Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016: Những đổi mới quan trọng theo yêu cầu hội nhập
Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tế. Do đó, ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi, thay thế Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016). Với nhiều điểm mới, sửa đổi theo hướng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, Luật mới được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Một số tác động tích cực và yêu cầu sửa đổi
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 được Quốc hội XI thông qua ngày 14/6/2005 có hiệu lực ngày 1/1/2006. Sau hơn 10 năm thực thi, Luật đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tiến trình cải cách đồng bộ hệ thống chính sách thuế giai đoạn 2005 đến 2015; Các quy định tại Luật đã có tác dụng thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu (XK) phát triển, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc đối với một số nhóm mặt hàng, ngành nghề phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và hạn chế nhập khẩu (NK) các hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, hàng hóa tiêu dùng không khuyến khích NK, góp phần hạn chế nhập siêu.
Cùng với đó, tỷ trọng số thu thuế XK, thuế NK trong tổng thu ngân sách nhà nước qua các năm giảm do thực hiện các cam kết quốc tế nhưng số thu vẫn góp phần điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế...
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Luật thuế XK, NK năm 2005 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, không phù hợp với diễn biến thực tế phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Một số nội dung quy định tại Luật không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan như Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường… và thực tiễn XK, NK hàng hóa những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế và triển khai mạnh mẽ công tác cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Trước yêu cầu đổi mới, phát triển, hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế cần phải sửa đổi Luật thuế XK, thuế NK cho phù hợp với thực tiễn, ngày 6/4/2016, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế XK, thuế NK khẩu sửa đổi, thay thế Luật Thuế XK, thuế NK khẩu năm 2005.
Những thay đổi quan trọng của Luật thuế mới
Luật thuế XK, thuế NK đã đổi mới toàn diện hơn về phương thức quản lý và chính sách thuế XK, thuế NK phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể:
Đổi mới về cách tính thuế
Tách biệt từng loại thuế
Luật Thuế XK, thuế NK số 45/2005/QH11 chỉ quy định chung tại Điều 10: “(i) Thuế suất đối với hàng hoá XK được quy định cụ thể cho từng mặt hàng tại Biểu thuế XK; (ii) Thuế suất đối với hàng hóa NK gồm thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt và thuế suất thông thường”.
Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 (Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi) đã quy định cụ thể từng loại thuế gồm: Thuế theo tỷ lệ phần trăm (Điều 6), thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp (Điều 7), thuế đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan (Điều 8)... Trong đó, thuế theo tỷ lệ phần trăm “được xác định căn cứ vào trị giá tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm (%) của từng mặt hàng tại thời điểm tính thuế”.
Để phù hợp với việc thực hiện các cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu trong khuôn khổ một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: TPP, Việt Nam – EU, Luật thuế sửa đổi cũng quy định: “Trường hợp hàng hóa XK sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế XK trong quan hệ thương mại với Việt Nam thì thực hiện theo các thỏa thuận này”. Như vậy, quy định tại Luật thuế sửa đổi được tách bạch rõ ràng, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, các cam kết liên quan đến thuế XK và tạo điều kiện cho việc thực hiện các cam kết thuế quan mà Việt Nam tham gia.
Bổ sung quy định về loại thuế suất
Nếu như Luật Thuế XK, thuế NK cũ chưa có quy định về loại thuế suất được áp dụng cụ thể là thuế NK ưu đãi, ưu đãi đặc biệt hay thuế thông thường… đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường nội địa, do đó chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh, thì Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi đã bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường nội địa theo nguyên tắc hàng hóa đáp ứng điều kiện xuất xứ nào thì áp dụng theo mức thuế suất tương ứng với loại xuất xứ đó. Cụ thể: Thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc (MFN) trong quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam hoặc hàng hóa từ khu phi thuế quan NK vào thị trường trong nước đáp ứng quy tắc xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế NK trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy định về thuế suất thông thường cũng được sửa đổi, bổ sung. Luật thuế XK, thuế NK trước đây hiện hành quy định thuế suất thông thường không quá 70% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng do Chính phủ quy định. Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 6, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định: Thuế suất thông thường áp dụng đối với hàng hóa NK không thuộc các trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt nêu trên, “được quy định bằng 150% so với thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng”.
Không quy định khung thuế suất thuế XK
Điều 12 Luật thuế XK, thuế NK năm 2005 quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Biểu thuế XK theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng, Biểu thuế NK ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng, bao gồm cả mức tối thiểu và mức tối đa (sau đây gọi tắt là Biểu khung).
