Ngành Tài chính cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp


Trong 6 tháng đầu năm, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, ngành Tài chính đã tiên phong triển khai thực hiện các giải pháp cải cách đồng bộ. Qua đó, cải thiện các chỉ số về nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới..., góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, sửa đổi bổ sung thủ tục hành chính

Bộ Tài chính cho biết, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, từ cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2019-2020 và kế hoạch cải cách hành chính năm 2019 với 116 nhiệm vụ cụ thể theo 7 nội dung, đảm bảo yêu cầu tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 01/01/2011 của Chính phủ.

Tiếp đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021, với 4 nhóm giải pháp gắn với 124 sản phẩm đầu ra, nhằm cải thiện các chỉ số về nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm cho thấy, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 15 thủ tục và ban hành mới 15 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng và bảo hiểm.

Đồng thời, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính. Tính  đến nay đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 117/190 điều kiện theo kế hoạch và dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thêm 24 điều kiện, góp phần tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tính đến tháng 6/2019, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với 31 Bộ, cơ quan trung ương và 63 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Triển khai trực tuyến 985 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính (trong đó 126 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 308 dịch vụ mức độ 2, 197 dịch vụ mức độ 3 và 314 dịch vụ mức độ 4).

Trong lĩnh vực thuế, cơ quan thuế trong cả nước đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng đến các Chi cục thuế tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đến nay đã có 99,98% số doanh nghiệp tham gia; số doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử đạt xấp xỉ 99%; thực hiện hoàn thuế theo phương thức điện tử đạt 94,73% tổng số hồ sơ hoàn thuế; triển khai thí điểm hệ thống cấp hóa đơn điện tử có xác thực tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng...

Trong lĩnh vực hải quan, cơ quan hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan thông qua các hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục hải quan; triển khai hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest) tại các cảng biển; triển khai hệ thống quản lý hàng hóa tự động (VASSCM) tại 29/35 Cục hải quan tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 13/14 bộ, ngành, với 173 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 5 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ.

Theo đó, toàn Ngành sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, sửa đổi bổ sung, triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không khả thi; nâng xếp hạng chỉ số nộp thuế; thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Cùng với đó, tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý; mở rộng phạm vi hoàn thuế điện tử; mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử. Triển khai có hiệu quả hệ thống hải quan điện tử; đẩy mạnh phối hợp thu qua hệ thống ngân hàng; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...