“Chính sách kinh tế mới” của V.I. Lê-nin:
Một cơ sở lý luận quan trọng của đổi mới ở Việt Nam
(Taichinh) - “Chính sách kinh tế mới” (NEP) là cuộc cải cách đầu tiên của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực và cũng là nơi hình thành những tư duy mới của lý luận về chủ nghĩa xã hội. Giá trị lớn nhất của NEP là những biện pháp mới để xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ. Với NEP, V.I. Lê-nin đã trở thành nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử CNXH hiện thực và để lại nhiều chỉ dẫn lý luận quý báu cho công cuộc đổi mới hiện nay ở Việt Nam.
V.I. Lê-nin và cuộc đổi mới tư duy đầu tiên về chủ nghĩa xã hội
Từ “Chính sách cộng sản thời chiến”
Nhà nước Xô-viết - chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới đã ra đời ở nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917. V.I. Lê-nin cùng Đảng Cộng sản Nga đã lãnh đạo xây dựng CNXH từ một nền kinh tế lạc hậu và kiệt quệ, lại bị 14 nước tư bản đế quốc bao vây, các lực lượng phản động ở trong nước chống phá…
“Chính sách cộng sản thời chiến” (thực hiện từ năm 1918 đến đầu năm 1921) thực chất là một biện pháp tình thế, thích ứng với trạng thái ngặt nghèo, khi Nhà nước Xô-viết phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài. Để huy động các nguồn lực cho những nhu cầu cấp thiết, các biện pháp mệnh lệnh hành chính thiên về việc sử dụng quyền lực nhà nước để trưng thu lương thực, thực phẩm và các tư liệu sản xuất, kiểm soát việc sản xuất và phân phối sản phẩm nhằm phục vụ cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh… đã được ban bố và thực hiện. Nhiều nguồn lực cho nhu cầu quốc phòng và dân sinh cấp thiết đã được huy động, qua đó giúp củng cố và phát triển sức mạnh của chính quyền Xô-viết. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, phương pháp mệnh lệnh hành chính đã bộc lộ bất cập trong hoàn cảnh cụ thể của nước Nga đương thời. Tình trạng trì trệ đã xuất hiện, thậm chí đã có cả những phản ứng gay gắt của xã hội, như “vụ nổi loạn Cronxtat”.
V.I. Lê-nin đã nhận ra, giải pháp tình thế chỉ đúng trong thời điểm ngặt nghèo, nay đã trở thành khuyết điểm khi nó bị kéo dài quá mức. Vấn đề nổi bật là, không thể dùng ý chí chủ quan để xây dựng CNXH mà không trải qua giai đoạn quá độ. V.I. Lê-nin nhận định: “Mùa xuân 1921, chúng ta thấy rõ rằng chúng ta đã thất bại trong cái ý định dùng phương pháp “xung phong”, nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất để thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”(1). Chính sách cộng sản thời chiến, có thể xem như thử nghiệm đầu tiên về mô hình CNXH đã gặp khủng hoảng và tất yếu phải đổi mới.
Đến “Chính sách kinh tế mới”- bước tiến của lý luận về chủ nghĩa xã hội
Từ mùa xuân năm 1921, V.I. Lê-nin đã khởi xướng cuộc cải cách đầu tiên về mô hình và biện pháp xây dựng CNXH thông qua NEP. Cần hiểu rằng, NEP không chỉ là một chính sách quản lý vĩ mô về kinh tế, mà là một cải cách có tính tổng thể về CNXH, gồm nhiều nội dung:
Một là, những bất hợp lý của “Chính sách cộng sản thời chiến” bị bãi bỏ, chế độ “trưng thu lương thực thừa” được thay bằng thuế lương thực với tư cách là “liệu pháp cấp tốc, cương quyết nhất, cấp thiết nhất” để phát triển sản xuất. Việc trao đổi hàng hóa trên cơ sở của nguyên tắc thị trường được thừa nhận và phục hồi, quan hệ hàng - tiền là “đòn bẩy” kinh tế, là hình thức cơ bản của các mối liên hệ giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa thành thị với nông thôn. Lợi ích của người lao động được quan tâm và thực hiện, nông dân được phép mua bán và trao đổi lương thực “thừa” của mình…
