Tác động của hoạt động xây lắp thủy lợi đối với công tác kế toán quản trị chi phí

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2019

Các công trình thủy lợi có tính chất là công trình phục vụ công ích. Trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác các công trình thủy lợi, nhà đầu tư cần phải chú trọng vấn đề quản trị chi phí, tính toán để giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng và tiến độ.

Tác động của hoạt động xây lắp thủy lợi đối với kế toán quản trị chi phí. Nguồn: Internet.
Tác động của hoạt động xây lắp thủy lợi đối với kế toán quản trị chi phí. Nguồn: Internet.

Bài viết nghiên cứu đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh công trình thủy lợi; phân tích tác động của hoạt động xây lắp thủy lợi đến công tác kế toán quản trị chi phí và giá thành, đề xuất giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng thủy lợi hoạt động an toàn và hiệu quả.

Khái quát về hoạt động xây lắp thủy lợi

Thông thường, công trình thủy lợi được xây dựng nhằm phục vụ công ích, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi tuy lớn nhưng lợi nhuận đạt được lại rất nhỏ, nhất là đối với các công trình thủy lợi phục vụ tưới, tiêu. Vì vậy, hầu hết các sản phẩm thuỷ lợi đều được thực hiện theo đơn đặt hàng. Nhà nước là người đặt hàng, đồng thời là người mua sản phẩm xây dựng thủy lợi để khai thác và quản lý vận hành.

Trong thực tế, rất ít doanh nghiệp tư nhân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác các công trình thủy lợi. Đây là điểm khác biệt của hoạt động xây lắp thủy lợi so với các hoạt động xây dựng, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành khác.

Hoạt động xây lắp thủy lợi bao gồm: Hồ chứa nước, kênh dẫn nước, trạm bơm nước tưới tiêu, đập chắn nước, nhà máy thủy lợi điện cung cấp điện năng… Tất cả được xây dựng trên các sông, suối, những nơi có điều kiện địa hình, địa chất rất phức tạp. Các sản phẩm này có tính đơn chiếc, phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa phương, có tính đa dạng, cá biệt cao về công dụng, cách cấu tạo và phương pháp xây dựng.

Tương tự như những công trình xây dựng khác, các công trình thuỷ lợi cũng đòi hỏi chất lượng cao, có kết cấu phức tạp, nhiều chi tiết; có kích thước, chi phí lớn, thời gian xây dựng và sử dụng lâu dài; mang tính chất tài sản cố định, nên thường có thể tích lớn và giá trị cao. Tuổi thọ trung bình của các công trình thủy lợi khá cao, thậm chí có sản phẩm tuổi thọ đến 100 năm. Ví dụ như, tuổi thọ của các công trình đường ống, trạm bơm là 25 năm; tuổi thọ của các công trình đập đá là khoảng 100 năm; tuổi thọ của các công trình bê tông (như đập tràn, đập ngăn sông) là khoảng 100 năm…

Tác động của hoạt động xây lắp thủy lợi đối với kế toán quản trị chi phí

Quản lý chi phí là hoạt động cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Để quản lý chi phí tốt và hiệu quả, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện tốt công việc, thu thập và xử lý thông tin về chi phí, lập kế hoạch chi phí, vì những thay đổi về điều kiện sản xuất trước và sau giai đoạn thiết kế hoàn toàn khác nhau, có thể làm chi phí biến động tăng hoặc giảm.

Ngành Xây dựng nói chung và xây dựng thủy lợi nói riêng lại là ngành sản xuất đặc biệt có quy trình sản xuất phức tạp. Nếu quản lý chi phí không tốt sẽ khiến cho chi phí vượt tổng mức đầu tư, dẫn đến lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước. 

Khảo sát thực tế cho thấy, sản phẩm xây lắp thủy lợi thường được xây dựng và sử dụng tại chỗ, cố định tại địa điểm xây dựng và phân bố tản mát ở nhiều nơi khác nhau. Đặc điểm này làm cho sản phẩm xây dựng có tính chất lưu động cao và thiếu ổn định. Mỗi công trình thủy lợi gắn với vị trí nhất định, cố định, tại nơi sản xuất còn các điều kiện sản xuất khác như: Lao động, vật tư, thiết bị máy móc… lại phải di chuyển theo, do đó, luôn tồn tại một khoảng cách lớn giữa nơi trực tiếp phát sinh chi phí và nơi hạch toán chi phí, gây không ít khó khăn cho công tác kế toán của đơn vị.

