Long An: Lập tổ kiểm soát 24h/24h ngăn chặn thuốc lá nhập lậu

Theo T.Lan/bcd389.gov.vn

Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Long An, nòng cốt là công an đã tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu trên địa bàn quản lý.

Tình hình buôn lậu thuốc lá đang có nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh: TH
Tình hình buôn lậu thuốc lá đang có nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh: TH

Theo đó, Cảnh sát kinh tế tỉnh phối hợp Công an hai huyện Đức Huệ, Đức Hoà thành lập 8 tổ chống buôn lậu trên địa bàn hai huyện này.

Các tổ chống buôn lậu hoạt động 24/24 giờ, đã bắt giữ, triệt phá nhiều tụ điểm giao nhận, tập kết thuốc lá ngoại trên tuyến biên giới và trong thị trường nội địa. Lập danh sách quản lý, giám sát 59 đối tượng đầu nậu, giao Đoàn thể địa phương quản lý, giám sát 440 đối tượng tham gia vận chuyển thuê, cảnh giới.

Kết quả tuyên truyền, vận động cảm hoá được 16/59 đối tượng đầu nậu tạm ngưng hoạt động, 02 đối tượng từ bỏ buôn lậu, Đoàn thể vận động, cảm hóa 233/440 đối tượng không tham gia tiếp tay, vận chuyển thuê cho các đối tượng buôn lậu. Các đối tượng còn lại đang được lực lượng Công an và Đoàn thể địa phương tiếp tục giám sát, vận động.

Nhìn chung, tình hình hoạt động buôn lậu qua biên giới của tỉnh, nhất là buôn lậu thuốc lá điếu từ đầu năm 2017 đến nay được kiểm soát và giảm mạnh (giảm từ 40% đến 50% so với năm 2016). Các lực lượng chức năng bắt giữ, triệt phá nhiều tụ điểm giao nhận, tập kết thuốc lá.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay chính là tuyến biên giới tiếp giáp Campuchia với nhiều đường ngang, ngõ tắt, đường mòn, lối mở nên việc kiểm soát người và phương tiện qua lại biên giới có lúc, có nơi còn thiếu chặt chẽ; Phía ngoại biên với nền kinh tế thị trường tự do, một số mặt hàng do nước ngoài sản xuất đối với Việt Nam là hàng cấm nhưng đối với nước bạn Campuchia được khuyến khích buôn bán tự do. Ngân sách chi cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, kế hoạch.

Các vụ việc bắt giữ thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên còn tồn động nhiều, chưa xử lý được, do các nguyên nhân sau: Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng Thông tư liên tịch số 36/2012/BCT-BCA-BYT-VKSNDTC-TANDTC quy định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu phải từ 1.500 bao trở lên.

Theo quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ Luật hình sự 2015, việc xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu được căn cứ theo trị giá hàng hóa (trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng). Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 185/2013/NĐ-CP, việc xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu lại căn cứ theo số lượng.

Không có căn cứ xác định giá trị thuốc lá ngoại để xác định thẩm quyền xử lý tịch thu và xác định giá trị để truy cứu trách nhiệm hình sự, do thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm (quy định tại Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ) 

Đặc biệt, từ ngày 25/7/2017, Toà án Nhân dân Tối cao ban hành văn bản hướng dẫn Toà án Nhân dân các cấp không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong thị trường nội địa kể từ ngày 01/7/2015 đến ngày 01/01/2018. Gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc bắt giữ, xử lý.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An kiến nghị trên cơ sở văn bản số 154/TANDTC-PC của Toà án Nhân dân Tối cao, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xem xét có văn bản hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, việc xử lý hành chính đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên (số vụ việc tồn động từ đầu năm 2017 đến thời điểm hiện nay). Trích nguồn kinh phí từ quỹ phòng chống tác hại thuốc lá hỗ trợ Ban Chỉ đạo 389 các địa phương để triển khai thực hiện công tác tuyên truyền.

Đối với Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.

Kiến nghị cho chủ trương tiếp tục thực hiện cơ chế trích lập quỹ từ nguồn thu xử lý vi phạm hành chính trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định tại Thông tư 59/2008/TT-BTC và Thông tư 51/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính trước đây nhằm tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng chủ động bổ sung nguồn kinh phí hoạt động và mua sắm trang thiết bị phương tiện phục vụ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đạt hiệu quả cao hơn.