Hai là, phát triển “chủ nghĩa tư bản nhà nước” - mắt xích “trung gian quan trọng để xây dựng CNXH”. V.I. Lê-nin đặt câu hỏi, đồng thời khẳng định rằng: “Liệu có thể kết hợp, liên hợp, phối hợp Nhà nước Xô-viết, nền chuyên chính vô sản, với chủ nghĩa tư bản nhà nước được không? Tất nhiên là được.”(2). Người nhận định: “Kinh tế nông dân, với tư cách là một nền kinh tế tiểu nông, không thể đứng vững được, nếu không có một sự tự do trao đổi nào đó, và không có những quan hệ tư bản chủ nghĩa gắn liền với tự do trao đổi đó.”(3). Tìm cách ngăn cấm, triệt để chặn đứng mọi sự phát triển của trao đổi tư nhân, của chủ nghĩa tư bản (CNTB) - một sự phát triển không thể tránh được khi có hàng triệu người sản xuất nhỏ, “chính sách ấy là một sự dại dột và tự sát đối với đảng nào muốn áp dụng nó”. Và thái độ đúng đắn là “Chúng ta phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản (nhất là bằng cách hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước) làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương tiện, con đường, phương pháp, phương thức để tăng cường lực lượng sản xuất lên”(4). V.I. Lê-nin đã đề xuất một số hình thức CNTB nhà nước như chế độ tô nhượng, chế độ hợp tác, chế độ đại lý thu mua, đại lý tiêu thụ, chế độ cho thuê…
Ba là, phải học tập và sử dụng những giá trị văn minh nhân loại được tạo ra từ CNTB; kiên quyết phản đối việc “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”. Theo V.I. Lê-nin, ở một nước kinh tế lạc hậu thì giải pháp hiện thực để có được kinh nghiệm, tri thức quản lý hiện đại là học hỏi bằng việc thuê và trả lương cao cho chuyên gia tư sản. V.I. Lê-nin cho rằng, không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm tổ chức quản lý, thì không thể nào chuyển lên CNXH được.
Bốn là, chuyển trọng tâm của cách mạng sang tổ chức và phát triển văn hóa. V.I. Lê-nin viết: “Chúng ta buộc phải thừa nhận là toàn bộ quan điểm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã thay đổi về căn bản. Sự thay đổi căn bản đó là ở chỗ: trước đây… đặt trọng tâm công tác của chúng ta vào đấu tranh chính trị, vào cách mạng, vào việc giành lấy chính quyền... Ngày nay, trọng tâm ấy đã chuyển sang công tác hòa bình tổ chức “văn hóa””(5). Chủ nghĩa xã hội không thể ra đời từ “những cuộc xung phong” hay những sắc lệnh duy ý chí nữa, mà là tùy ở kết quả của việc có kết hợp được chính quyền xô-viết với những tiến bộ mới nhất của CNTB. Những người cộng sản phải học cách tổ chức lãnh đạo, quản lý xã hội; sử dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, giáo dục; học cách làm ăn, buôn bán… Nói chung là tất cả những giá trị, những kinh nghiệm hợp lý mà nhân loại đạt được trong CNTB để xây dựng CNXH.
Năm là, củng cố chính quyền Xô-viết, tăng cường vai trò của quản lý, kết hợp chặt chẽ các biện pháp hành chính, tổ chức với biện pháp kinh tế để xây dựng CNXH.
Những quan niệm mới mẻ và đúng đắn của NEP đã được thực tiễn xác nhận. Nước Nga Xô-viết chỉ trong một thời gian ngắn đã có nhiều chuyển biến tích cực: từ năm 1922, thành thị đã có đủ lương thực - thực phẩm, năm 1925 sản xuất nông nghiệp đạt 87%; công nghiệp đạt 75% sản lượng của năm 1913; đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, chính trị ổn định, khối liên minh công nông được củng cố, phát triển… Song từ Đại hội XV của Đảng Cộng sản Liên Xô, tháng 12-1927, với đường lối tập thể hóa nông nghiệp bằng con đường hợp tác hóa sản xuất và tổ chức các nông trường quốc doanh lớn, với cơ chế quản lý kế hoạch hóa, tập trung… NEP đã chấm dứt vai trò lịch sử của nó ở Liên Xô.
Ở giai đoạn NEP, tư duy về xã hội xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ đã “lùi một bước để tiến hai bước”. Bước lùi trên thực tiễn thực chất lại là bước tiến của tư duy: từ “quá độ trực tiếp” (kế hoạch hóa tập trung, Nhà nước Xô-viết nắm giữ toàn bộ tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phân phối trực tiếp bằng hiện vật…) sang “quá độ gián tiếp” với những bước đi phù hợp để xây dựng CNXH. Chấp nhận quan hệ sản xuất có tính chất đa dạng trên cơ sở của sản xuất hàng hóa - thị trường để phát triển lực lượng sản xuất là bước tiến đúng đắn của tư duy từ NEP.
