Tiền ngân hàng đang chảy vào đâu?

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nửa đầu năm 2019 tăng trưởng tín dụng đạt 7,33% và khẳng định cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.

Nửa đầu năm 2019 tăng trưởng tín dụng đạt 7,33% và khẳng định cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nguồn: Internet.
Nửa đầu năm 2019 tăng trưởng tín dụng đạt 7,33% và khẳng định cơ cấu tín dụng tiếp tục hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nguồn: Internet.

Vài năm gần đây, NHNN có chủ trương kiểm soát chặt chẽ điều hành tín dụng. Định hướng tín dụng cả năm 2019 giữ ở mức 14%, tương đương mức tăng trưởng của năm 2018 (13,98%).

Đặc biệt, NHNN luôn nhấn mạnh đến quan điểm hướng tín dụng vào 5 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: nông nghiệp, nông thôn; công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu.

“Nắn” tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên

Do đó, ngay từ đầu năm, trong khi các lĩnh vực khác như: Bất động sản, BOT, chứng khoán bị siết chặt thì NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại cân đối lại khả năng tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở lĩnh vực ưu tiên nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Theo quan điểm của NHNN, 4 ngân hàng quốc doanh đã giảm 0,5% lãi suất cho vay với những lĩnh vực ưu tiên, áp dụng cho không chỉ những khoản tín dụng cấp mới, mà cả những khoản tái cấp vốn như vậy, giảm chi phí cho nền kinh tế và neo giữ ổn định lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng với các nền kinh tế.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện nay, các lĩnh vực ưu tiên chiếm 40% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay.

Gây bất ngờ cho thị trường, ngày 1/8 hàng loạt ngân hàng phát đi thông báo hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Chẳng hạn, Vietcombank giảm 1%, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên còn 5,5%/năm; BIDV công bố giảm lãi suất cho vay còn 5,5%/năm đối với đối tượng ưu tiên là kinh doanh hàng xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, BIDV còn triển khai gói tín dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, startup với lãi suất ưu đãi tối đa 6%/năm và gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Vietinbank cũng giảm 0,5%/năm sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn cho các nhu cầu vốn có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo đúng quy định và đem lại lợi ích tổng thể phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.

Trong lần giảm này, các ngân hàng TMCP cũng nhanh chóng nhập cuộc như ACB áp dụng lãi suất vay ngắn hạn tối thiểu là 7,5%/năm; còn MB áp dụng lãi suất tối đa 6,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và gói 4.000 tỷ đồng với lãi suất tối đa 7 - 7,5%/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguồn vốn ngân hàng đổ vào các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao
Nguồn vốn ngân hàng đổ vào các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao
 

Tác động tích cực đến doanh nghiệp

Thông tin giảm lãi suất lần này được các chuyên gia kinh tế lẫn doanh nghiệp đánh giá là khá bất ngờ, trong bối cảnh lãi suất huy động liên tục nhích lên gần đây, khi nhiều ngân hàng thay đổi biểu lãi suất mới theo hướng tăng khá mạnh ở các kỳ hạn dài.

Lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định, các doanh nghiệp vay vốn được giảm lãi suất trong đợt này cũng sẽ thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và NHNN định hướng tập trung vốn hỗ trợ trong thời gian qua.

Theo Vietcombank, việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của ngân hàng.

Để có thể từng bước giảm lãi suất, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển nền kinh tế, ngân hàng phải các giải pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro.

Lãnh đạo Techcombank phát biểu: “Chi phí vốn giảm xuống thời gian qua của Techcombank giúp ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay cho khách hàng, cũng phù hợp với chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng tốt hơn”.

Trong đợt giảm lãi suất lần này, các chuyên gia nhận định rằng do có sự tham gia của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cùng với khối ngân hàng thương mại nhà nước nên giá trị và hiệu ứng sẽ mở rộng hơn hồi đầu năm.

Qua thống kê sơ bộ của NHNN, thị phần tín dụng của các NHTM cho đến nay đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay nêu trên đã chiếm khoảng 57% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng.

Nếu xu hướng này lan rộng, đây sẽ là đợt giảm lãi suất cho vay thứ hai tính từ đầu năm 2019 đến nay và tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất trên thị trường,vì các ngân hàng muốn cạnh tranh, giữ chân khách hàng phải có mức lãi suất phù hợp.

Tuy nhiên, mức độ giảm bao nhiêu, kỳ hạn nào tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng ngân hàng. “Nhưng, chắc chắn dòng vốn rẻ sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2019 và những năm tiếp theo theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN”, một lãnh đạo ngân hàng khẳng định.