Ngành Hải quan: Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho DN theo chủ trương chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, ngành Hải quan đã và đang rà soát những vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Coi trọng nền tảng pháp lí
Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong các năm 2014, 2015, 2016 và 2017 đặt ra yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bảo đảm đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ quy luật kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, trọng tâm là xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng.
Với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK của cộng đồng DN, giảm thiểu thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, thời gian qua, ngành Hải quan luôn coi trọng nền tảng pháp lí, đồng thời nỗ lực triển khai công tác cải cách, hiện đại hóa trên tất cả các mặt và đã đạt được kết quả tích cực.
Theo Vụ Pháp chế, trong 3 năm (từ năm 2014 đến năm 2016), ngành Hải quan đã tập trung triển khai quyết liệt, theo đó đã rà soát, đề xuất quy hoạch hệ thống pháp luật hải quan trong Kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, hàng năm rà soát, đề xuất Bộ Tài chính ban hành Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hải quan. Trong quá trình soạn thảo văn bản, ngành Hải quan đã thiết kế các chế định, quy định hướng đến các mục tiêu nêu tại các Nghị quyết 19/NQ-CP cũng như Chiến lược cải cách, hiện đại hóa hải quan…
Thống kê cho thấy, trong 3 năm qua, Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình ban hành 2 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội, 8 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 39 Thông tư, Thông tư liên tịch. Trong đó, Luật Hải quan 2014 được ban hành, và hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý góp phần thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.
Điển hình, năm 2016, ngành Hải quan đã tham gia xây dựng Luật Thuế XK, thuế NK (đã được Quốc hội thông qua), tạo nền tảng pháp lý để hội nhập quốc tế sâu rộng, khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy XK và bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc, phù hợp với tiến trình hội nhập, đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế.
Với trọng trách được giao trong việc tạo thuận lợi cho DN XNK, ngành Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp, đẩy mạnh triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia với 11/14 bộ, ngành, với 37 thủ tục, trên 260.975 bộ hồ sơ và 9.355 DN tham gia.
Ngoài ra, ngành Hải quan còn chú trọng ban hành nhiều quy trình, quy chế nghiệp vụ; chú trọng thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa, hợp nhất, theo dõi, đánh giá việc thực hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan, qua đó góp phần hoàn thiện pháp luật hải quan.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN), ngành Hải quan cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ quản lí chuyên ngành mở rộng thành lập địa điểm KTCN tập trung tại cửa khẩu đối với hàng hóa XNK, đến nay đã thành lập được 10 địa điểm KTCN tập trung tại 8 địa bàn hải quan trọng điểm; triển khai 37 thủ tục liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành và KTCN trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đại diện Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, một số quy định về KTCN sửa đổi đã nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng DN như: Quy định về dán nhãn năng lượng chuyển thực hiện sau thông quan, bãi bỏ việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may...
Bên cạnh đó, không thể không kể đến các Danh mục hàng hóa phải KTCN được minh bạch về tên hàng và mã số HS đã tạo thuận lợi cho cơ quan Hải quan và DN trong quá trình thực hiện. Cụ thể, Danh mục hàng hóa phải kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương; Danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản của Bộ NN&PTNT.
Nỗ lực đồng hành cùng DN
Đáp ứng mong muốn của cộng đồng DN, đồng thời bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ngành Hải quan tiếp tục tập trung triển khai rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa XK, 41 giờ đối với hàng hóa NK.
Theo đại diện Vụ Pháp chế, năm 2017, ngành Hải quan đăng kí thực hiện 15 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội; 14 đề án trình Bộ Tài chính; 75 đề án Tổng cục. Trong đó, quý II/2017, đăng ký hoàn thành 4 đề án trình Chính phủ; 10 đề án trình Bộ; 26 đề án, công tác trọng tâm của Tổng cục Hải quan.
Để tiếp tục rà soát những vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế để lập kế hoạch sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, Tổng cục Hải quan tập trung hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan 2014 về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 và Thông tư về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa XK, NK của Bộ Tài chính;
Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan theo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư hướng dẫn Nghị định 68/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; xây dựng, sửa đổi các quy trình nghiệp vụ hải quan đảm bảo quản lý thực chất; kiến nghị với các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tế nhằm tăng thu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa XNK.
Để đạt được tiến độ trên, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, ngành Hải quan sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính. Đó là, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Hải quan, Luật Thuế XK, NK; nâng cao hiệu quả công tác KTCN; hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý hải quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ hải quan, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ hiệu quả về thủ tục hành chính cho người dân, DN.