Nâng cao chất lượng đào tạo kế toán đáp ứng nhu cầu hội nhập hiện nay

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các ngành nghề nói chung và ngành kế toán Việt Nam nói riêng.

Hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội cho ngành kế toán.
Hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội cho ngành kế toán.

Trong thời gian qua, công tác đào tạo kế toán ở nước ta đã được quan tâm đẩy mạnh, song chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Thách thức này đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục tăng cường đổi mới trong đào tạo, nhất là đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp để tạo bước đột phá về năng suất lao động và phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Thách thức đối với công tác đào tạo kế toán

Hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, đã và đang mở ra cho sinh viên ngành Kế toán nhiều cơ hội việc làm. Kể từ năm 2017, với sự thỏa thuận công nhận lẫn nhau, kế toán là 1 trong 8 lĩnh vực, ngành nghề được di chuyển hoạt động tự do trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có không ít khó khăn, thách thức đặt ra. Cũng như các ngành nghề khác, kế toán Việt Nam khó có thể tránh khỏi những thách thức khi tham gia AEC.

Bởi vì, dịch vụ kế toán trong khu vực đã thống nhất và tuân thủ chuẩn mực kế toán chung, các nước thành viên thống nhất về khuôn khổ pháp lý, thu hẹp khoảng cách khác biệt, thừa nhận chứng chỉ hành nghề của tất cả các quốc gia. Nếu chất lượng đào tạo kế toán trong nước không theo kịp các quốc gia khác trong khu vực thì việc chuyển dịch nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao từ các nước sang Việt Nam sẽ là một thách thức lớn của các trường đào tạo kế toán trong nước…

Khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố năm 2016 cho thấy, nguồn nhân lực kế toán của Việt Nam luôn trong tình trạng báo động đỏ về dư thừa và sẽ còn dư thừa trong nhiều năm tới. Bởi công tác đào tạo kế toán hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố tiên quyết đó là việc trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên ngành gắn liền với thực tế.

Thực tiễn cho thấy, các cơ sở đào tạo (các trường đại học, Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và các đơn vị đào tạo trong nước) tại Việt Nam chưa có chương trình đào tạo bài bản về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Theo thông tin phản hồi từ các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự cho bộ phận kế toán, có đến 80% - 90% những sinh viên được tuyển dụng chưa có khả năng tiếp cận ngay được với công việc của một “kế toán”.

Các nhà tuyển dụng kế toán cho rằng, sinh viên kế toán Việt Nam thiếu nhiều kỹ năng, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có kiến thức thực tế trong công việc. Điều này chứng tỏ, thực trạng chất lượng đào tạo kế toán, mà cụ thể là nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên ngành kế toán chưa đáp ứng được yêu cầu, cụ thể như:

- Về chương trình đào tạo ngành Kế toán của các cơ sở đào tạo: Thực tế cho thấy, chương trình đào tạo ngành Kế toán của cơ sở đào tạo hiện nay còn lạc hậu, thiên về lý thuyết hàn lâm, hệ thống các môn học chuyên ngành đã không phù hợp với hệ thống chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Nhiều cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo của ngành Kế toán từ 120-150 tín chỉ, song tỷ trọng các môn học thuộc về chuyên ngành và chuyên ngành sâu chỉ chiếm khoảng 30% chương trình. Trong số 30% số tín chỉ toàn khóa học ở các môn học chuyên ngành, nội dung còn nặng về lý thuyết hàn lâm, nên sinh viên vẫn chưa tiếp cận được với công việc thực tế.

Hệ thống các giáo trình, tài liệu phục vụ học tập nghiên cứu tuy đã được thiết kế theo các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và bước đầu tiếp cận với Hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán quốc tế song cũng chỉ là trên những nguyên tắc chung. Chương trình đào tạo chậm cải tiến đổi mới, thiếu tính cập nhật, lý thuyết chưa gắn với thực tiễn, hạn chế phần nào đến khả năng suy luận và phát triển kiến thức của sinh viên ngành Kế toán.

- Về phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả: Phương pháp giảng dạy về cơ bản tuy đã có sự cải tiến, song về cơ bản vẫn tuân thủ theo phương pháp truyền thống, không đảm bảo được việc nâng cao kiến thức cho người học.

