Nghị định 20/2017/NĐ-CP:

Nâng cao hiệu quả chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách

PV.

Chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/5/2017, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do Chính phủ ban hành được đánh giá là bước tiến quan trọng trong công tác đấu tranh chống gian lận thuế, chống thất thu ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bước tiến quan trọng trong đấu tranh chống gian lận thuế

Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã đánh dấu sự phát triển về chất trong quản lý giá chuyển nhượng (GCN) tại Việt Nam. Nghị định này đã thể hiện nhiều quy định chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như tinh thần cải cách hành chính hướng tới đơn giản, minh bạch.

Nghị định số 20/2017/NĐ-CP với các chuẩn mực quốc tế về xác định GCN lần đầu tiên được giới thiệu trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam. Nghị định này được phát triển từ các văn bản như Thông tư 217/2005 và Thông tư 66/2010 của Bộ Tài chính...

Nghị định 20 không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế, mà còn đảm bảo đúng nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức, nguyên tắc “ngưỡng an toàn” (Điều 12 đã quy định các trường hợp cụ thể, trong đó người nộp thuế được miễn kê khai, hoặc miễn lập hồ sơ xác định GCN). Đây là một quy định rất có ý nghĩa thực tiễn trên phương diện cải cách hành chính.

Cùng với việc áp dụng nguyên tắc ngưỡng an toàn để giảm bớt nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định GCN như nêu trên, Nghị định cũng hạn chế phạm vi các giao dịch được coi là giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh thông qua việc nâng tỷ lệ kiểm soát giữa các bên và tỷ lệ vốn vay trong vốn chủ sở hữu (từ 20% lên 25%).

Điều này sẽ  khiến cho nhiều doanh nghiệp trước đây bị coi là tham gia giao dịch liên kết (do đó phải kê khai và lập hồ sơ xác định GCN) thì nay không  thuộc phạm vi áp dụng.

Đặc biệt, việc loại bỏ các trường hợp bị coi là liên kết liên quan đến việc sử dụng tài sản vô hình, cung cấp vật tư, tiêu thụ sản phẩm trên một ngưỡng nhất định cũng như  thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng được các doanh nghiệp nhiệt liệt hoan nghênh. Vì nó phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh với sự hợp tác ngày càng phong phú giữa các doanh nghiệp.

Việc quy định cụ thể bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan và của UBND tỉnh/thành phố trong quản lý xác định GCN không chỉ thể hiện tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống gian lận thuế trong xác định GCN, mà còn đảm bảo một sự công bằng và minh bạch hơn trong lĩnh vực này.

Mặc dù, có những thời điểm “việc lạm dụng xác định GCN” để trốn và tránh thuế đã trở thành vấn đề nóng trên cả nghị trường, các phiên họp chính phủ và phương tiện thông tin đại chúng, nhưng trước đây, khi việc quản lý xác định GCN chỉ được thực hiện ở mức thông tư do Bộ Tài chính ban hành, sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp hoàn toàn trên cơ sở tự nhận thức và tự giác, hoặc nhiều nhất cũng chỉ là các quy định pháp lý chung của Luật Quản lý thuế về trách nhiệm của các bên thứ ba đối với công tác quản lý thuế nói chung.

Khắc phục những hạn chế trên, Nghị định 20 quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh/thành phố trong công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp tham gia giao dịch liên kết đã tạo cơ sở pháp lý khiến cho việc quản lý GCN.

Công cụ hữu hiệu trong chống thất thu ngân sách

Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế nhận định, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP là cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho công tác đấu tranh chống chuyển giá và khắc phục kịp thời những bất cập của thực tế. Qua đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách Nhà nước của ngành Thuế.

Cụ thể, Nghị định 20 được xây dựng trên cơ sở phát huy những quy định về quản lý GDLK mang lại kết quả trong thời gian qua, khắc phục một số điểm vướng mắc trước đây và cập nhật, bổ sung các giải pháp quản lý mới được BEPS (Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận).

Một trong những nội dung quan trọng và cũng được coi là một giải pháp sẽ phát huy hiệu quả lớn trong thực tế là việc yêu cầu các DN chuẩn bị hồ sơ xác định giá GDLK gồm ba cấp, nhằm thu thập thêm thông tin về thuế của các công ty đa quốc gia. Cụ thể, người nộp thuế phải chuẩn bị và lưu trữ Hồ sơ thông tin tập đoàn toàn cầu, Hồ sơ quốc gia và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Các hồ sơ này sẽ nâng cao chất lượng quản lý rủi ro giá chuyển nhượng cho cơ quan Thuế, đồng thời giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho người nộp thuế qua cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các nước.

Đặc biệt, người nộp thuế phải cung cấp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong trường hợp công ty mẹ tối cao có nghĩa vụ phải chuẩn bị và nộp báo cáo này cho cơ quan Thuế nước sở tại hoặc trong trường hợp người nộp thuế chính là công ty mẹ tối cao có trụ sở đặt tại Việt Nam và có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 18.000 tỷ đồng trở lên.

Với quy định này, trong thời gian tới, cơ quan Thuế các nước cũng sẽ có cơ chế trao đổi thông tin để đảm bảo việc quản lý được hiệu quả, minh bạch hơn.

Ngoài ra, Nghị định 20 đã đưa ra các nguyên tắc để xác định giá giao dịch liên kết như: Phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập; nguyên tắc bản chất quyết định hình thức để xác định đúng bản chất giao dịch liên kết có tính chất tương đồng với các đối tượng so sánh độc lập; phân tích, so sánh phải đảm bảo tính tương đồng giữa đối tượng so sánh độc lập và giao dịch liên kết; áp dụng phương pháp đối chiếu, rà soát… đối với các yếu tố so sánh để lựa chọn các đối tượng so sánh độc lập.

Nếu phát hiện vi phạm như không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin; cung cấp không đầy đủ thông tin hồ sơ xác định giá GDLK; sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích so sánh, kê khai xác định giá GDLK hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho GDLK,... cơ quan Thuế sẽ ấn định thuế đối với người nộp thuế.