Hoàn thiện thể chế, chính sách hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại

Trần Huyền

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách hải quan luôn được Tổng cục Hải quan xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Trên cơ sở kết quả tích cực đạt được, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới gắn với thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.

Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách luôn được ngành Hải quan chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả. Ảnh: internet
Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách luôn được ngành Hải quan chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả. Ảnh: internet

Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh

Thời gian qua, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách luôn được ngành Hải quan chú trọng triển khai, thực hiện hiệu quả. Ngành Hải quan đã tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; định hướng cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc phát sinh; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Từ năm 2020 đến nay, Tổng cục Hải quan đã chủ trì xây dựng, trình Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành 26 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 6 nghị định của Chính phủ; 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 16 thông tư của Bộ Tài chính. Trong đó, 7 văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung; 17 văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới; 2 văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ.

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan được ban hành luôn hướng tới mục tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế. Chất lượng văn bản ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hải quan. Văn bản được ban hành đã bảo đảm về kỹ thuật soạn thảo, sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, nội dung minh bạch, hạn chế tình trạng văn bản vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung.

Nhờ đó, hệ thống pháp luật hải quan ngày càng hoàn thiện, thủ tục hải quan được đơn giản hóa, tạo cơ sở pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành Hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, bảo đảm nguồn thu ngân sách, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế theo hướng hiện đại, minh bạch

Đặc biệt, trong năm 2022, Tổng cục Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022. Chiến lược được ban hành đã tạo tiền đề để ngành Hải quan tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Ngành, trong đó có hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 đã xác định mục tiêu tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về Hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có sự gắn kết thống nhất.

Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, chống thất thu, gian lận thuế. Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngành Hải quan sẽ triển khai xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế.

Trong đó, trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Hải quan; xây dựng mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, Biên giới thông minh, Hải quan xanh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu...

Cùng với đó là rà soát, kiến nghị sửa đổi hệ thống pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của WCO, tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Theo bà Trần Thị Thuý Hoà - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), cơ quan hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ngay từ khi xây dựng, phân tích chính sách để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp; lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đơn vị hải quan địa phương để bảo đảm văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có tính khả thi; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.

Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật cũng tiếp tục được chú trọng, nâng cao. Theo đó, tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan trong quá trình xây dựng pháp luật trong lĩnh vực hải quan.