Nâng cao năng lực tài chính cho các trường đại học ngoài công lập
Tại Việt Nam, mô hình đại học ngoài công lập đã khẳng định được thế mạnh bằng sự phát triển qua gần 30 năm với 60 trường, quy mô đào tạo và chất lượng thương hiệu đào tạo của các trường cũng dần tăng lên. Mặc dù các trường đại học ngoài công lập đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục đại học của đất nước, tuy nhiên cơ chế hoạt động, chính sách tài chính đối với các trường đại học ngoài công lập vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Thực trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động các nguồn lực để nâng cao năng lực tài chính của các trường đại học ngoài công lập.
Vấn đề tài chính trong các trường đại học ngoài công lập
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2020-2021, cả nước có 4.077 cơ sở giáo dục ngoài công lập, thì trong đó có 60 trường đại học ngoài công lập/dân lập và 6 trường đại học 100% vốn nước ngoài) với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên ngoài công lập.
60 trường đại học ngoài công lập của Việt Nam có mặt ở 29/63 tỉnh/thành, miền Bắc có 23 trường, miền Trung - Tây nguyên có 12 trường và miền Nam có 25 trường, trong đó TP. Hà Nội có số lượng nhiều nhất là 13 trường, tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh có 12 trường (Linh Hương, 2022). Như vậy, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đã giúp giảm áp lực cho các địa phương có nhu cầu cao về trường, lớp, đáp ứng quy mô học sinh tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp.
Đối với vấn đề tài chính ở các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, khoản 2 Điều 101 Luật Giáo dục (năm 2019) quy định chế độ tài chính đối với cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục như sau: “Cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thuế, định giá tài sản và công khai tài chính theo quy định của pháp luật. Khoản thu của cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được dùng để chi cho các hoạt động của cơ sở giáo dục, thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, thiết lập quỹ đầu tư phát triển và các quỹ khác của cơ sở giáo dục, phần còn lại được phân chia cho nhà đầu tư theo tỷ lệ vốn góp, trừ cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận”.
Trên thực tế, hiện nay, các địa phương đã triển khai các chính sách tài chính ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, huy động các nguồn lực của xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng. Cụ thể như sau:
Chính sách hỗ trợ kinh phí của Nhà nước
Quỹ đất xây dựng
Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập, góp phần nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách.
Cụ thể là: theo Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, ngày 16/6/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 1466/QĐ-TTg, ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, ngày 21/4/2017 của Chính phủ về quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường Đại học quy định tại khoản 3 điều 28 về trường Đại học ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận được hưởng các chính sách hỗ trợ, trong đó được ưu tiên giao hoặc cho thuê đất; Luật Giáo dục đại học (năm 2018) quy định tại Khoản 2 điều 12 được ưu tiên ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và chính sách khác để phát triển đại học; tại Khoản 4 điều 12 cũng quy định khuyến khích và ưu tiên cho cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập hoạt động không vì lợi nhuận. Trong đó, nêu rõ các chính sách ưu đãi với tổ chức đầu tư vào hoạt động giáo dục được ưu tiên giao, thuê đất.
Nhìn chung, hiện nay, mỗi địa phương, mỗi cơ quan thực hiện mỗi khác và chưa có chính sách giao đất sạch hợp quy hoạch để nhà đầu tư có đủ quỹ đất xây trường. Trường hợp chủ đầu tư đã mua đất thì phải xin đề xuất quy hoạch chuyển đổi đất giáo dục mới được phép đầu tư xây dựng. Trường hợp nữa là nhà đầu tự bỏ kinh phí ra, nhưng không được hỗ trợ trong công tác bồi hoàn, giải phóng mặt bằng vì trong luật không có quy định cho trường tư thục không vì lợi nhuận. Chính những vấn đề này làm cho việc chuẩn bị đất để xây dựng trường sau khi Luật Đất đai (năm 2013) được ban hành, gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, có những trường mất hàng chục năm vẫn chưa được giải quyết đất để xây dựng trường.