Phương pháp giảng dạy các môn kế toán hiện nay tại các trường đại học còn mang tính thụ động, cách truyền thụ kiến thức một chiều dẫn đến cách học của sinh viên hoàn toàn phụ thuộc vào giảng viên, sinh viên chưa có thói quen tự học, tự nghiên cứu, không có tư duy sáng tạo. Mặc dù, các cơ sở đào tạo đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ các giảng viên, người truyền đạt kiến thức còn thiếu kỹ năng sư phạm bộc lộ sự đơn điệu trong phương pháp giảng dạy. Giờ giảng chuyên ngành sâu cho sinh viên, học viên vẫn chủ yếu mang tính thuyết giảng, làm người học tiếp thu một cách thụ động, nội dung giảng dạy mang nặng lý thuyết, thiếu cập nhật thực tiễn dẫn tới xơ cứng, tính ứng dụng thấp.

- Về đội ngũ giảng viên giảng dạy kế toán: Đội ngũ giảng viên đảm nhận giảng dạy các học phần về kế toán, kiểm toán hiện nay tuổi nghề còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng công việc thực tế. Vì thu nhập còn thấp, nên giảng viên chuyên ngành kế toán tham gia quá nhiều lớp thỉnh giảng, không có thời gian trau dồi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ chuyên môn…

Một số đề xuất, kiến nghị

Với nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực kế toán, thời gian qua, các trường đại học và các tổ chức nghề nghiệp kế toán đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của hoạt động kế toán Việt Nam, tuy nhiên, một thực tế trong công tác đào tạo kế toán đó chính là chất lượng chưa cao. Bởi vậy, công tác đào tạo và bồi dưỡng nhân lực kế toán, kiểm toán cần có sự đổi mới, chuyển mình mạnh mẽ, trước mắt các cơ sở đào tạo chuyên ngành kế toàn cần chú trọng một số giải pháp sau:

Xây dựng chương trình đào tạo theo hướng chuyên môn hóa

- Chương trình đào tạo ngành kế toán nên xây dựng theo hướng chuyên môn hóa, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế, cụ thể như: chuyên ngành kế toán tài chính, chuyên ngành kế toán quản trị, chuyên ngành kế toán hành chính sự nghiệp, chuyên ngành kế toán khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch…

Đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 70% cuộc họp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở giáo dục và đào tạo được áp dụng hình thức trực tuyến; 70% lớp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện qua mạng theo phương thức học tập kết hợp…

- Hệ thống chương trình, tài liệu giảng dạy cũng cần được thiết kế lại phù hợp và có cập nhật thường xuyên các chuẩn mực kế toán ban hành. Các trường đại học, cao đẳng, các nơi đào tạo chuyên ngành… cần trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp và việc áp dụng các văn bản pháp quy mới về kế toán.

- Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiệm cận với chuẩn mực kế toán quốc tế (ISA), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Mạnh dạn phối hợp và tăng cường hợp tác với tổ chức ACCA, CPA Úc, CIMA... để đổi mới giáo trình đào tạo kế toán.

- Tăng cường giảng dạy ngoại ngữ và ngoại ngữ chuyên ngành để sinh viên có thể chuyển đổi sang bằng cấp quốc tế (ACCA, CPA Úc, CIMA...) dễ dàng hơn.

- Tăng cường đào tạo khả năng thực hành ngoại ngữ, các kỹ năng mềm. Các trường đại học nên dành thời lượng đủ lớn để trang bị cho học viên nâng cao kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ và tin học, nhất là tiếng Anh, để sau khi ra trường, đội ngũ này có thể sử dụng ngay ngoại ngữ vào quá trình thực hiện công việc một cách hiệu quả.

Đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả

Mặc dù, phương pháp giảng dạy tích cực được các trường áp dụng và triển khai trong nhiều năm qua nhưng vẫn còn mang tính hình thức, do vậy, công tác giảng dạy và đánh giá kết quả đối với các môn học kế toán thời gian tới cần đổi mới như sau:

- Áp dụng mô hình dạy học theo dự án. Theo mô hình này, khoa chuyên môn thiết kế các dự án cho từng môn học theo từng chủ đề. Ví dụ, đối với môn “Kế toán tài chính doanh nghiệp”, có thể đưa ra các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong 1 doanh nghiệp, sinh viên tự tìm hiểu về một DN thực tế để lập các chứng từ kế toán, định khoản, ghi sổ sách kế toán và lập báo cáo tài chính… Đây là mô hình lấy người học làm trung tâm và gắn liền với những vấn đề thực tiễn của DN. Mục tiêu của phương pháp học theo dự án là để sinh viên học nhiều hơn về một chủ đề. Sinh viên phải làm việc nhóm trong một khoảng thời gian nhất định để giải quyết vấn đề và trình bày công việc đã làm trước giảng viên và những sinh viên khác.

