ITIC và VTCA sẽ hợp tác để phát triển các chính sách thuế và các chương trình xây dựng năng lực quản lý cho các nhà quản lý Việt Nam và ASEAN dựa trên lợi ích và nhu cầu của họ.

Được biết, ITIC là một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu và đào tạo độc lập, được thành lập vào năm 1993 để thúc đẩy cải cách thuế và sáng kiến công tư. ITIC khuyến khích các chính sách thuế, thương mại và đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước thuộc OECD bằng việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý thông qua các “bằng trung lập” của ITIC, nơi mà các bên liên quan cùng tập hợp để thảo luận về các phân tích học thuật, nghiên cứu chính sách và thông lệ quốc tế tốt nhất./.