Lý thuyết & cuộc sống
Nhiều chuyên gia marketing khuyên: Muốn bán được nhiều hàng, người bán hàng cần phải hiểu rõ khách mua hàng không chỉ mua hàng mà còn “mua” nhiều thứ khác nữa, chẳng hạn, khách lạ mua sự lịch sự, khách quen mua sự nhiệt tình, khách bận rộn mua sự hiệu quả, khách rảnh rỗi mua sự kiên nhẫn, khách kén chọn mua sự chi tiết, tỉ mỉ, khách hay do dự mua sự bảo đảm, khách dễ tính mua sự đồng cảm…
Còn nhiều, rất nhiều cái sự “mua” nữa, nghe cả đống lý thuyết đó mà… chợt nhớ, chợt quên, rồi… quên hết. Tất cả thua hết chị bán ớt chẳng hiểu gì là marketing, “tung chiêu” theo cách rất… chợ mà hiệu quả bất ngờ.
Người bán ớt luôn luôn gặp câu hỏi: “Ớt có cay không?”. Phải trả lời thế nào đây? Nói cay thì người không thích ăn cay sẽ lập tức bỏ đi, còn nói không cay thì lỡ gặp người thích ăn cay thì sao? Có người khuyên, cách tốt nhất là chia rổ ớt thành 2 phần, bên cay và bên không cay, dễ bán. Song, chị bán ớt không làm thế.
Có khách hàng hỏi mua ớt, câu hỏi vẫn thế: “Ớt có cay không?”. Chị bán ớt nói chắc chắn: “Quả màu đậm cay, màu nhạt không cay”. Người mua tin là thật, chọn ớt nhạt màu, trả tiền, vui vẻ rời đi. Thêm nhiều người nữa cũng thế, những quả ớt nhạt màu còn lại chẳng là bao.
Lại có người đến mua ớt, câu hỏi vẫn như vậy, chị bán ớt bình thản: “Quả dài cay, ngắn không cay”. Người mua nghe lời, chọn ớt. Chẳng mấy chốc, ớt dài bán gần hết, rổ ớt còn lại ớt ngắn và đậm màu.
Vẫn có người đến hỏi “ớt có cay không?”, chị bán ớt tự tin: “Quả cứng cay, mềm không cay”… Cứ thế, rổ ớt bán hết rất nhanh.
Nhiều lý thuyết về sự khôn ngoan trong cuộc sống có thể được viết thành sách, nhưng không thể bê nguyên si vào cuộc sống, bởi cuộc sống luôn sống động, đòi hỏi linh hoạt và sáng tạo.