Nêu cao trách nhiệm, nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, song trong hai tháng đầu năm 2023, kinh tế-xã hội TP. Hồ Chí Minh vẫn đạt được những kết quả tích cực. Thành phố quyết tâm tìm các giải pháp để tạo đà đưa thành phố phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Trong khó khăn chung, một vấn đề xã hội đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp đang cắt giảm lao động. Nhiều hệ lụy xã hội tiềm ẩn xuất hiện nếu thành phố không có các giải pháp kịp thời.
Quan tâm các vấn đề xã hội
Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Trong hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến thành phố đạt hơn 319 nghìn lượt, tăng 100% so với cùng kỳ (tháng 1/2022, không có khách du lịch quốc tế do dịch COVID-19).
Kết quả này cũng giúp doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 13,1%. Tổng thu ngân sách ước đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng, đạt 19,83% dự toán năm và tăng 5,95% so cùng kỳ. Đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, thành phố đạt mức tăng 6,1% so với cùng kỳ. Ấn tượng hơn, thành phố thu hút hơn 369 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 59% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, khối lượng vận tải hành khách tăng 57,7%; số lượng hành khách đi và đến thành phố bằng đường sắt tăng 158%, còn đường hàng không tăng 94% so với cùng kỳ. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thành phố tiếp tục có nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng, phục vụ các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, trong hai tháng đầu năm, với sự ra quân quyết liệt, thường xuyên của các lực lượng chức năng, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định, qua đó tạo niềm tin của xã hội, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tình hình an ninh trật tự của thành phố vẫn tiềm ẩn nguy cơ khi nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động. Để phòng ngừa hệ lụy có thể xảy ra, cơ quan chức năng cần chủ động thực hiện các phương án giới thiệu việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất; hỗ trợ người lao động hưởng các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc để góp phần ổn định đời sống.
Đứng ở góc nhìn xã hội, TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Để chủ động giải quyết vấn đề an sinh đối với số lao động bị cắt giảm việc làm, thành phố cần thực hiện các chính sách cụ thể để kích thích kinh tế dịch vụ như kinh tế đêm, kinh tế vỉa hè, kinh tế tuần hoàn,... nhằm tạo thêm động lực, việc làm mới cho thành phố.
Minh bạch trong các chính sách công vụ
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội, hai tháng đầu năm, nhiều lĩnh vực, ngành của thành phố vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Đơn cử như: Thành phố có tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng số vốn đăng ký lại giảm 42,7% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1% so với cùng kỳ; riêng số lao động được giải quyết việc làm giảm 1,32%.
Đây là vấn đề được dự báo sẽ tạo ra nhiều hệ lụy trong công tác bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới. Ngoài ra, các khó khăn về tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản, nguồn vốn tín dụng; nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh, áp lực đáo hạn trái phiếu tăng mạnh trở lại trong quý II và quý III/2023.
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn này, trong tháng 3 và các tháng sắp tới, UBND thành phố sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động như: Tổ chức hoạt động kết nối cung-cầu lao động để hỗ trợ người lao động tìm việc làm và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; nghiên cứu đề án "Chiến lược lao động-việc làm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; tổ chức hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023.
Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh: Hạn chế đà suy giảm, giữ vững tăng trưởng là mục tiêu then chốt trong năm 2023. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có những khởi sắc hơn so với dự báo thì để giữ đà tăng trưởng, thành phố cần tập trung đánh giá, hành động rất cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ như: Thương mại, tài chính, bất động sản, du lịch, logistics, xây dựng.
Trong công tác điều hành, UBND thành phố cần "điểm danh" các dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ, qua đó tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và thể hiện kỷ luật công vụ. Cục trưởng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, thành phố cần triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng, trong đó có giải pháp về hỗ trợ nguồn vốn để từng bước giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Về những giải pháp trong tháng 3, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Thành phố sẽ phân công từng sở, ngành sớm hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đối với những việc kéo dài thì xây dựng lộ trình cụ thể để giải quyết.
Song song đó, thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu và chín ngành dịch vụ quan trọng, bởi đây là các ngành có đóng góp lớn cho GRDP của thành phố. Các sở, ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, phối hợp đồng bộ để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.