Ngành Hải quan ngăn chặn các hành vi vi phạm qua quản lý rủi ro
Công tác quản lý rủi ro có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả năng lực quản lý nhà nước của cơ quan Hải quan. Ngành Hải quan đã chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện các vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ trong công tác này.
Phát hiện nhiều vi phạm qua quản lý rủi ro
Thời gian qua, nhiều biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro đã được ngành Hải quan áp dụng như: thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ doanh nghiệp trọng điểm, triển khai kế hoạch, chuyên đề kiểm soát rủi ro, tăng cường lựa chọn kiểm tra không xâm nhập bằng máy soi conainer, cung cấp thông tin giám sát trực tuyến... Qua đó, cơ quan hải quan đã phát hiện, ngăn chặn các vi phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước.
Cơ quan hải quan đã triển khai phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng để đề xuất các biện pháp kiểm soát rủi ro phù hợp đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm. Chỉ riêng trong tháng 5/2023, lực lượng hải quan đã phát hiện 10 lô hàng luồng xanh, vàng vi phạm được vận chuyển qua cảng biển; phát hiện vi phạm 04 tin/38 tin cung cấp giám sát trực tuyến.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã tăng cường kiểm soát rủi ro đối với hàng hóa quá cảnh từ Việt Nam sang Lào và Campuchia. Tháng 5/2023, cơ quan hải quan đã phát hiện 8 container hàng quá cảnh vi phạm/tổng số 128 container soi chiếu. Lực lượng hải quan cũng đã tích cực kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu mặt hàng gạch và hoạt động nhập khẩu mặt hàng gỗ từ châu Phi qua tuyến đường biển…
Bám sát tình hình soi chiếu tại các địa bàn, phối hợp với các Cục Hải quan địa phương có máy soi để hướng dẫn, xử lý kịp thời các nội dung vướng mắc liên quan đến công tác lựa chọn, soi chiếu tại địa bàn. Trong tháng 5/2023, cơ quan hải quan đã điều chuyển 02 container chỉ định soi tại TP. Hải Phòng chuyển soi tại TP. Hà Nội; 10 container chỉ định soi tại Tp. Hà Nội chuyển soi TP. Hải Phòng theo đề nghị của doanh nghiệp.
Trong tháng 5/2023, toàn Ngành đã thực hiện soi chiếu tổng số 7.684 container (trung bình 404 container/ngày); phát hiện nghi vấn 464 container (chiếm 6.04% tổng container soi chiếu), phát hiện 40 container vi phạm (chiếm 8.62% tổng container nghi vấn). Các vi phạm chủ yếu là khai sai chủng loại, số lượng và nhập hàng không khai báo…
Điển hình, qua công tác lựa chọn, kiểm tra qua soi chiếu 02 container cập cảng Hải Phòng, phát hiện 02 doanh nghiệp có hành vi vi phạm nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và buộc tái xuất hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với tổng tiền xử phạt là 80 triệu đồng, tổng trị giá hàng vi phạm hơn 2,5 tỷ đồng.
Linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro
Việc đẩy mạnh quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan sẽ giúp cơ quan hải quan dự báo trước các nguy cơ vi phạm pháp luật hải quan, cảnh báo rủi ro và đưa ra xu hướng vi phạm.
Từ đó, giúp cơ quan hải quan chủ động trong việc áp dụng phù hợp, có hiệu quả để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác này, ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật; nghiên cứu xây dựng tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế để mở rộng đối tượng tham gia Chương trình, đảm bảo tăng tối thiểu 20% số lượng doanh nghiệp thành viên so với năm 2022.
Cơ quan hải quan cũng sẽ tăng cường thu thập, xử lý thông tin, phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị trong và ngoài Ngành để phục vụ công tác phân tích, đánh giá rủi ro. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân tích, xác định trọng điểm, lựa chọn kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container theo quy định; đảm bảo hoạt động soi chiếu được thông suốt, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo quản lý hải quan.
Để công tác đánh giá doanh nghiệp hiệu quả, ngành Hải quan tiếp tục triển khai hệ thống đánh giá, xếp hạng tuân thủ doanh nghiệp kịp thời, chính xác theo đúng quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện cơ chế định kỳ theo dõi, đánh giá rủi ro đối với một số trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi hạng; rà soát, phân tích thông tin doanh nghiệp trên hệ thống thông tin của ngành hải quan phục vụ công tác đánh giá rủi ro, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan.
Ngoài ra, ngành Hải quan cũng sẽ rà soát xây dựng hồ sơ địa bàn, nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ doanh nghiệp trọng điểm, trong đó tập trung vào các đối tượng rủi ro cao, tuyến đường, hàng hoá trọng điểm. Đồng thời, áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro để ngăn ngừa, phát hiện, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng rủi ro và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuân thủ tốt.