Nghệ thuật lắng nghe
Chuyện xưa kể rằng, thời Nữ hoàng Victoria (thế kỷ 19), Benjamin Disraeli và William Gladstone cạnh tranh vị trí Thủ tướng Vương quốc Anh. Họ đều là những người tài giỏi. Gladstone rất thông minh, dí dỏm, tài năng phi thường, tưởng như nắm chắc thế thượng phong. Tuy nhiên, người thắng cử lại là Disraeli.
Kết quả đó dường như được đoán trước bởi một người phụ nữ đã ăn tối với cả Disraeli và Gladstone một tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra.
Người phụ nữ ấy là Jennie Jerome (mẹ của Winston Churchill). Khi một phóng viên hỏi “ấn tượng của bà về hai người đàn ông kiệt xuất này là gì”, Jerome trả lời ngắn gọn: “Khi tôi ngồi cạnh Gladstone, tôi nghĩ anh là người đàn ông thông minh nhất. Nhưng khi ngồi cạnh Disraeli, anh ấy lại khiến tôi cảm thấy mình là người phụ nữ thông minh”.
Jerome cho biết, Disraeli đã dành cả buổi tối đặt câu hỏi và chăm chú lắng nghe bà nói, cố gắng lái cuộc đối thoại về phía bà. Cuộc nói chuyện khiến hai người cảm thấy rất thoải mái, hài hòng. Thế nên, chẳng ngạc nhiên khi Disraeli - người nắm vững nghệ thuật giao tiếp - thắng cử.
Từ lâu, nhiều nhà tâm lý học đã đúc kết: Khi giao tiếp với mọi người, một nhà lãnh đạo tài giỏi thể hiện rõ sự hiện diện của mình và thay vì làm nổi bật bản thân, họ lắng nghe, dành nhiều “quyền nói” cho đối phương, khiến đối phương thấy thích họ hơn vì cảm thấy mình được tôn trọng. Tài giỏi, thông minh, quyết đoán chưa phải là yếu tố hàng đầu. Một nhà lãnh đạo xuất chúng phải là bậc thày của nghệ thuật lắng nghe, có khả năng truyền cảm hứng và niềm tin cho người khác.
Ngày nay, công nghệ nhiều khi phá hủy sự hiện diện. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, có đến 80% số người sử dụng các thiết bị di động, có nhiều phân tâm trong khi giao tiếp khiến đối tác cảm thấy không được tôn trọng và mất đi hứng thú trò chuyện, sẻ chia. Tiếc thay!