Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa cho doanh nghiệp tại Lào Cai
Tại Lào Cai, việc nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp được xác định là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng, uy tín và sức cạnh tranh.
Tại Lào Cai, qua điều tra thực tế điều tra tại 55 doanh nghiệp, hợp tác xã cho thấy, có 33 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu đăng ký áp dụng các công cụ về cải tiến về năng suất chất lượng.
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay có một số doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký áp dụng từ 01-07 công cụ như: Hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS 18001; Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015; Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn; Hệ thống tăng cường hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị TPM; Hệ thống áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng LEAN; Hệ thống quản lý môi trường 14001; và Hệ thống tiết kiệm năng lượng ISO 50001.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã này chủ yếu sản xuất các sản phẩm như: Chè xanh, chiết xuất tinh dầu quế, các sản phẩm chế biến nông lâm sản,... Qua điều tra, khảo sát cho thấy các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể thấy, việc nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai là con đường tất yếu để nâng cao chất lượng, uy tín và sức cạnh tranh.
Để làm được điều này, ngoài vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của chính quyền các cấp và địa phương. Thực tế cũng cho thấy, những hỗ trợ của UBND tỉnh Lào Cai thời gian qua dành cho doanh nghiệp trên địa bàn đã và đang từng bước phát huy kết quả ấn tượng,
Kết quả trên là cơ sở quan trọng để trong năm 2023, tỉnh Lào Cai thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng hiện đại, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm, từ đó khẳng định được vị thế và năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhiều ý kiến góp ý rằng, thời gian tới vẫn cần phải thiết lập hành lang pháp lý, tạo môi trường thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia và chủ động nâng cao năng suất chất lượng.
Theo đó, chính quyền các cấp và địa phương cần đóng vai trò là “bà đỡ”, là cầu nối tạo liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Đồng thời, tạo nhiều điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất như: giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về sử dụng đất đai, có chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các đối tác nước ngoài, cũng như thị trường quốc tế...