- Áp dụng phương pháp nghiên cứu tình huống trong giảng dạy các học phần kế toán chuyên ngành.

- Rèn luyện phương pháp tự học cho sinh viên thông qua các bài tập nhóm, tìm hiểu các văn bản của Nhà nước về chế độ kế toán tài chính, quản lý thuế.

- Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm.

Một số yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên

Muốn đào tạo nguồn nhân lực kế toán đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các DN trong thời kỳ hội nhập kinh tế, đội ngũ giảng viên chuyên ngành kế toán cần phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

Thứ nhất, giảng viên chuyên ngành kế toán phải có đủ năng lực giảng dạy, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực chuyên môn.

Thứ hai, nhà trường thường xuyên kết hợp với doanh nghiệp và các Hiệp hội nghề nghiệp để tạo ra môi trường trải nghiệm, nắm bắt thực tế cho sinh viên chuyên ngành kế toán, kiểm toán.

Thứ ba, đội ngũ giảng viên phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để tăng năng lực chuyên môn, năng lực nghiên cứu khoa học và năng lực giảng dạy. Đặc biệt, sớm có các nghiên cứu về các phương pháp giảng dạy IFRS, nguồn tài liệu giảng dạy, đánh giá sinh viên trong việc hiểu và vận dụng IFRS.

Thứ tư, cần có chính sách ưu đãi để thu hút nguồn giảng viên giỏi, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực kế toán chất lượng cao.

Thứ năm, các Hiệp hội nghề nghiệp cần có sự hỗ trợ đối với các trường đại học trong việc nghiên cứu về IFRS và xây dựng lộ trình giảng dạy hướng về IFRS thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo cho các giảng viên các trường đại học; tổ chức các cuộc hội thảo về IFRS.

Tóm lại, để nâng cao nhận thức về xu thế hội tụ kế toán, cũng như giúp Việt Nam xây dựng được lộ trình tiến tới vận dụng IFRS, các trường đại học, các cơ sở đào tạo cần thay đổi cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy và tuyển dụng giảng viên đủ năng lực tham gia vào công cuộc đổi mới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế toán. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cũng cần tổ chức nhiều khóa huấn luyện, cập nhật kiến thức về Chuẩn mực kế toán Việt Nam, về kinh nghiệm vận dụng IFRS trên quốc tế cũng như những vấn đề cần chuẩn bị để Việt Nam áp dụng IFRS cho các hội viên, cho các trường đại học thông qua hội thảo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ tài liệu, các công trình nghiên cứu hướng về IFRS…

Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Văn Thanh (2011), Đổi mới chương trình, nội dung và cách thức đào tạo kế toán – kiểm toán ở bậc đại học, Tạp chí Kiểm toán;
2. Nguyễn Hữu Lam (2014), Phát triển năng lực giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng trong điều kiện toàn cầu hóa và bùng nổ tri thức, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển quản trị;
3. Trần Thu Nga (2017), Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngành kế toán ở các trường đại học tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương;
4. Trương Bá Thanh - Trần Đình Khôi Nguyên (2007), Đổi mới công tác đào tạo kế toán - kiểm toán trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng;
5. Trần Ngọc Thúy (2017), Thực trạng nguồn nhân lực ngành kế toán nước ta hiện nay và đề xuất một số giải pháp cho thời gian tới, Tạp chí Công Thương;
6. Võ Văn Nhị (2016), Một số ý kiến về vấn đề đào tạo kế toán, kiểm toán bậc đại học đáp ứng xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Trang tin điện tử Hiệp hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam;
7. Vũ Hữu Đức (2011), Đào tạo kế toán Việt Nam - Tiềm năng và thách thức, Tạp chí Kiểm toán;
8. Vũ Mai Phương (2017), Đào tạo Kế toán kiểm toán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Tài chính.