Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế biển ở Việt Nam
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về kinh tế biển, thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế biển. Bài viết nhận diện những vấn đề còn hạn chế trong quản lý nhà nước về kinh tế biển, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay.
Thực trạng quản lý nhà nước về kinh tế biển ở Việt Nam
Quản lý nhà nước về kinh tế biển là yếu tố không thể thiếu ở cấp quốc gia và ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương ven biển.
Quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển bao hàm một số nội dung cơ bản: (i) Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế biển; (ii) Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển; (iii) Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển; (iv) Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề nảy sinh trong phát triển kinh tế biển.
Xây dựng chính sách phát triển kinh tế biển
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, phát triển kinh tế biển là một chủ trương lớn. Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đã nhấn mạnh: Thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương” và xác định những chủ trương chiến lược nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển và đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về việc ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần thực hiện đến năm 2025 và đến năm 2030, kèm theo Danh mục 51 đề án, dự án, nhiệm vụ giao các bộ, ngành, địa phương phải triển khai trong từng giai đoạn.
Nhìn chung, hệ thống pháp luật về kinh tế biển ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện khá đầy đủ, trên các lĩnh vực như: Luật Dầu Khí (2008); Luật Biển Việt Nam (2012); Luật Tài nguyên, Môi trường biển và Hải đảo (2015); Luật Thủy sản (2017); Luật Du lịch (2017)… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của biển và phát triển các ngành kinh tế biển, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế biển
Hiện nay, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế biển bao gồm: Cơ quan quản lý khai thác tài nguyên biển theo ngành; Cơ quan quản lý tổng hợp về khai thác tài nguyên biển.
Hai bộ phận này được tổ chức đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương có biển; trong đó phân công, phân cấp về vai trò trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan trong hệ thống dựa trên nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ.
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 06/2/2020 về việc thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hiện nay, có 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển thành lập Ban chỉ đạo và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển ban hành Chương trình/Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP.
Tình hình phát triển kinh tế biển
Trong những năm qua, Chính phủ và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách của chính quyền địa phương về phát triển kinh tế biển.
Kết quả cho thấy, các tỉnh, thành phố ven biển đã và đang trở thành điểm sáng trong thu hút FDI của cả nước, điển hình như: Hải Phòng, Quảng Ninh đã lọt vào top 10 địa phương về thu hút vốn FDI trong năm 2021.
Riêng TP. Hải Phòng đã thu hút 5,26 tỷ USD vốn FDI, gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đầu cả nước. Trong giai đoạn 2019 - 2021, cả nước có 19 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha; có 330 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt gần 97 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 65,9 nghìn ha.
Tính đến cuối năm 2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt 200.500 ha. Tỷ lệ diện tích khu bảo tồn biển đạt 0,172% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.
Đến nay, đã có 17/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển đã ban hành quyết định phê duyệt Danh mục hành lang bảo vệ bờ biển. Các địa phương ven biển đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển, như: Chính sách đất đai xây dựng khu công nghiệp, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện, đường, trường, trạm… phục vụ phát triển kinh tế biển.
Từ những chính sách đồng bộ, hiệu quả, kinh tế biển đã có bước phát triển khởi sắc. Hiện nay, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.
Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề nảy sinh trong phát triển kinh tế biển Trong những năm gần đây, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề nảy sinh trong phát triển kinh tế biển bước đầu đạt được những hiệu quả tốt.
Mục tiêu của hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Chính phủ và các địa phương đã tập trung phòng ngừa, xử lý ô nhiễm, sự cố môi trường biển từ các hoạt động kinh tế; giám sát, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển của các chương trình, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực kinh tế biển theo quy định.
Tuy nhiên, thực tiễn quản lý nhà nước về kinh tế biển còn nhiều hạn chế, như: Chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế biển của các khu vực biển và của từng địa phương chưa tạo được sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau; Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý phát triển kinh tế biển còn hạn chế;
Cơ cấu tổ chức trong công tác quản lý biển và hải đảo tại các địa phương chưa có sự thống nhất, nhân lực quản lý về lĩnh vực biển, hải đảo còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm; Các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kinh tế biển chưa được ban hành đầy đủ, dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, kiểm soát còn nhiều bất cập…
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế biển
Nhằm khắc phục những hạn chế trên trong quản lý nhà nước về kinh tế biển, thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, quy hoạch về phát triển kinh tế biển. Việc hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển là giải TÀI CHÍNH - Tháng 8/2022 33 pháp quan trọng hàng đầu, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương có liên quan cần chủ động rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với thực tiễn.
Chú trọng vào những lĩnh vực cần phải được khuyến khích phát triển, tạo động lực lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ưu tiên các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới và kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển và ven biển.
Hai là, chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên biển. Để quản lý kinh tế biển một cách hiệu quả, cần phải thực hiện tốt các hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên biển. Các địa phương cần ưu tiên đầu tư cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; Đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế biển như du lịch biển, khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm…;
Đồng thời, huy động nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư khai thác nguồn tài nguyên biển trên địa bàn. Cùng với đó, chú trọng điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, sinh thái biển, nhằm có được các số liệu, dữ liệu về khí tượng, hải văn, môi trường, các nguồn tài nguyên trong lòng biển để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển.
Ba là, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế biển. Cần xây dựng một đội ngũ cán bộ có tâm và có tầm để đảm nhiệm nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế biển.
Chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quan tâm bồi dưỡng nhân tài, đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực; Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, đủ năng lực, có bản lĩnh, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát các đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực biển thông qua đào tạo (đại học và trên đại học), dạy nghề, xây dựng cơ sở đào tạo và các chương trình đào tạo nhân lực cho quản lý, khai thác biển.
Bốn là, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển. Các địa phương có biển đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật kết nối, nâng cao hạ tầng xã hội nhằm tạo nền tảng phát triển kinh tế biển.
Đối với các địa phương có biển, cần tăng cường cơ sở vật chất, năng lực quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về kinh tế biển; Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển của địa phương.
Đặc biệt là khẩn trương xây dựng, hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch của địa phương đảm bảo các quy hoạch được tích hợp quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, trong đó trọng tâm là phát triển bền vững kinh tế biển, tăng cường liên kết vùng.
Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có các nguồn lực xã hội hóa, trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật kết nối, nâng cao hạ tầng xã hội nhằm tạo nền tảng phát triển kinh tế biển; kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Như vậy, có thể thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển đã được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đạt kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Do đó, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế biển, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, quy hoạch về phát triển kinh tế biển;
Chú trọng công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên biển; Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế biển; Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế biển…
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2018), Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
2. Ban Chấp hành Trung ương (2007), Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
3. Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021;
4. KC (2021), “Tham vấn về Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam”. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/tham-van-ve-bao-cao[1]kinh-te-bien-xanh-viet-nam-596096.html.
*Theo Nguyễn Thị Thu Phương - Học viện Cảnh sát nhân dân.
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2022.