Nghịch lý M&A: Thương hiệu “vô hình” nên “vô định“?
Ngành M&A (mua bán và sáp nhập) của Việt Nam đang chứng kiến con số kỷ lục về số thương vụ M&A trong năm 2016. Tuy nhiên, trong nhiều thương vụ M&A, giá trị của tài sản vô hình như thương hiệu của doanh nghiệp (DN) bị thua thiệt vì được định giá rất thấp.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nay, đa số các hoạt động M&A ở Việt Nam được xúc tiến từ ba nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất, góp vốn để cùng khai thác lợi thế thương hiệu, lợi thế thị trường khi thấy một DN làm ăn thành công.
Thứ hai, DN mạnh hơn mua lại DN yếu kém nhằm sử dụng cơ sở hạ tầng và các quan hệ khách hàng sẵn có. Thứ ba, mua lại DN có thương hiệu tốt nhưng làm ăn không hiệu quả để khai thác lại thương hiệu.
Như vậy, có thể thấy, thương hiệu là tài sản “vô hình” vô cùng quan trọng, thậm chí trong một số trường hợp còn được coi là mục đích chính của giao dịch M&A và việc định giá giá trị thương hiệu quyết định phần lớn sự thành công của các thương vụ này.
“Ngậm đắng nuốt cay” sau M&A
Báo cáo về Tài sản vô hình và Giá trị thương hiệu của Brand Finance vừa công bố cho thấy, tài sản vô hình chiếm 26% tổng giá trị DN tại Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2015, giá trị tài sản vô hình đạt khoảng 21 tỷ USD, chiếm 26% tổng giá trị DN tại Việt Nam. Giá trị này tương ứng 1% tổng giá trị tài sản vô hình trong các nước ASEAN và thấp hơn đáng kể so với tỉ lệ trung bình toàn cầu là 53%.
Ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Mibrand Việt Nam (Đại diện của Brand Finance tại Việt Nam), cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình trên quy mô lớn.
“Chúng tôi quan sát thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các ngành bất động sản, vận tải, tài chính ngân hàng và đặc biệt là ngành bán lẻ. Sự thay đổi này bao gồm nhiều khoản đầu tư mới, dự án mới và hơn nữa là nhiều hoạt động M&A đang được thực hiện với quy mô lớn”.
Một số thương vụ M&A mới công bố gần đây là các thương vụ với bên mua đến từ Thái Lan, Nhật Bản, đổ tiền vào các tên tuổi lớn như Masan (FMCG), Nguyễn Kim và Fivimart ngành bán lẻ) và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ngành vận tải).
Nhiều thương vụ M&A trong ngành bất động sản đã được công bố ở TP. Hồ Chí Minh. Thương vụ M&A tham vọng nhất, tạo ra tiếng vang lớn trên thị trường là giữa Tập đoàn Central Group (Thái Lan) và BigC. Central Group đã trả hơn 1 tỷ USD để mua thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam….
Việc bán thương hiệu cho các DN nước ngoài, theo ông Mạnh, có nhiều điểm tích cực. “Theo quan điểm của tôi, môi trường kinh doanh nói chung vận hành theo cơ chế thị trường, người có tiền đầu tư vào người cần vốn đầu tư là điều hết sức bình thường. Vậy nên, việc bán thương hiệu là một tài sản quý, các DN bán thương hiệu của mình để dùng tiền đó đầu tư sang lĩnh vực khác là điều tích cực”, ông Mạnh nhận xét.
Tuy nhiên, theo IMAA – Viện Hợp nhất, Mua lại và Liên kết, ngành M&A của Việt Nam đang chứng kiến con số kỷ lục về số thương vụ M&A trong năm 2016. Song trong nhiều thương vụ M&A, giá trị của tài sản vô hình như thương hiệu bị định giá thấp.
Trong hầu hết các trường hợp, giá của tài sản vô hình được dựa trên lợi thế thương mại giữa bên mua và bên bán mà không được tính toán một cách hợp lý. Các nhà tư vấn trong nước không thể hỗ trợ cho bên bán do họ thiếu kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực này. Trong một số trường hợp, bên mua thậm chí còn từ chối trả tiền cho giá trị thương hiệu và giá của thương vụ chỉ giới hạn trong tài sản hữu hình.
IMAA đánh giá, điều này gây bất lợi lớn cho bên bán, khi đã mất rất nhiều công sức vào việc xây dựng thương hiệu. Điểm hạn chế trong thông lệ mua bán này là do thực tế định giá giá trị thương hiệu vô hình vẫn còn là một khái niệm mới tại Việt Nam.
Hầu hết các doanh nhân Việt Nam không nhận thức được thương hiệu là một tài sản quý giá mà họ có thể chuyển hóa thành tiền. Và đây là một quan điểm mà cộng đồng kinh doanh Việt nên thay đổi.
Chính vì yếu ở khâu này nên DN Việt phải chịu thiệt thòi trong các hoạt động M&A. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, hiện ở nước ta, các tổ chức làm dịch vụ thẩm định giá có đủ uy tín và năng lực thực hiện định giá thương hiệu trên thị trường rất hiếm hoi. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho việc xác định giá trị thương hiệu cũng thiếu.
Một mình xây dựng thương hiệu
Theo các chuyên gia, để có thể vượt qua được chướng ngại vật trong việc xác định giá trị thương hiệu khi thực hiện “hợp đồng hôn nhân” M&A thì DN Việt cần nắm được điểm mạnh cũng như điểm yếu của thương hiệu được sáp nhập, để từ đó có thể đánh giá được mức độ tương thích của thương hiệu này với chiến lược thương hiệu của mình.
Bên cạnh đó, khi DN Việt ở vị trí là bên bán thì cần nắm được chiến lược thương hiệu bên mua trước khi bắt tay vào ký kết hợp đồng M&A để có thể đàm phán được một mức giá không thiệt thòi cho thương hiệu của mình.
Tuy nhiên, xét về năng lực của DN trong việc xây dựng thương hiệu, ông Lại Tiến Mạnh cho biết hiện còn khá nhiều DN vẫn loay hoay chưa tìm được hướng đi cho mình, chưa biết làm thế nào để xây dựng thương hiệu thành công.
Ông Mạnh kiến nghị rằng Nhà nước hãy có chương trình xây dựng thương hiệu cho chính Việt Nam để chứng minh cho các DN thấy tầm quan trọng của thương hiệu là thế nào, chẳng hạn như Chương trình Thương hiệu quốc gia…
Bình luận về việc Nhà nước cần kiến tạo thế nào để giúp DN xây dựng thương hiệu, bà Bùi Nguyễn Phương Châu, Trưởng Phòng truyền thông công ty Cổ phần FPT, cho rằng Nhà nước cần tạo môi trường cho DN xây dựng thương hiệu. Mỗi quốc gia họ đều có định hướng tốt là lựa chọn những thương hiệu quốc gia để hỗ trợ hết sức cho những thương hiệu này phát triển và định vị thương hiệu đó trên phạm vi toàn cầu.
“Ví dụ như Hàn Quốc định vị thương hiệu quốc gia như Samsung – họ là những biểu tượng quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, tôi chưa nhìn thấy định hướng này để định vị thương hiệu cho các DN Việt Nam” – bà Châu nói.
Bà Châu cũng chia sẻ thêm về những khó khăn khi thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài. “Ví dụ như FPT là công ty xuất khẩu phần mềm chẳng hạn, khi ra nước ngoài chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi chúng tôi phải bắt đầu xây dựng Việt Nam là quốc gia nào, như thế nào…”