Việc quy định mức khung thuế suất, bao gồm cả mức tối thiểu (sàn) và mức tối đa (trần) như thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực và là căn cứ quan trọng để Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành mức thuế XK, thuế NK ưu đãi MFN đối với từng mặt hàng; đáp ứng tính chủ động, kịp thời trước những biến động giá cả của thị trường thế giới, góp phần bình ổn giá cả thị trường trong nước và phù hợp với tính chất đặc thù của Biểu thuế NK. Tuy nhiên, kể từ năm 2007 khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết cho 100% số dòng thuế tại thời điểm gia nhập và phải cắt giảm hàng năm theo lộ trình cam kết, đến nay lộ trình này cơ bản hoàn thành. Do đó, việc quy định mức trần tối đa Biểu khung thuế suất thuế NK như hiện hành thực tế không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, về mức thuế suất sàn (tối thiểu) thuế suất NK cũng bộc lộ bất cập, do vậy việc xây dựng sàn thuế (tối thiểu) của Biểu khung thuế suất thuế NK như hiện hành là không phù hợp.
Để khắc phục tình trạng trên, Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi và Danh mục nhóm hàng chịu thuế XK không quy định khung thuế suất thuế xuất, nhập khẩu mà thay bằng quy định mức tối thiểu đối với một số nhóm hàng chịu thuế XK.
Bổ sung nhiều trường hợp miễn thuế
Luật thuế mới đã bổ sung nhiều trường hợp được miễn thuế, chuyển từ đối tượng được hoàn thuế sang miễn thuế. Cụ thể như:
Thứ nhất, chuyển từ hoàn thuế sang miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư sản xuất xuất khẩu. Theo Khoản 1d Điều 19 Luật thuế XK, thuế NK 2005 quy định: nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất XK thuộc đối tượng tạm nộp thuế, sau khi XK sản phẩm sản xuất từ nguyên liệu này sẽ được hoàn lại thuế; máy móc thiết bị nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng XK phải nộp thuế NK. Tuy nhiên, Luật cũng quy định hàng hóa NK để gia công sau đó XK sản phẩm gia công thuộc đối tượng miễn thuế (bao gồm cả nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị). Về bản chất kinh tế thì hai trường hợp này giống nhau, đều là hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK, không tiêu dùng tại Việt Nam, nhưng chế độ thuế, chế độ quản lý hải quan áp dụng khác nhau.
Theo Điểm E3 (phần định nghĩa) Phụ lục F Công ước Kyoto và kinh nghiệm một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Pakistan thì nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất XK được áp dụng chế độ miễn thuế. Qua rà soát cho thấy, mức thuế NK của đa số máy móc thiết bị cho sản xuất hàng hóa XK có thuế suất 0% hoặc mức thấp. Do đó, Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi đã chuyển hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập để sản xuất XK từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế. Quy định này nhằm khuyến khích sản xuất xuất khẩu, tạo giá trị gia tăng cao, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa (đa số DN thuộc diện này thực hiện hoạt động sản xuất XK), nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đồng thời, đơn giản thủ tục hành chính việc tạm thu để hoàn thuế đối với vật tư nguyên liệu NK để sản xuất hàng XK.
Thứ hai, miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập có thời hạn. Luật đã bổ sung quy định tại Khoản 9, Điều 16 về miễn thuế cho một số hàng hóa thuộc chế độ tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập trong thời hạn nhất định. Cụ thể:
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để tổ chức hoặc tham dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, sự kiện thể thao, văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác; máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất để thử nghiệm, nghiên cứu phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập để phục vụ công việc trong thời hạn nhất định hoặc phục vụ gia công cho thương nhân nước ngoài, trừ trường hợp máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất;
- Máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng tạm nhập để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài hoặc tạm xuất để thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay Việt Nam ở nước ngoài; hàng hóa tạm nhập, tái xuất để cung ứng cho tàu biển, tàu bay nước ngoài neo đậu tại cảng Việt Nam;
- Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để bảo hành, sửa chữa, thay thế;
- Phương tiện quay vòng theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập để chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập, tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn) được tổ chức tín dụng bảo lãnh hoặc đã đặt cọc một khoản tiền tương đương số tiền thuế nhập khẩu của hàng hóa tạm nhập, tái xuất.
Quy định này nhằm phù hợp với Điểm 22 thực hành khuyến nghị Phụ lục chuyên đề G Công ước Kyoto; cam kết với EU và sắp tới là TPP, theo đó hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập có thời hạn đều thuộc đối tượng miễn thuế.
Thứ ba, sửa đổi về miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện cho sản xuất của dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư. Luật thuế XK, thuế NK 2005 quy định miễn thuế NK 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất cho một số dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trừ sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, điều hòa, máy sưởi điện, tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, máy rửa bát đĩa, đầu đĩa, dàn âm thanh, bàn là điện, ấm đun nước, máy sấy khô tóc, làm khô tay, rượu, bia, thuốc lá và những mặt hàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Để phù hợp với Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014, tại khoản 13 Điều 11 Luật sửa đổi quy định về miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được theo hướng: Bổ sung thêm DN công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 05 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.
