Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị
Một số đề xuất góp phần xây dựng môi trường kinh doanh
(Tài chính) Đánh giá cao lộ trình cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, tuy nhiên, cộng đồng DN mong muốn được đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Niềm tin
Những định hướng đổi mới thể chế mà Chính phủ đã nêu cùng với cơ hội và áp lực của hội nhập cũng như yêu cầu bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước theo hướng tự chủ, không quá lệ thuộc vào bất kỳ một thị trường lớn nào đang hội tụ trong chương trình hành động của Chính phủ.
Cộng đồng kinh doanh có niềm tin sâu sắc vào quyết tâm và hành động của Chính phủ trong bối cảnh đặc biệt khi có nhiều cơ hội và thách thức đan xen như hiện nay.
Ông Vũ Tiến Lộc dẫn chứng việc Chính phủ nỗ lực nhanh chóng kiểm soát tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhà đầu tư và thực hiện những biện pháp trợ giúp kịp thời đối với các DN bị hại tại các địa phương vừa qua. “Có tới 98-99% DN bị hại đã trở lại hoạt động bình thường là những con số biết nói khẳng định các biện pháp của Chính phủ đã có tác dụng thiết thực”, ông Lộc cho biết.
Ngay cả các DN bị thiệt hại lớn nhất mà VCCI có dịp tiếp xúc, cũng đang có kế hoạch triển khai xây dựng lại nhà xưởng, tiếp tục sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, cho thấy niềm tin của họ vào môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam vẫn được giữ vững.
Điều này có được là do Chính phủ có giải pháp tương đối đồng bộ và kịp thời, tuy nhiên vẫn có vướng mắc trong quá trình thực hiện do vậy, cần phải cụ thể hóa và có sự phối hợp thực thi tốt hơn nữa giữa các cơ quan chính quyền các cấp.
Vì vậy, cộng đồng DN đề nghị các địa phương thiết lập ngay cơ chế một cửa - một Ban Chỉ đạo thống nhất và một cơ quan đầu mối có khả năng giải thích, hướng dẫn và giải quyết tất cả các vấn đề trợ giúp các DN khó khăn vừa qua, đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm tiền lương và công ăn việc làm cho người lao động. Các bộ, ngành cần cụ thể hóa việc triển khai các biện pháp trợ giúp…
Để hội nhập hiệu quả, đảm bảo tự chủ
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là hướng tới 2 mục tiêu tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển và bảo đảm sự tự chủ, không lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập, cộng đồng DN kiến nghị một số giải pháp cụ thể.
Trong quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTAs), chúng ta cần có phương án đàm phán mềm dẻo nhưng kiên quyết về các lợi ích xuất khẩu của DN, bao gồm các vấn đề liên quan: ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ phù hợp với cơ cấu, phương thức sản xuất; hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), vệ sinh dịch tễ (SPS) hợp lý, khoa học và không bị lạm dụng…, trong đó đặc biệt chú trọng đàm phán các cơ chế tiếp cận thị trường cho nông sản nhằm đa dạng hóa thị trường đối với sản phẩm nhạy cảm để tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Cần tích cực và mạnh dạn hơn trong mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa (máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, phương tiện và các sản phẩm khác mà Việt Nam đã bảo hộ lâu nay nhưng không đạt hiệu quả). Tuy nhiên, với các vấn đề có thể có ảnh hưởng lớn tới người lao động, nông dân và sản xuất nông nghiệp (như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với thuốc, nông hóa phẩm, lao động), cộng đồng DN lại mong muốn Chính phủ có sự thận trọng và cứng rắn trong đàm phán.
Về việc chuẩn bị cho thực thi các FTAs, đại diện VCCI cho rằng cần xây dựng cơ chế để tư vấn, hướng dẫn DN về các nội dung cam kết thương mại thông qua một đầu mối cụ thể cung cấp các thông tin cơ bản, cập nhật về tất cả các nội dung liên quan tới các FTAs. Cần có các biện pháp nhằm tăng cường sự tham gia của DN, hiệp hội vào các quá trình thực thi FTAs của các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là quá trình nội luật hóa các cam kết trong FTAs. Cộng đồng DN mong muốn đẩy mạnh chuyển giao các dịch vụ công từ Nhà nước sang các hiệp hội DN, đặc biệt liên quan tới các dịch vụ nhằm kiểm soát, đáp ứng các rào cản TBT, SPS ở thị trường xuất khẩu (cấp chứng chỉ, kiểm soát chất lượng )…
Đẩy mạnh thực hiện đề án tăng cường nội lực (phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng chuỗi giá trị…) và đa dạng hóa thị trường để giảm sự lệ thuộc của một số ngành kinh tế của Việt Nam.
Cải cách thể chế
Đại diện VCCI cho rằng cộng đồng DN có thể tham gia tích cực vào chương trình cổ phần hóa DNNN theo Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ; đề nghị các Bộ, ngành và DN sớm cung cấp danh sách, hồ sơ và phương án cổ phần hóa của 432 DN được Chính phủ chỉ định (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) cho VCCI và Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam để giới thiệu rộng rãi cho cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước.
Kết quả thăm dò bước đầu của VCCI cho thấy cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm tới việc tham gia quá trình này. Chúng ta sẽ sớm tìm được nhà đầu tư tiềm năng vào các DN Nhà nước nếu có sự hợp tác tích cực giữa các bộ, ngành và DN thuộc diện cổ phần hóa với VCCI và Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam.
Nghị quyết 19/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu cụ thể và hạn định thời gian để thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính của các cơ quan Chính phủ và chính quyền các địa phương, đồng thời đề cao vai trò của VCCI và cộng đồng DN trong việc giám sát, thúc đẩy và phản biện. VCCI sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam và các hiệp hội DN thực hiện yêu cầu này và sẽ có báo cáo định kỳ hàng tháng/quý với Thủ tướng và Chính phủ.
Ông Vũ Tiến Lộc khẳng định cộng đồng kinh doanh giữ vững niềm tin và mong muốn Chính phủ sẽ thành công trong những nỗ lực chủ động hội nhập, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giảm lệ thuộc và đẩy lùi tham nhũng vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước và nền kinh tế Việt Nam.