Lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn chưa "giảm tốc"
Dù các ngân hàng vẫn chưa công bố hết báo cáo tài chính quý II/2022 nhưng bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong chặng đường 6 tháng đầu năm 2022 vẫn đang đầy màu sắc tươi sáng.
Kết quả kinh doanh của hàng loạt ngân hàng thương mại vừa công bố cho thấy, tăng trưởng của khối ngân hàng TMCP vẫn rất tốt, trong đó đáng quan tâm chính là “sự trở lại” của ông lớn khối ngân hàng quốc doanh đó là Vietcombank. Hiện Vietcombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 song theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trong quý của ngân hàng ước khoảng hơn 7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng ước tính sẽ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong ngành ngân hàng.
Cũng trong khối quốc doanh, VietinBank và BIDV vẫn chưa có báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm song theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận quý II/2022 của BIDV là khoảng hơn 5,5 nghìn tỷ đồng và của Vietinbank là hơn 4,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận của Vietinbank BIDV là hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Sau 2 năm cơ cấu nợ, giảm lãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và tăng tốc trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng quốc doanh đã trở lại đường đua. Ngoài áp lực giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro giảm, các ngân hàng quốc doanh đang hưởng lợi nhờ tín dụng phục hồi và có nhiều lợi thế vốn rẻ. Theo các chuyên gia phân tích VCBS, lợi thế vốn rẻ sẽ giúp các ngân hàng TMCP quốc doanh duy trì được NIM năm nay, bất chấp mặt bằng lãi suất trên thị trường đang có dấu hiệu tăng.
Trong khối ngân hàng TMCP thì VPBank là một trong những ngân hàng báo lãi 6 tháng đầu năm cao nhất với con số hơn 15 nghìn tỷ đồng. Techcombank đứng thứ 2 về lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2022 với 14 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy lợi nhuận Techcombank phần nào đã có sự giảm tốc trong quý II/2022, một phần do mảng tín dụng doanh nghiệp lớn (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) sụt giảm sau các động thái thắt chặt kiểm soát thị trường của cơ quan quản lý. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Techcombank quý II/2022 chủ yếu nhờ cắt giảm trích lập dự phòng rủi ro chứ không phải đến từ tăng trưởng các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Một số ngân hàng TMCP khác cũng đang báo lãi với con số tăng trưởng khả quan.
Đánh giá về bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, có thể thấy sau 2 năm cơ cấu nợ, giảm lãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và tăng tốc trích lập dự phòng rủi ro, các ngân hàng quốc doanh đã trở lại đường đua. Ngoài áp lực giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng và trích lập dự phòng rủi ro giảm, các ngân hàng quốc doanh đang hưởng lợi nhờ tín dụng phục hồi và có nhiều lợi thế vốn rẻ. Các chuyên gia phân tích cho hay, lợi thế vốn rẻ sẽ giúp các ngân hàng TMCP quốc doanh duy trì được NIM năm nay, bất chấp mặt bằng lãi suất trên thị trường đang có dấu hiệu tăng.
Tuy nhiên, nhìn nhận về chặng đường cuối năm, bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm 2022 được dự báo sẽ kém khả quan hơn do NHNN không nới room tín dụng. Bên cạnh đó, lãi suất có nguy cơ tăng cuối năm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, nếu NHNN tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng bất động sản và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng, nhiều khả năng các ngân hàng tư nhân sẽ phải hãm phanh tín dụng lĩnh vực này. Chưa kể, room tín dụng còn lại nửa cuối năm 2022 còn rất eo hẹp, nên dư địa tăng trưởng cuối năm phụ thuộc vào hạn mức còn lại của các ngân hàng, TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư cao cấp của quỹ DG Investment - đưa ra nhận định.