Điển hình như trường hợp Trường Đại học Văn Lang, việc xin phép và đáp ứng các thủ tục trong xây dựng gặp nhiều trở ngại, trong khi Trường đã có sẵn quỹ đất, đã vay và huy động tiền thông qua phát hành trái phiếu nhưng việc xin phép xây dựng diễn ra quá lâu, nhiều khó khăn. Cơ sở 3 của Trường Đại học Văn Lang triển khai đến năm 2022 đã hơn 24 năm, mất khoảng 20 năm hoàn tất thủ tục và mới chỉ xây dựng được 50% kế hoạch (Minh Giảng, 2022).
Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa trường đại học ngoài công lập và đại học ngoài công lập, nên ảnh hưởng tới sự vận hành của các trường đại học ngoài công lập.
Nguồn vốn vay đầu tư, thuế thu nhập
Đối với vốn vay: Hiện nay, đa số các trường tư thục đều chủ động về nguồn vốn đầu tư ban đầu từ các nguồn, như: vốn góp của các cổ đông cá nhân, tổ chức, vốn vay từ thế chấp tài sản… Ngoài việc chuẩn bị nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản và chuẩn bị cho giai đoạn đầu, thì các trường vẫn phải có nguồn vốn để đầu tư nâng cao năng lực cho các giai đoạn sau.
Chính sách về cho vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển đại học ngoài công lập hiện nay còn chưa cụ thể và phụ thuộc vào chính sách của từng tỉnh/thành, có rất ít trường tiếp cận được để vay vốn và thời gian cũng khá ngắn nên rất dễ mất cân đối để duy trì trường và đối với các khoản vay từ các ngân hàng lại phát sinh khoản lãi suất cao là áp lực rất lớn cho các trường.
Đối với chính sách thuế: Từ năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, trong đó, điểm a), khoản 2, điều 8 quy định các trường ngoài công lập "được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động".
Nhưng để các trường ngoài công lập hưởng được chính sách ưu đãi này, các trường phải đáp ứng tiêu chuẩn “diện tích đất tối thiểu/học sinh” ở thành phố là 8 m2/trẻ bậc mầm non; 6 m2/học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; 55 m2/sinh viên bậc đại học, cao đẳng (theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ). Nếu các trường không đáp ứng được tiêu chuẩn này, các trường ngoài công lập phải đóng 100% thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế suất 28%, 25%, 22% và từ năm 2016 là 20%).
Đến năm 2013, Quyết định số 693/QĐ-TTg, ngày 6/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ có điều chỉnh "diện tích đất tối thiểu" đối với sinh viên bậc đại học, cao đẳng thành "diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo tối thiểu", giữ nguyên quy định "diện tích đất tối thiểu" đối với các bậc học dưới đã góp phần giúp các trường tư thục tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục, giảm bớt gánh nặng sĩ số, biên chế, ngân sách nhà nước phải chi cho giáo dục công.
Chính sách huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức và các cá nhân đầu tư, tài trợ
Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Thông tư số 135/2008/TT-BTC, ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP nhằm huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, tài trợ cho trường đại học ngoài công lập.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện cho thấy vẫn còn một số bất cập, hạn chế, như: việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện cụ thể của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương chưa đầy đủ, đồng bộ và theo kịp với tình hình phát triển; về hướng dẫn việc xác định các điều kiện được hưởng chính sách xã hội hóa chưa được thống nhất giữa các ngành... Trên thực tế, hiện nay, đa số các trường đại học ngoài công lập chưa nhận được sự hỗ trợ đất đai hay cho vay tín dụng để xây dựng trường như trong Nghị định số 69/2008/NĐ-CP đề ra. Hơn nữa, đại đa số các trường đại học ngoài công lập khó tiếp cận được các ưu đãi bởi không thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 6/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung, nguồn tài chính của trường đại học ngoài công lập chủ yếu là do sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân góp vốn đầu tư; sự vận hành chủ yếu cân đối dựa trên nguồn học phí của sinh viên, hầu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước và hơn nữa, Việt Nam chưa có truyền thống hay điều kiện để hiến tặng cho trường đại học ngoài công lập như nhiều quốc gia trên thế giới, cho nên không ít trường gặp rất nhiều khó khăn.