Đồng thời, Luật cũng quy định rõ việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu quy định tại khoản này không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; dự án sản xuất sản phẩm có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cũng với đó, Luật đã bổ sung quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế cần được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo. Chính sách này đã được quy định tại Quyết định số 54/2014/QĐ-TTg. Để minh bạch, nâng cao tính pháp lý của quy định này, phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển ngành Y tế, tại Khoản 14, Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi đã bổ sung quy định về miễn thuế đối với trường hợp này.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định miễn thuế đối với hàng hóa có trị giá tối thiểu hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu; hàng hóa không nhằm mục đích thương mại với các trường hợp: hàng mẫu, ảnh, phim, mô hình thay thế cho hàng mẫu; ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ… để tạo thuận lợi cho người khai hải quan và người nộp thuế.
Bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước
Bên cạnh việc đổi mới về cách tính thuế, Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi cũng đã bổ sung nội dung quan trọng về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử để góp phần bảo vệ nền sản xuất kinh doanh trong nước, phù hợp định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và các cam kết quốc tế đã ký kết. Cụ thể, tại Khoản 2, 3 Điều 5 và Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 11 Luật thuế XK, thuế NK có quy định các biện pháp về thuế để tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong nhập khẩu hàng hóa nhưng chưa đầy đủ, mới chỉ dừng ở việc định danh về các biện pháp này. Việc áp dụng các loại thuế phòng vệ đang được thực hiện theo quy định tại các pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nội dung về thuế áp dụng đối với hàng hóa XK, NK phải được quy định thống nhất tại Luật Thuế XK, thuế NK để đảm bảo sự nhất quán, xuyên suốt, nhằm phát huy vai trò là công cụ bảo vệ sự lành mạnh của môi trường kinh tế, bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện phải cắt giảm thuế NK theo các cam kết quốc tế gần như xuống 0% trong thời gian tới; mặt khác, nâng quy định pháp lý từ Pháp lệnh lên thành Luật và việc hợp nhất các nội dung về các biện pháp phòng vệ đối với hàng hóa XK, NK tại Luật Thuế XK, thuế NK phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tạo sự rõ ràng, minh bạch trong quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
Để phát huy công cụ bảo vệ này, trong phạm vi điều chỉnh, Luật thuế XK, thuế NK (sửa đổi) đã bổ sung các biện pháp phòng vệ về thuế áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ. Mặt khác, trong phần giải thích từ ngữ, Luật đã bổ sung giải thích một loạt cụm từ ngữ có liên quan về 3 loại thuế phòng vệ được chuyển nguyên trạng từ quy định tại các Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ, bao gồm: “Gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước”; “Ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước”; “Ngành sản xuất trong nước”; “Trợ cấp”; “Nhập khẩu hàng hoá quá mức”... Cùng với đó, tại chương III (từ Điều 12 đến Điều 15) Luật quy định về nội hàm của từng biện pháp phòng vệ thuế như điều kiện, nguyên tắc, thời hạn áp dụng biện pháp phòng vệ và thẩm quyền áp dụng các loại thuế này.
Các nội dung này về cơ bản kế thừa quy định tại 3 Pháp lệnh hiện hành và có bổ sung thẩm quyền của Bộ Tài chính về việc quy định kê khai, thu, nộp, hoàn trả số tiền thuế phòng vệ. Cụ thể về thẩm quyền quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá; thuế chống trợ cấp; thuế tự vệ, Luật quy định: (i) Bộ Tài chính quy định việc kê khai, thu, nộp, hoàn trả thuế bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; (ii) Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ; (iii) Trường hợp lợi ích của Việt Nam bị xâm hại hay vi phạm, căn cứ vào các điều ước quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định áp dụng biện pháp thuế phòng vệ khác phù hợp.
Về các nội dung liên quan đến trình tự thủ tục, hồ sơ để thực hiện các biện pháp phòng vệ về thuế, khiếu nại và xử lý vi phạm hiện đang được quy định tại Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp, Pháp lệnh về tự vệ, sẽ không quy định cụ thể tại Luật này mà quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Luật cũng bỏ các nội dung liên quan đến khiếu nại và xử lý vi phạm tại Luật này để thực hiện theo Luật khiếu nại và các pháp luật khác có liên quan. Điều này nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động cho đơn vị chủ trì triển khai quyết định áp dụng các biện pháp tự vệ về thuế.
Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi có nhiều điểm mới đáp ứng được yêu cầu phát triển, hội nhập, đồng thời cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi, hỗ trợ DN giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh; đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện cam kết TPP, các FTA đang thực hiện hoặc vừa ký kết. Luật thuế XK, thuế NK sửa đổi chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật Thuế XK, thuế NK số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
2. Chính phủ, Tờ trình về dự án Luật Thuế XK, thuế NK (sửa đổi);
3. Quốc hội, Luật Thuế XK, thuế NK số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016.