Năng lượng tái tạo ở Việt Nam – Những điểm nhấn tự hào
Trong năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều thách thức, nhưng ngành Năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam đã đạt được những điểm nhấn tự hào. Bên cạnh những nghiên cứu, trao đổi về NLTT được diễn ra thì những cơ chế, chính sách cho năng lượng tái tạo đã được ban hành.
Vùng đất tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo
Phát triển nguồn NLTT là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay. Trong những năm qua, ngành Năng lượng toàn cầu có xu hướng dịch chuyển tích cực với các nguồn “năng lượng xanh”.
Việt Nam cũng thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng LNG (Liquefied Natural Gas), thủy điện và điện than.
Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s. Các tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ và Nam Trung bộ có bức xạ mặt trời cao trung bình 1.387-1.534 Kwh/KWp/năm. Đây là lợi thế tự nhiên tạo ra sức hút lớn về đầu tư vào điện gió và điện mặt trời ở các tỉnh này.
Bên cạnh lợi thế về gió, bức xạ mặt trời thì với diện tích rừng lớn, chỉ riêng tại Cà Mau, lượng khai thác và các chế phẩm từ gỗ đạt khoảng 225.000-300.000 tấn/năm cũng là tiềm năng lớn để phát triển điện sinh khối.
Trong những năm gần đây, NLTT là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất cho đầu tư ở Việt Nam. Dự tính đến 2030, Việt Nam sẽ cần 12 tỷ USD để đầu tư nguồn điện mới.
Năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 31 trong danh sách các quốc gia có độ thu hút cao về các cơ hội đầu tư và triển khai trong lĩnh vực NLTT.
Đồng thời, cùng với chính sách khuyến khích NLTT, trong 3 năm qua, các dự án khai thác điện gió, điện mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam.
Tổng vốn đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, phân phối điện là trên 5,1 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 4 lần so với năm trước đó.
Tiềm năng của ngành NLTT đang dần trở thành xu hướng chủ đạo và nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam.
Việc phát triển NLTT là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển kinh tế ở các tỉnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì Việt Nam sẽ cần những chính sách để mở rộng thị trường NLTT, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp các cơ hội thích hợp, khuyến khích sử dụng NLTT ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
Với sự hỗ trợ từ những chính sách cụ thể, những dự án NLTT sẽ có nhiều cơ sở để phát triển và thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp này có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Những con số đáng tự hào
Thành tựu trong phát triển năng lượng gió
Những ưu đãi về đầu tư xây dựng nhà máy và giá bán điện cho ngành Điện lực Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Vì thế, tuy bắt đầu xây dựng nhà máy điện gió từ năm 2012 Nhà máy Điện gió Tuy Phong - nay gọi là Điện gió Bình Thạnh, nhưng đến giữa năm 2019, Việt Nam đã có vài chục dự án có công suất lắp máy từ 20 đến 250 MW đã hoặc sắp hoàn thành.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/QĐ - TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ - TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, hiện nay, đã có nhiều dự án được đề xuất và được thi công xây dựng.
Trong đó, dự án lớn nhất là Trang trại điện gió Bạc Liêu với 99 MW, dự án nhỏ nhất là Nhà máy Điện gió Phú Quý 6 MW nối lưới độc lập trên đảo Phú Quý tỉnh Bình Thuận, các nhà máy điện gió còn lại có quy mô công suất nhỏ dưới 50 MW.
Các dự án điện gió khác đang triển khai chậm, nhiều trường hợp còn đang trong quá trình xin giấy phép hoặc gặp khó khăn trong tìm nhà đầu tư.
Vào tháng 7/2020, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy phép khảo sát xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới,với công suất 3.400 MW ở mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.
Sau khi hoàn thành, công suất của dự án này này sẽ vượt xa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, khí đốt và kể cả nhà máy thủy điện lớn nhất quốc gia.
Ngành năng lượng gió Việt Nam năm 2021 chứng kiến một sự tăng trưởngvượt bậc. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 8/2021, có 24 nhà máy điện gió tổng công suất 963 MW đã đưa vào vận hành thương mại. Từ đó cho thấy xu hướng phát triển ngành năng lượng cacbon thấp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tính đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn toàn hệ thống đã ở mức khoảng 69.000 MW. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng lớn, Việt Nam sẽ cần khoảng 137,2GW điện vào năm 2030, ước tính vốn đầu tư khoảng 128,3 tỷ USD.
Tuy tiềm năng điện gió rất lớn, nhưng thực tế, các dự án điện gió chưa phát huy hiệu quả, nguyên nhân do có quá nhiều rào cản, khó khăn về pháp lý, kỹ thuật, tài chính, nhân lực và chủ đầu tư dự án.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, dự kiến tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW và đến năm 2045 đạt gần 276,7GW.
Cơ cấu nguồn điện dự thảo cho thấy Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo ngoài thủy điện, từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phát triển phù hợp với cơ cấu chuyển dịch năng lượng tái tạo toàn cầu.
