Mở rộng phạm vi sửa đổi nhiều nội dung của Luật Kế toán
Sáng 21/10, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã trình bày trước QH báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kế toán (sửa đổi). Đây là dự án Luật do Bộ Tài chính chủ trì, soạn thảo đã trình QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này.
Cụ thể hóa nhiều nội dung trong Luật
Tại kỳ họp thứ 9, QH đã thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. Tại phiên họp thứ 40, ngày 10/8/2015, Ủy ban thường vụ QH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về Dự án Luật này và chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Cơ quan thẩm tra) phối hợp với Bộ Tài chính (Cơ quan soạn thảo) nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện một bước Dự thảo luật Kế toán (sửa đổi). Tiếp đó, Ủy ban thường vụ QH đã cho ý kiến vào Dự thảo luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu QH trước khi trình QH xem xét, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10.
Trên cơ sở đó, Ủy ban thường vụ QH (UBTVQH) trình QH báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật trong phiên họp ngày 21-10 của QH.
Về phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật, trước đó, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi toàn diện và đổi tên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán thành Luật Kế toán (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến đại biểu QH (ĐBQH), để bảo đảm tính bao quát, ổn định của Luật, tránh tình trạng sửa đổi thiếu toàn diện, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, UBTVQH thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi đối với nhiều nội dung của Luật hiện hành và đổi tên gọi của Luật thành Luật Kế toán (sửa đổi).
Về tính cụ thể của Luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể một số điều, khoản trong Dự thảo luật, hạn chế việc giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính quy định. Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, cụ thể hóa một số nội dung trong Dự thảo luật như: quy định về chứng từ điện tử (Điều 17), chữ ký điện tử (khoản 4 Điều 19), cụ thể hơn tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán (khoản 3 Điều 22), bổ sung quy định về đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý (khoản 2 Điều 28), cụ thể hơn quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ (Điều 40)...
Về một số nội dung còn nhận được ý kiến khác nhau như nguyên tắc kế toán; chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán; đối tượng kế toán; đơn vị tính sử dụng trong kế toán; các hành vi bị cấm; báo cáo tài chính nhà nước cũng đã được làm rõ trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) của UBTVQH.
Về chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, quy định trước đó có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán bao gồm các quy định về nguyên tắc và phương pháp hạch toán rất chi tiết, cụ thể từng nghiệp vụ phát sinh, những quy định cụ thể về đạo đức nghề nghiệp đối với kế toán viên... Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay rất rộng, gồm 26 chuẩn mực được Bộ Tài chính ban hành tại 5 Quyết định và 6 Thông tư nên khó có thể đưa hết các nội dung này vào luật.
Do đó, UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật chỉ quy định các vấn đề mang tính nguyên tắc và giao Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán cụ thể trên cơ sở tham khảo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Đại biểu QH đồng tình phải sửa toàn diện Luật Kế toán
Trong phiên thảo luận sáng nay, chỉ có 4 ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) góp ý vào dự thảo Luật. ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) bày tỏ quan điểm đồng tình với việc Luật được sửa đổi bao quát và toàn diện khi trình ra QH lần này.
Về quy định những người không được làm kế toán, tại Điều 53, Khoản 3 dự thảo luật quy định những người không được làm kế toán: "Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột của người đại diện theo pháp luật của Giám đốc, Tổng giám đốc và Phó giám đốc, Phó tổng giám đốc phục trách công tác tài chính, kế toán, Kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh". Tuy nhiên, theo ĐB, trong thực tiễn, có không ít doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do những người thân cùng lập ra, như anh, chị, em ruột luật không cấm và con cháu họ cũng có thể làm kế toán. Do vậy, ĐB đề nghị cân nhắc quy định trên cho phù hợp với thực tiễn.
ĐB Trần Du Lịch (TP. HCM) cho rằng: “Hiện chúng ta nói nhiều về hội nhập nhưng có một vấn đề lớn nhất chúng tôi đề xuất là lần này sửa Luật để hội nhập, chúng ta phải tách biệt 2 loại kế toán khác nhau, kế toán nhà nước và kế toán doanh nghiệp, vì đối tượng hưởng thụ của luật này khác nhau. Kế toán nhà nước mục đích là để kiểm soát các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách, chấp hành Luật ngân sách. Kế toán doanh nghiệp có 2 mục đích: Thứ nhất là giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp; Thứ hai là giúp cơ quan nhà nước kiểm soát về thuế và các chuẩn mực. Do đó, 2 đối tượng này không thể ghép chung trong một đạo luật, ít nhất phải có một chương riêng về kế toán nhà nước”.
Về chuẩn mực về kế toán, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị, cần bổ sung thêm các quy định cụ thể về chuẩn mực kế toán vì đây là chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực quan trọng trong áp dụng cho người làm kế toán.Về hành vi nghiêm cấm, ĐB đề nghị dự án Luật cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đối với hành vi là bản thân người làm kế toán giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán, hóa đơn, các tài liệu kế toán khác và hành vi người làm kế toán thỏa thuận hoặc ép buộc người khác thực hiện hành vi nói trên nhằm đảm bảo việc chế tài xử lý mới cho phù hợp với hành vi phạm tội.
Về hành vi nghiêm cấm, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị dự án Luật cần có những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn đối với hành vi là bản thân người làm kế toán giả mạo, khai man, tẩy xóa chứng từ kế toán, hóa đơn, các tài liệu kế toán khác và hành vi người làm kế toán thỏa thuận hoặc ép buộc người khác thực hiện hành vi nói trên nhằm đảm bảo việc chế tài xử lý mới cho phù hợp với hành vi phạm tội. Đồng thời, cần xem xét bổ sung các hành vi bị cấm khác như lập hai hệ thống kế toán tài chính trở lên, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề kế toán, dịch vụ kế toán mà không đăng ký theo quy định pháp luật các hành vi khác về kế toán mà pháp luật nghiêm cấm…
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã kết luận phiên thảo luận và đề nghị đối với các ý kiến của ĐBQH, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo Luật cần xem xét, rà soát trước khi trình QH.
Dự kiến, dự án Luật Kế toán (sửa đổi) sẽ được QH biểu quyết thông qua vào chiều 20/11.
Giữ quy định trình độ người làm kế toán như Luật hiện hành,
Về quy định tiêu chuẩn của người làm kế toán, trước đó, có ý kiến đề nghị nâng tiêu chuẩn và điều kiện của người làm kế toán là có bằng trung cấp trở lên. UBTVQH nhận thấy, ý kiến ĐBQH là xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, UBTVQH đề nghị QH cho phép giữ quy định người làm kế toán cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán như Luật hiện hành, tùy thuộc vào điều kiện nguồn nhân lực và yêu cầu của đơn vị kế toán để bố trí người làm kế toán cho phù hợp.