Giá trị định hướng, gợi mở của NEP với đổi mới lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Vào những năm 1989 - 1991, sự sụp đổ khá nhanh và mang tính hàng loạt của mô hình CNXH ở Đông Âu và Liên Xô đặt ra nhiều tình huống với thực tiễn và lý luận xây dựng CNXH. Một tình huống tương tự như cuộc khủng hoảng của mô hình “Chủ nghĩa cộng sản thời chiến” ở nước Nga trước đây lại tái diễn, và lại một lần nữa, tư duy mới của V.I. Lê-nin từ mô hình NEP lại gợi mở cho những người xây dựng CNXH ở Việt Nam. Sự bất cập của mô hình cũ và biện pháp xây dựng CNXH theo kiểu kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp, bao tiêu và “phi thị trường” đã rõ, và cần phải đổi mới tư duy về CNXH.
Tại sao hầu hết các vấn đề của CNXH hiện thực ở Việt Nam khi đó là những vấn đề từ thực tiễn mà lại đi tìm hướng giải quyết đầu tiên là đổi mới tư duy? Phải chăng, lại là biểu hiện của duy tâm, duy ý chí? Để làm rõ tình huống này, cần hiểu thêm về cơ chế thực tiễn xây dựng CNXH. Cơ chế này xuất phát từ nguyên lý rằng, xây dựng CNXH là một quá trình vừa mang tính tất yếu về kinh tế, vừa mang tính chủ động tự giác về chính trị - xã hội. Mọi hoạt động xây dựng CNXH đều xuất phát từ vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng Cộng sản và vai trò quản lý của Nhà nước. Theo đó, sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân hàng đầu cho những thành công cũng như thất bại, trì trệ của cách mạng. Đảng lãnh đạo trước hết bằng đường lối, chủ trương, chính sách - là những vấn đề liên quan trực tiếp đến năng lực tư duy chiến lược. Vì vậy, khâu đột phá của sự nghiệp đổi mới được chọn là đổi mới tư duy, trước tiên là tư duy chiến lược về CNXH.
NEP với đổi mới tư duy về mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX là, giải quyết tình trạng trì trệ và khủng hoảng kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất. “Tác động vào lực lượng sản xuất là tác động vào cái giá đỡ vật chất của xã hội, của sự điều chỉnh, thay đổi các thể chế, cơ chế, mô hình, chính sách kinh tế và xã hội. Đây chính là vấn đề của mọi vấn đề… mà đổi mới phải tác động vào”(6). Muốn làm chuyển biến cơ chế cũ thì không thể không truy tìm đến cội nguồn nảy sinh ra cơ chế ấy. Đó là quan niệm như thế nào về CNXH và biện pháp xây dựng CNXH. Bài học mà V.I. Lê-nin để lại từ NEP là, phải bắt đầu từ khâu cơ bản nhất - quan niệm lại cho đúng về CNXH. Nếu như NEP trước kia đã “thay đổi căn bản quan điểm về CNXH” ở nước Nga xô-viết, thì quan niệm lại cho đúng mô hình CNXH ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ là nhiệm vụ thực tiễn đặt ra cho tư duy lý luận.
Ở Việt Nam, CNXH là gì, trước đổi mới từng được quan niệm rằng, CNXH là công bằng. Có vẻ khá hợp lý, nhưng kinh nghiệm thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam lại chỉ ra rằng, nếu coi công bằng là tiêu chí hàng đầu của CNXH thì rất có thể, hướng của tư duy sẽ tập trung vào ngăn chặn bất công, bóc lột. Bởi vậy, việc tổ chức xã hội sẽ tập trung cho triệt tiêu những nguyên nhân kinh tế của sự bất công; sẽ không thừa nhận các thành phần kinh tế ngoài xã hội chủ nghĩa, như kinh tế tư nhân, kinh tế sản xuất nhỏ… Hiển nhiên là, nhiều nguồn lực của xã hội sẽ bị ngăn chặn hoặc buộc phải nằm yên vì bị “ngăn sông, cấm chợ”…
Còn nếu theo quan niệm đổi mới hiện nay, CNXH là phát triển sản xuất, là tạo điều kiện mới để “tăng thật nhanh sức sản xuất lên” thì hướng của tư duy sẽ tập trung vào khuyến khích mọi thành phần kinh tế đều được tạo cơ hội phát triển. Từ đó mới tạo ra cơ sở vật chất cho công bằng trong sự đầy đủ, giàu có, để cho “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và có một cuộc sống hạnh phúc” như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trước hết là: “Dân giàu, nước mạnh…” Có nghĩa là nhân dân được làm ăn và làm giàu (ở trình độ hiện nay, phổ biến là kinh tế tư nhân). Theo đó, Đảng lãnh đạo xây dựng CNXH vì hạnh phúc của nhân dân, Nhà nước kiến tạo thể chế cho nhân dân làm giàu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một quan niệm rất “Đúng quy luật, thuận lòng dân và hợp thời đại” (Hồ Chí Minh).