Mỗi công trình thủy lợi gắn với vị trí nhất định, cố định, tại nơi sản xuất, trong khi các điều kiện sản xuất khác như: lao động, vật tư, thiết bị máy móc… lại phải di chuyển theo, do đó, luôn tồn tại một khoảng cách lớn giữa nơi trực tiếp phát sinh chi phí và nơi hạch toán chi phí, gây không ít khó khăn cho công tác kế toán của doanh nghiệp.

Hoạt động xây lắp thủy lợi chủ yếu được thực hiện ngoài trời nên thường xuyên chịu tác động bởi các nhân tố khách quan như: Thời tiết, khí hậu, dẫn đến tình trạng hao hụt, lãng phí vật tư, tiền vốn… làm tăng chi phí sản xuất. Không chỉ vậy, trong quá trình thi công, các công ty xây dựng thủy lợi còn phải thường xuyên di chuyển, do đó, gây phát sinh một số chi phí cần thiết khách quan như: Chi phí điều động nhân công, máy thi công; chi phí chuẩn bị mặt bằng và dọn mặt bằng sau thi công. Mặt khác, sản phẩm xây lắp cố định được thi công theo đơn đặt hàng của bên giao thầu, nên khi tiêu thụ chỉ qua khâu thủ tục bàn giao giữa bên A và bên B trên cơ sở nghiệm thu khối lượng, chất lượng công việc theo đúng thiết kế đự toán đã quy định.

Sản phẩm xây dựng thủy lợi có giá trị, khối lượng công trình lớn, thời gian thi công tương đối dài nên kỳ tính giá thường được xác định theo thời điểm khi công trình, hạng mục công trình hoàn thành. Sản phẩm xây lắp thủy lợi được tiêu thụ theo giá dự toán hoặc giá thỏa thuận với chủ đầu tư (theo giá đấu thầu). Vì vậy, các nhà quản trị doanh nghiệp cần xây dựng tốt các yêu cầu về tổ chức quản lý, tổ chức thi công và các biện pháp thi công phù hợp với đặc điểm của từng công trình, hạng mục công trình khác nhau.

Tác động của hoạt động xây lắp thủy lợi đối với công tác kế toán quản trị chi phí  - Ảnh 1

Thời gian sử dụng sản phẩm xây lắp thủy lợi lại tương đối dài nên mọi sai lầm trong quá trình thi công khó có thể sửa chữa, tu bổ ngay; đôi khi để lại hậu quả nghiêm trọng, lâu dài và khó khắc phục. Do đó, trong quá trình thi công, các nhà quản trị phải tính toán xây dựng dự toán chính xác và phải thường xuyên kiểm soát, giám sát tốt chi phí trong quá trình thi công đảm bảo chất lượng công trình, tránh thất thoát, lãng phí.

Nâng cao hiệu quả quản trị chi phí, hạ giá thành công trình thủy lợi

Để quản lý chi phí hiệu quả, hạ giá thành công trình thủy lợi, các công ty xây lắp thủy lợi cần chú trọng những giải pháp sau:

- Cần hoàn thiện các quy định, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, chế độ chính sách... phù hợp với từng loại công trình và từng địa phương để làm căn cứ giám sát nghiệm thu.

- Thực hiện tốt chế độ kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu theo quy định hiện hành.

- Tăng cường công tác kiểm tra, quyết toán từng hạng mục, từng giai đoạn sau khi hoàn thành công trình.

- Hoàn thiện quy chế nội bộ và ban hành các chế tài của đơn vị đủ mạnh để điều tiết trách nhiệm của các chủ thể tham gia xây dựng công trình; chế độ thưởng phạt cũng phải nghiêm minh.

- Cần phải có biện pháp kiểm tra, kiểm soát tiến độ chặt chẽ, đảm bảo tiến độ thi công.

- Sửa đổi, bổ sung thành phần công việc, đặc biệt là tăng cường khảo sát để chính xác hóa các chỉ tiêu, thông số kỹ thuật và tổng mức đầu tư.

- Xây dựng khung pháp lý, thí điểm đấu thầu đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phúc lợi xã hội mà chủ đầu tư không phải là người trực tiếp quản lý, sử dụng khi dự án hoàn thành.

