Ngành Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, ngành Hải quan đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp hỗ trợ nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, gia tăng động lực để phát triển.
Đa dạng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Hải quan đã rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngay từ đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại với các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện trong toàn Ngành.
Một chương trình khác đã triển khai nhiều năm là Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên về hải quan. Chương trình đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Qua thời gian thí điểm từ năm 2011, triển khai chính thức từ năm 2014, tính hết năm 2022, cả nước có tất cả 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ Doanh nghiệp ưu tiên.
Đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với Hải quan các nước thành viên ASEAN. Đây là thỏa thuận về doanh nghiệp ưu tiên đầu tiên với nước ngoài mà Việt Nam ký kết và triển khai thực tế.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật hải quan, ngành Hải quan là một trong số các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức nhiều nhất hoạt động đối thoại với doanh nghiệp. Năm 2023, Tổng cục Hải quan yêu cầu đối thoại với doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến tối thiểu 1 lần/quý tại cấp chi cục hải quan và 2 lần/năm tại cấp cục hải quan tỉnh, thành phố. Thông qua hoạt động đối thoại, các vướng mắc được kịp thời tháo gỡ, nhiều vấn đề liên ngành được các bộ, ngành chung tay tháo gỡ.
Kế hoạch Phát triển quan hệ đối tác Hải quan- Doanh nghiệp được ngành Hải quan triển khai các năm qua cũng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp. Kế hoạch phát triển đối tác Hải quan - Doanh nghiệp năm 2023 được cơ quan Hải quan tập trung vào 5 hoạt động: Thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp; tham vấn doanh nghiệp và các bên liên quan; giám sát thực thi pháp luật; hợp tác Hải quan-Doanh nghiệp.
Theo đó, cơ quan Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kịp thời các thông tin quy định pháp luật mới trong đó phân loại theo từng loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, xu hướng phát triển thương mại xuất nhập khẩu; chú trọng hỗ trợ đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp...
Cùng với các chương trình, kế hoạch nêu trên, Tổng cục Hải quan triển khai Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Đây là một hoạt động thiết thực, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật.
Đồng hành cùng doanh nghiệp cũng chính là bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, ngành Hải quan đã khẳng định vai trò trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu và gian lận thương mại. Ngành Hải quan đã sớm nhận diện được những nguy cơ, rủi ro về hoạt động tội phạm trong tình hình mới, chủ động xây dựng, triển khai các biện pháp đấu tranh, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng để bảo vệ an ninh, an toàn cộng đồng.
Song hành cùng hoạt động thu hút đầu tư
Phụ trách khu vực có nhiều doanh nghiệp nước ngoài, Cục Hải quan Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông Nguyễn Trần Hiệu - Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương cho biết, đơn vị xác định 2 nhóm doanh nghiệp để hỗ trợ. Thứ nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất tiếp cận, thực hiện ngay các quy định mới; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc vượt thẩm quyền. Thứ hai là tạo điều kiện phổ biến các ưu đãi, các quy định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư tại Việt Nam.
Điển hình như Tập đoàn Lego vừa qua đầu tư vào Bình Dương, Cục Hải quan Tỉnh đã cử một tổ hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ những khâu đầu tiên. Đến nay, dù doanh nghiệp chưa đi vào sản xuất nhưng tất cả các bước xây dựng nhà máy sản xuất đều thuận lợi, không gặp khó khăn vướng mắc.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trần Hiệu, hằng quý, Cục Hải quan Bình Dương đều thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp. Cùng với đó, tất cả các kênh thông tin như: đường dây nóng, website, tiếp nhận thông tin từ Tổng cục gửi về, gặp trực tiếp doanh nghiệp... đều được đơn vị tiếp nhận và xử lý ngay.
Đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan hải quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, trong thực tế quá trình thông quan hàng hóa, khi doanh nghiệp gặp vướng mắc, cơ quan hải quan luôn cầu thị, lắng nghe và kịp thời giải quyết.
Tuy nhiên, theo bà Thảo, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp không chỉ liên quan đến ngành Hải quan mà còn liên quan nhiều đến các ngành, đơn vị khác. Nếu chỉ mỗi ngành Hải quan thay đổi thì chưa thể giúp doanh nghiệp có được những hỗ trợ nhanh, kịp thời nhất để phục hồi xuất nhập khẩu trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay. Do đó, các bộ quản lý chuyên ngành cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để cùng với cơ quan hải quan giúp doanh nghiệp khơi thông dòng chảy thương mại.