NEP và đổi mới tư duy kinh tế ở Việt Nam
Một hạn chế trong tư duy về biện pháp xây dựng CNXH ở Việt Nam, cũng tương tự như V.I. Lê-nin đã vạch ra là, “đem chủ nghĩa tư bản đối lập một cách trừu tượng với chủ nghĩa xã hội”. Vấn đề lớn trong tư duy cũ là, chưa phân định rõ sở hữu tư nhân với sở hữu tư bản chủ nghĩa, kinh tế thị trường với tư cách là một trình độ của sản xuất hàng hóa với kinh tế thị trường là đặc trưng của kinh tế tư bản chủ nghĩa. Trước năm 1986, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế kế hoạch hóa, hành chính, tập trung, bao cấp với hai thành phần kinh tế. Việc nhấn mạnh quá mức vai trò của công hữu tư liệu sản xuất mà không coi trọng đúng mức các mặt tổ chức, quản lý sản xuất, phân phối lợi ích, nhất là lợi ích chính đáng của người lao động, đã làm hạn chế, thậm chí triệt tiêu động lực phát triển sản xuất và tǎng nǎng suất lao động. Do thiếu nhận thức đúng đắn về quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích xã hội khiến cho nhấn mạnh siêu hình tập thể, cộng đồng mà quên mất con người cụ thể. Nhân tố con người ở giai đoạn này, cũng vì thế mà không được phát huy đầy đủ.
Hạn chế lớn nhất trong tư duy kinh tế cũ là không chấp nhận sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường. Người ta lo ngại một cách rất có lý rằng, đó sẽ là những nhân tố gây bất công xã hội, gây rối ren kinh tế. Và, tốt nhất là để cho vai trò của nhà nước bao trùm toàn bộ cả về sở hữu, quản lý và phân phối. Nhà nước bao cấp và bao tiêu sản phẩm, kế hoạch của nhà nước là mệnh lệnh và là nhu cầu của xã hội chứ không phải quy luật cung cầu, giá trị… Hệ quả là, sản xuất, nhu cầu phát triển của sức sản xuất chưa được xem trọng. Và, khi mà năng lực tổ chức quản lý của nhà nước bất cập, dẫn tới kết cục là vào những năm 80 của thế kỷ XX, nền kinh tế Việt Nam lâm vào trạng thái trì trệ, khủng hoảng. Đã xuất hiện những nghịch lý như: sản xuất mà không chú ý hiệu quả kinh tế; trao đổi sản phẩm mà không ngang giá “mua như cướp, bán như cho”; lưu thông trì trệ mà lại “ngăn sông, cấm chợ”…
Từ một trạng thái tư duy như vậy, việc vận dụng kinh tế thị trường vào quá trình sản xuất, trao đổi và tiêu dùng là bước tiến lớn lao và có thể xem là tiêu biểu nhất trên lĩnh vực đổi mới tư duy kinh tế. Tư duy này đã vận động từ chỗ kỳ thị kinh tế thị trường, đến việc coi nó như một yếu tố mà kế hoạch hóa cần tham chiếu, sau đó coi thị trường là một cơ chế để quản lý và đến nay là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được coi là mô hình kinh tế tổng quát của đất nước. Bước tiến dài ấy cần có được những luận chứng vững chắc của thực tiễn và của lý luận. Chính những tư tưởng của V.I. Lê-nin về NEP đã tiếp sức và làm thành một trong những cơ sở lý luận cho đổi mới tư duy về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Cũng cần nói thêm rằng, NEP của V.I. Lê-nin còn là “bảo bối” để hỗ trợ tinh thần cho giới lý luận Việt Nam. Một trong những trở lực lớn của việc đổi mới tư duy lý luận ở Việt Nam thời kỳ trước đổi mới là những lo ngại về “mất lập trường”, “sai quan điểm”. Chính những lo ngại đó đã khiến cho đổi mới tư duy lý luận không hề dễ dàng. “Chúng ta phải đi xuyên qua những dằn vặt tinh thần chưa từng có, phải vượt qua những cơn sốc tâm lý vốn không được chuẩn bị, mặt khác, ngay cả những ý tưởng sáng tạo mới trong lý luận cũng phải trải qua những thử thách với không ít nghiệt ngã của thực tiễn và dư luận xã hội”(7).
Với tinh thần cầu thị, sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, những điểm nổi bật của NEP, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định phương hướng phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ quá độ là: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh”(8).
Định hướng đó thể hiện tư duy biện chứng, cách mạng của người cộng sản, bảo đảm cho thành công của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam./.
-------------------------------------------
(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M, 1978, bản tiếng Việt, t. 44, tr. 254
(2) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 43, tr. 268
(3) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 43, tr. 376
(4) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 43, tr. 276
(5) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 45, tr. 428
(6) PGS, TS. Tô Huy Rứa… (đồng chủ biên), Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ 1986 đến nay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 116
(7) PGS, TS. Tô Huy Rứa … (đồng chủ biên), Sđd, tr. 157
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 73