Chính sách học phí học phí và lệ phí
Luật Giáo dục (năm 2019) quy định, cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Đồng thời, phải thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, năm học theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này trên thực tế còn rất nhiều bất cập, có trường sau khi sinh viên làm thủ tục nhập trường mới công bố tiền học phí, gây bất lợi trong việc lựa chọn ngành học, trường học cho sinh viên. Các trường đại học ngoài công lập thì mới chỉ công khai mức học phí của từng tín chỉ. Sinh viên cũng không thể nắm bắt rõ vấn đề học phí của từng kỳ, mà chỉ dựa vào mức học phí của từng tín chỉ. Lệ phí tuyển sinh, nhập trường của các trường tư thục cũng có những chênh lệch lớn so với trường công lập.
Bên cạnh đó, mặc dù Nhà nước có chính sách cho vay học phí không phân biệt sinh viên trường đại học công lập hay đại học ngoài công lập, song thực tế cho thấy, chính sách này vẫn chưa đủ bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng. Các trường đại học ngoài công lập có mức học phí cao phải rất vất vả để duy trì chất lượng và thu hút sinh viên, trong khi đất đai và cơ sở vật chất hạn hẹp, không được hưởng các nguồn kinh phí như trường công lập.
Một số kiến nghị
Nhằm nâng cao năng lực tài chính cho các trường đại học ngoài công lập, để các trường đại học ngoài công lập phát triển và khẳng định được vị trí, vai trò của mình, tác giả kiến nghị một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài chính cho giáo dục đại học nói chung và đại học ngoài công lập nói riêng nhằm tạo khung pháp lý đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho trường đại học ngoài công lập phát triển.
Thứ hai, điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với các trường đại học ngoài công lập. Không nên đánh thuế các trường đại học ngoài công lập phi lợi nhuận. Đề nghị Nhà nước nên có chính sách cụ thể hơn về nguồn vốn hay quỹ đầu tư ưu đãi với lãi suất phù hợp và thời gian vay trung dài hạn đảm bảo trường hoạt động ổn định, tạo điều kiện cho trường tái đầu tư và cân đối trả vay.
Thứ ba, cần xây dựng và sớm ban hành quy chế trường đại học không vì lợi nhuận và trường đại học ngoài công lập vì lợi nhuận. Đồng thời, xây dựng những quy định riêng biệt cho hai loại trường này, từ cơ chế tổ chức và hoạt động đến chính sách cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn.
Thứ tư, các trường đại học ngoài công lập cân nhắc xây dựng khung học phí tương ứng với các quy chuẩn nhằm đảm bảo chất lượng và xây dựng chính sách hỗ trợ học phí, đảm bảo các chính sách xã hội đối với sinh viên học tại trường đại học ngoài công lập.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục, số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019.
2. Quốc hội (2018), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, số 34/2018/ QH14, ngày 19/11/2018.
3. Linh Hương (2022), Cả nước có 4.077 trường ngoài công lập với gần 1,9 triệu học sinh, sinh viên, truy cập từ https://giaoduc.net.vn/ca-nuoc-co-4077-truong-ngoai-cong-lap-voi-gan-19-trieu-hoc-sinh-sinh-vien-post229146.gd.
4. Minh Giảng (2022), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Phát triển trường đại học bền vững để nắm bắt cơ hội, truy cập từ https://tuoitre.vn/bo-truong-bo-gd-dt-phat-trien-truong-dai-hoc-ben-vung-de-nam-bat-co-hoi-2022042416292717.htm.