Mở rộng khái niệm doanh nghiệp: Nên hay không?
Hiện nay có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Từ thực tế trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần thừa nhận nhóm 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.
Cần gia tăng quyền lợi cho hộ kinh doanh
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, trước đây, hộ kinh doanh là giải pháp cần thiết và tất yếu thay thế cho thành phần kinh tế tư bản tư nhân, vì trong quá khứ, pháp luật không khuyến khích, chậm chí tìm mọi cách ngăn cản kinh tế tư nhân, cá nhân không có quyền kinh doanh.
Tuy nhiên, từ năm 2000, đặc biệt là từ năm 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh, đặc biệt là khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là cá nhân.
Mặt khác, theo phân tích của ông Trương Thanh Đức, dù chung nhau bản chất nhưng quy định pháp luật giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ rất khác nhau. Chẳng hạn như hộ kinh doanh không giới hạn số thành viên còn doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ tối đa 50 thành viên; hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại 1 địa điểm trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ không giới hạn.
Theo thống kê, khu vực hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang đóng góp tới 30% GDP, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm cho nền kinh tế, nhưng khu vực này chỉ có một địa vị pháp lý vừa rất bấp bênh, đồng thời nhiều quy định với hộ kinh doanh lại không bằng với các doanh nghiệp.
“Cần có quy định theo lộ trình tăng dần, yêu cầu mỗi năm khoảng 10% trong khoảng 10 năm để không còn khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp, ít nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ. Trước mắt một vài năm cũng chưa đòi hỏi thay đổi đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/năm đang được miễn thuế. Kế toán trước mắt gần như cũ, đương nhiên là đơn giản hơn chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ mà Bộ Tài chính mới ban hành”, ông Đức đề xuất.
Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, ông Đức cho rằng Chính phủ không cần đặt ra vấn đề phải nâng lên thành doanh nghiệp, vì quy mô nhỏ và vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký kinh doanh.
“Tức về cơ bản, cần bảo đảm cho hộ kinh doanh vẫn thực hiện nghĩa vụ như hiện nay, ngoại trừ những gì tốt hơn, gia tăng quyền lợi hơn, chẳng hạn như không giới hạn ở 1 địa điểm kinh doanh và chỉ được thuê dưới 10 lao động. Điều mấu chốt là “không thể bắt hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp phải sống và khó sống như doanh nghiệp siêu nhỏ hiện nay, mà là phải làm cho các doanh nghiệp siêu nhỏ dễ sống như hộ kinh doanh”, ông Đức nêu quan điểm.
Xác định rõ khái niệm doanh nghiệp
Đồng tình với quan điểm cần sửa đổi và làm rõ hơn về khái niệm doanh nghiệp, Luật sư Lê Văn Hà, đại diện Công ty Luật Pathlaw cho rằng, luật hiện hành không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp. Quan niệm “doanh nghiệp” không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp.
Theo ông Hà, cần phải hiểu rằng bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp. Sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan. Trong khi đó, hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Thậm chí, cả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.
Luật sư này đề xuất, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh. Đồng thời, bỏ quy định có tính cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp khi sử dụng thường xuyên trên 10 lao động...
Tuy nhiên, chuyên gia Lê Duy Bình lại có quan điểm khác. Ông cho rằng, nâng cao tính chính thức của hộ kinh doanh cá thể và chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp do vậy cần phải có lộ trình hợp lý và các bước đi phù hợp. Việc quy định hộ kinh doanh cá thể là một loại hình doanh nghiệp nhằm đảm bảo địa vị pháp lý của loại hình kinh doanh này và nhằm ngay lập tức chính thức hóa hơn 5 triệu hộ kinh doanh không phải là phương thức phù hợp và hiệu quả.
Hình thức pháp lý được thiết kế thay thế cho hộ kinh doanh cá thể đã được thiết kế và đã tồn tại cho hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp hiện tại. Nhưng rất nhiều người kinh doanh đã không lựa chọn hình thức pháp lý này mà đã lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể vì những lý do khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, trong đó có đề xuất mới về khung khổ chính sách cho các hộ kinh doanh. Đại diện cơ quan soạn thảo cho biết cách tiếp cận là không xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không bắt buộc họ phải đăng ký doanh nghiệp, mà điều quan trọng nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về hộ kinh doanh để minh bạch hơn, rõ ràng hơn, an toàn hơn, xóa bỏ các hạn chế với họ.