Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế:
Minh bạch, dễ hiểu và dễ thực hiện
Nhiều điều tại dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế đã được chỉnh lí mang tính bao quát hơn, giúp doanh nghiệp hiểu rõ, tránh phải tra cứu nhiều hoặc hiểu lầm về câu chữ…
Tại Hội thảo “Lấy ý kiến DN góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây, hầu hết các chuyên gia, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN) tham dự cho rằng, nhiều điều đã được chỉnh lí mang tính bao quát hơn, giúp DN hiểu rõ, tránh phải tra cứu nhiều hoặc hiểu lầm về câu chữ…
Sửa đổi, bổ sung 27 nội dung của 7 luật thuế
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập, đến nay đã kí kết thành công 10 hiệp định thương mại tự do, đồng thời sẽ sớm kết thúc việc cam kết Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mặc dù, các chính sách ban hành trong năm 2014 và đầu năm 2015 đã phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tuy nhiên, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức do nội lực DN còn yếu, kém. Bên cạnh đó, tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, cần thiết phải có những giải pháp tài chính đồng bộ, trong đó có thuế.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung 27 nội dung thuộc 7 luật thuế, gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp 9 nội dung, thuế thu nhập cá nhân 4 nội dung, thuế giá trị gia tăng 3 nội dung, thuế tiêu thụ đặc biệt 3 nội dung, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường 1 nội dung và Luật Quản lí thuế 6 nội dung.
Trong quá trình xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành để lấy ý kiến các đơn vị chịu tác động của chính sách và quản lí thuế. Trên cơ sở các ý kiến tham vấn, kết hợp với tham khảo kết quả nghiên cứu của một số tổ chức quốc tế, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và hoàn thành báo cáo đánh giá tác động này trước khi trình Chính phủ xem xét cho ý kiến cuối cùng trước khi trình Quốc hội.
Dự kiến xóa 1.000 tỉ đồng nợ thuế của DN nhà nước
Trong dự thảo luật, Bộ Tài chính đề nghị cho phép xóa nợ cho những DN nhà nước (DNNN), thông qua việc bổ sung các DN này vào Khoản 4 vào Điều 65 Luật Quản lí thuế (số 78/2006/QH11).
Theo Bộ Tài chính, các qui định về xóa nợ tiền thuế nằm trong Luật Quản lí thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 21/2012/QH12) chưa bao quát được hết các trường hợp nợ xấu, khó có khả năng thu hồi, nhất là các khoản nợ phát sinh trong trường hợp: DNNN thực hiện sắp xếp lại; DNNN đã thực hiện cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn nhà nước tại DN khi chuyển đổi sở hữu. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu được thì số tiền thuế được xóa vào khoảng 1.000 tỉ đồng.
Đánh giá tác động, Bộ Tài chính cho rằng, qui định mới sẽ giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ trong các trường hợp: DNNN đã có quyết định giải thể; DNNN thực hiện chuyển đổi sở hữu chưa được xử lí nợ thuế, pháp nhân mới không chịu trách nhiệm về khoản nợ này. Làm như vậy sẽ tiết kiệm chi phí quản lí hành chính thuế, đồng thời góp phần thực hiện thành công chính sách tái cơ cấu lại DNNN.