Mở rộng phạm vi sửa đổi Luật Kế toán
Dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 tới đây. Về điều kiện được cấp chứng chỉ kế toán viên nhận được nhiều ý kiến, trong báo cáo mới đây, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Cơ quan soạn thảo - Bộ Tài chính cho biết, quy định trong dự thảo Luật không giới hạn chỉ người có chứng chỉ kế toán viên mới được làm công tác kế toán nên không ảnh hưởng đến công việc của người làm kế toán có trình độ cao đẳng, trung cấp.
Thống nhất tiếp thu nhiều nội dung
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36, ý kiến thảo luận của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện một bước Dự thảo luật. Đến nay, phần lớn các nội dung đã được thống nhất giữa Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật: Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị sửa đổi toàn diện và đổi tên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán thành Luật Kế toán (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm tính bao quát, ổn định của Luật, tránh tình trạng sửa đổi thiếu toàn diện, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi đối với nhiều nội dung của Luật hiện hành và đổi tên gọi của Luật thành Luật Kế toán (sửa đổi).
Liên quan đến quy định về hành nghề dịch vụ kế toán, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất bổ sung quy định cho phép cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán; quy định rõ và đầy đủ hơn về điều kiện hành nghề của doanh nghiệp dịch vụ kế toán nước ngoài; bổ sung trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp hành nghề dịch vụ kế toán; rút ngắn thời hạn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán xuống còn 15 ngày...
Quy định về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo thống nhất cho rằng, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán bao gồm các nguyên tắc và phương pháp kế toán, được quy định rất chi tiết, cụ thể; số lượng các văn bản hiện hành quy định về chuẩn mực kế toán rất nhiều, khó có thể luật hóa. Do đó, hai cơ quan này đề nghị được giữ như quy định của Dự thảo Luật. Theo đó, Dự thảo luật chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc và giao Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở tham khảo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Không ảnh hưởng tới việc làm của kế toán trình độ cao đẳng, trung cấp
Về hành nghề dịch vụ kế toán, có ý kiến đề nghị xem lại quy định về điều kiện được cấp chứng chỉ kế toán viên vì doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ thuê kế toán trung cấp, không nhất thiết phải thuê người có trình độ đại học. Quy định như Dự thảo Luật sẽ khiến nhiều người có trình độ trung cấp, cao đẳng kế toán không có việc làm.
Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo cho biết, đây là quy định áp dụng cho những người muốn trở thành kế toán viên, kế toán viên hành nghề để kinh doanh dịch vụ kế toán, không áp dụng bắt buộc cho tất cả các cá nhân làm công tác kế toán. Dự thảo Luật cũng không giới hạn chỉ người có chứng chỉ kế toán viên mới được làm công tác kế toán nên sẽ không ảnh hưởng đến công việc của người làm kế toán có trình độ cao đẳng, trung cấp. Do đó, xin cho giữ như quy định của Dự thảo Luật.
Về quy định không cho phép loại hình hợp tác xã, doanh nghiệp cổ phần kinh doanh dịch vụ kế toán, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo cho biết: Dự thảo Luật quy định theo hướng chủ sở hữu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải là các cá nhân có chứng chỉ hành nghề để bảo đảm chất lượng cung cấp dịch vụ. Theo đó, không quy định Hợp tác xã thuộc loại hình doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ kế toán vì đây là hình thức sở hữu tập thể; đối với công ty cổ phần, đây là loại hình doanh nghiệp không bị giới hạn về cổ đông, phần vốn góp không bị hạn chế, ràng buộc trong chuyển nhượng, dẫn đến không đảm bảo nguyên tắc gắn trách nhiệm của người góp vốn với trách nhiệm nghề nghiệp, không đảm bảo tính độc lập của dịch vụ kế toán. Vì vậy, đề nghị giữ như quy định của Dự thảo luật.
Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, có ý kiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp quy định một doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Việc Dự thảo Luật quy định “người đại diện theo pháp luật ... phải là kế toán viên hành nghề” có được hiểu là tất cả những người đại diện theo pháp luật phải là kế toán viên hành nghề hay không?
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo cho rằng, loại hình kinh doanh dịch vụ kế toán là loại hình kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ cao về kế toán. Tuy nhiên, Luật Kế toán hiện hành không yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là kế toán viên hành nghề đã dẫn đến tình trạng người không có chuyên môn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp dịch vụ kế toán. Do đó, để tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và các quy định của một số ngành, nghề có tính chuyên ngành cao (nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam hiện nay đều đã có quy định người đại diện theo pháp luật phải là người hành nghề như luật sư, kiểm toán, thẩm định giá, công chứng,…), Dự thảo Luật đã quy định theo hướng người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc phải là kế toán viên hành nghề và một doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật song phải có ít nhất 01 người là kế toán viên hành nghề.
Đối với đề nghị không bổ sung giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Thường trực Ủy ban TCNS và Cơ quan soạn thảo cho biết, theo quy định hiện hành, do chỉ dừng ở khâu đăng ký, không cấp Giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nên đã phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn, khó khăn trong kiểm soát cá nhân, tổ chức khi hành nghề. Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ sẽ góp phần tăng cường quản lý đối với loại hình dịch vụ này.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tiếp thu ý kiến ĐBQH, bỏ quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Dự kiến, dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIII vào tháng 10 tới.