- Thông báo kế hoạch vốn có tính chất dài hạn 5 năm và dự kiến kế hoạch 10 năm, để chủ đầu tư bố trí dự án tránh dàn trải.

Sản phẩm xây dựng thủy lợi có giá trị, khối lượng công trình lớn, thời gian thi công tương đối dài nên kỳ tính giá thường được xác định theo thời điểm khi công trình, hạng mục công trình hoàn thành. Sản phẩm xây lắp thủy lợi được tiêu thụ theo giá dự toán hoặc giá thỏa thuận với chủ đầu tư (theo giá đấu thầu).

Bên cạnh đó, cần thực hiện đúng kế hoạch, tiến độ đề ra nhằm mục tiêu giảm chi phí trong quá trình xây dựng của các đơn vị thi công. Tuỳ điều kiện thực tế ở từng địa phương và công trường xây dựng mà có thể đề ra những giải pháp hiệu quả. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả chi tiêu trong doanh nghiệp, nhà quản lý cần phải có các biện pháp kiểm soát chi tiêu, góp phần giảm chi phí. Cụ thể, nhà quản lý cần lưu ý tuân thủ quy trình sau:

- Bước 1: Nhà quản lý phát hiện các chi phí cần phải cắt giảm bằng cách tập hợp các chi phí theo từng trung tâm và kết quả tính toán những biến động, qua đó phát hiện được các bộ phận yếu kém trong quản lý và sử dụng chi phí. Thông thường, nhà quản lý chỉ cần quan tâm đến những biến động có tỷ lệ phần trăm lớn (so với định mức) hay có giá trị lớn hoặc các biến động bất lợi kéo dài theo thời gian.

- Bước 2: Nhà quản lý cũng cần xác định và lường trước các nguyên nhân gây ra các biến động bất lợi. Thông thường, một biến động bất lợi về chi phí có thể có nhiều nguyên nhân, nhà quản lý nên tập trung vào một vài nguyên nhân chủ yếu và bỏ qua các nguyên nhân còn lại.

- Bước 3: Nhà quản lý cần đề ra các biện pháp cắt giảm chi phí. Việc đề ra các biện pháp cắt giảm chi phí đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của các nhân viên, bộ phận liên quan, vì các biện pháp này thiên về mặt kỹ thuật hơn là quản lý.

Tóm lại, bất kỳ doanh nghiệp nào khi hoạt động đều phát sinh chi phí và vai trò của nhà quản lý là phải làm sao kiểm soát được các chi phí, bởi vì lợi nhuận thu được nhiều hay ít sẽ tác động trực tiếp tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp xây lắp thủy lợi. Như vậy, kiểm soát được chi phí sẽ nâng cao hiệu quả chi tiêu, từ đó làm gia tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Những năm gần đây, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Các tác động này đã làm gia tăng và biến động giá vật liệu, chi phí tiền lương – tiền công. Đây là 2 yếu tố chính cấu thành giá thành sản phẩm xây dựng, làm cho chi phí đầu vào cao hơn so với dự toán, khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng phá sản khi triển khai các dự án đã ký kết.

Nhằm giúp các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành xây lắp nói riêng ứng phó với những biến động của  thị trường, các cơ quan chức năng đã kịp thời có những chính sách bù giá hoặc cho phép điều chỉnh dự toán nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, đây chỉ mang tính chất hỗ trợ trong ngắn hạn và để các doanh nghiệp chủ động phát triển trong dài hạn thì cần có những chính sách định hướng; đồng thời, các nhà quản trị cũng phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những vấn đề nêu trên là một phạm trù lớn trong ngành Xây dựng, các doanh nghiệp ngành xây lắp cần có sự tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu để có giải pháp áp dụng vào thực tiễn của ngành. Tuỳ theo điều kiện, quy mô công trình cụ thể mà doanh nghiệp có thể lựa chọn các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư khi thi công các công trình thuỷ lợi.                     

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT - BTC ngày 12/06/2006 hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp;
  2. Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/05/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
  3. Thông tư số 06/2010/TT-BXD ngày 26/05/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá cả máy và thiết bị thi công;
  4. Quyết định số 957/2009/QĐ-BXD ngày 29/09/2009 của Bộ Xây dựng về việc công bố Định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình;
  5. Vương Đình Huệ, Đoàn Xuân Tiên (2002), Giáo trình kế toán quản trị, NXB Tài chính, Hà Nội.