Thành tựu trong phát triển năng lượng mặt trời
Chỉ từ năm 2018 đến tháng 6/2019, đã có hơn 330 dự án điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch điện, trong đó có 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100 MW và năm 2030 là 7.200 MW.
Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330 MW.
Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Có 11 dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời với tổng công suất 545,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac); Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - Giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 22/6, đạt khoảng 59,47 triệu kWh; trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Theo Quy hoạch điện VIII cũng nêu tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW. Từ nay đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW; định hướng đến năm 2050, tổng công suất 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh.
Trong đó, ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu.
Thành tựu trong phát triển năng lượng sinh khối
Việt Nam đã ban hành rất nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện sinh khối; trong đó, cơ chế hỗ trợ giá FIT biểu giá điện hỗ trợ cũng đã được Chính phủ nghiên cứu và đề xuất giá mua điện cao hơn so với trước đây. Mặc dù vậy, điện sinh khối vẫn còn chưa đạt được kết quả mong muốn.
Hiện, Việt Nam mới có khoảng 10 dự án nhà máy điện sinh khối và chỉ có 3 dự án được ghi nhận công suất trên Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, bao gồm: Nhà máy KCP - Phú Yên, nhà máy điện sinh khối An Khê ở Gia Lai và nhà máy điện sinh khối Bourbon ở Tây Ninh.
Tuy nhiên, công suất lắp đặt điện sinh khối ở Việt Nam hiện nay mới chỉ đạt 391 MW, chiếm tỷ lệ trên 0,42% tổng công suất lắp đặt.
Thành tựu trong phát triển năng lượng thủy điện
Các nhà máy thủy điện của nước ta đóng vai trò quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, ngoài việc sản xuất điện năng, còn tích cực tham gia chống lũ, cung cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt.
Đến nay chúng ta đã xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy thủy điện với tổng công suất đạt 22.544 MW (tính đến cuối năm 2022), với sản lượng điện hàng năm cán mốc 75 - 85 tỷ kWh/năm.
Đặc biệt, năm 2022 do điều kiện thủy văn thuận lợi, con số này là 95,054 tỷ kWh, chiếm tỷ lệ 35,4% trong tổng lượng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống (năm 2022 điện lượng đạt 268,4 tỷ kWh).
Cơ cấu công suất nguồn thủy điện trong hệ thống điện nước ta tính đến cuối năm 2022 chiếm tỷ lệ chỉ còn 29%.
Trong năm 2023 đã đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân, có công suất 102 MW với 3 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 34MW; Nhà máy Thủy điện Sông Lô 7, có công suất 36 MW với 3 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 12MW; Nhà máy Thủy điện Nậm Cúm 56 MW với 2 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 28 MW và các nhà máy thủy điện nhỏ tổng công suất 857 MW. Như vậy, tổng công suất nguồn thủy điện tính đến cuối năm 2023 là 23.595 MW.
Theo Quy hoạch điện VIII, tới năm 2030, tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ) dự kiến đạt 29.346 MW, với sản lượng điện năng là 101,7 tỷ kWh.
Ngày nay, khi công suất nguồn điện từ mặt trời và gió tăng mạnh, thì vai trò của thủy điện càng trở nên quan trọng và không thể thay thế.
Ngoài việc phát điện, chống lũ và cấp nước cho hạ du, thủy điện còn góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…) qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.
Triển vọng năng lượng tái tạo trong tương lai
Với một tiềm năng được đánh giá là khá tốt cho phát triển NLTT (điện gió ngoài khơi hơn 450 GW, điện gió trên bờ hơn 210 GW, điện mặt trời 200 - 300 GW), triển vọng trong tương lai cho phát triển nguồn điện này là rất lớn.
Theo các chuyên gia, NLTT tuy có tiềm năng lớn, tuy nhiên muốn khai thác cần phải có sự hỗ trợ trong một thời gian nữa.
Theo dự kiến kịch bản cho phát triển NLTT (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam có thể khai thác đến 50.000 MW công suất với sản lượng hơn 160 tỷ kWh từ NLTT vào năm 2030 và lên đến 260.000 MW vào năm 2050, nếu có chính sách hỗ trợ hợp lý - đây là một đóng góp rất lớn cho nhu cầu của quốc gia về sản lượng điện và đảm bảo an ninh năng lượng.
Và quan trọng hơn hết là sự phát triển này sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Một thông tin quan trọng có tác động lớn tới triển vọng phát triển của NLTT trong tương lai là vào ngày 14/12/2022, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã nhất trí về triển khai chương trình “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng - JETP)”.
Đối tác sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero đầy tham vọng vào năm 2050, đẩy nhanh việc đạt đỉnh điểm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng NLTT.
JETP sẽ huy động khoản tài chính công và tư nhân ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, chương trình JETP cũng có những yêu cầu cao hơn, thúc đẩy phát triển nhanh hơn nữa NLTT và giảm phát thải cao hơn, sớm hơn. Đây là một thách thức không nhỏ trong điều kiện kinh tế phát triển nóng, nhu cầu tiêu thụ điện và năng lượng nói chung tăng trưởng nhanh.