Nghiên cứu chính sách phát triển mô hình hợp tác xã tại Việt Nam

Nguyễn Văn Phương, Trương Anh Tuấn, Đinh Thị Thanh Tâm, Lý Thu Cúc

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ và phát triển mô hình tổ chức theo hợp tác xã và đã có những tác động đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Các mô hình hợp tác xã này đã chứng minh được sự phù hợp với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, mô hình hợp tác xã chưa phát huy được hết vai trò của nó. Do đó, để các hợp tác xã phát triển bền vững và mang lại hiệu quả tốt hơn, các chính sách hỗ trợ và phát triển hợp tác xã cần được thiết kế và thực hiện theo tiếp cận từ dưới lên, dựa trên nhu cầu của các hợp tác xã.

Thực trạng phát triển hợp tác xã

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là bộ phận của nền kinh tế, là một thành tố không thể thiếu trong chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững; phát triển cộng đồng bảo đảm an sinh xã hội cho một bộ phận dân cư và trật tự an toàn xã hội. Theo Sách trắng HTX 2023, trong những năm qua số lượng HTX trên cả nước tăng khá mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng số HTX của cả nước là 29.378 HTX, tăng 5,4% so với cùng thời điểm năm 2021.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2023, cả nước có 30.698 HTX. Trong tổng số HTX toàn quốc có 20.500 HTX nông nghiệp (chiếm 66,7%) và gần 10.200 HTX phi nông nghiệp (chiếm 33,3%). So với năm 2022, tổng số HTX năm 2023 tăng 1.261 HTX (tăng 4%). Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX (tăng 291 HTX, tăng 10,8% so với năm 2022), bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng.

Nhìn chung, các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của HTX đều tăng so với năm 2022, đặc biệt là quy mô sản xuất. Xu hướng hợp tác cũng đã được mở rộng, đi vào thực chất. Đến nay, đã có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, chiếm 24,5% tổng số HTX nông nghiệp, trong khi đó tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5-7%... Sự tăng trưởng về số lượng cho thấy, mô hình tổ chức kinh doanh theo HTX vẫn đang có sức hút nhất định của người dân và cộng đồng tại Việt Nam.

Thực trạng chính sách phát triển
mô hình hợp tác xã tại Việt Nam

Để đánh giá thực trạng chính sách phát triển mô hình HTX tại Việt Nam, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu mô hình HTX tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Sóc Trăng. Cụ thể như sau:

Tác động của chính sách đến các hợp tác xã

Sự thay đổi của chính sách, thể chế trong những năm qua đã dẫn đến những thay đổi rõ rệt trong việc phát triển HTX. Trong thời gian qua, với hệ thống chính sách được ban hành và đưa vào thực tiễn, các chính sách định hướng giúp HTX có được cách nhìn đúng đắn, đưa ra được phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh và là cơ sở để các thành viên HTX nhìn rõ được mục đích, hướng đi của mình trong tương lai, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của HTX. Hơn nữa, các chính sách này còn giúp HTX nhận thức được đúng vấn đề pháp luật có liên quan, định hướng được hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, các chính sách phát triển HTX còn tạo động lực – là yếu tố ban đầu để tạo động cơ khởi nghiệp và xuyên suốt, luôn cần ở mọi giai đoạn sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy khả năng làm việc. Đây cũng là động lực để hình thành nên ý tưởng khởi nghiệp. Các chính sách tạo động lực như: sự hỗ trợ về tín dụng, kết nối thị trường, đào tạo về khoa học công nghệ kỹ thuật mới, đào tạo chuyên môn cho nguồn nhân lực… sẽ khuyến khích, thúc đẩy các HTX đổi mới, phát triển ngày một hoàn thiện hơn.

Các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã tại Việt Nam

Luật HTX 2023 không chỉ đóng vai trò là thể chế trung tâm định hướng hoạt động của HTX mà còn thể hiện vai trò tạo động lực cho các HTX thông qua việc chỉ rõ các chính sách cần thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển HTX nói chung và HTX nông nghiệp nói riêng. Tại các địa phương, các chính sách tạo động lực cho khởi nghiệp HTX thường được lồng ghép với các chương trình/chính sách khác nhau và nội dung, cách thức, mức hỗ trợ có thể khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương. Theo đó, nhóm chính sách tạo động lực khởi nghiệp HTX tập trung vào các nhóm chính sách sau: (1) Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; (2) Xúc tiến thương mại và mở rộng thi trường; (3) Ứng dụng khoa học kỹ thuật; (4) Tín dụng, tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; (5) Thành lập mới HTX; và (6) Giao đất, cho thuê đất phục vụ hoạt động của HTX. Cụ thể như sau:

- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực:

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho HTX - chìa khóa thành công của HTX, được xem là chính sách quan trọng tạo động lực khởi nghiệp HTX. Tuy nhiên, thực tế mặt bằng chung hiện nay, đội ngũ quản lý của các HTX còn hạn chế về chuyên môn và nghiệp vụ, nhân lực có trình độ chưa mặn mà tham gia hoạt động của HTX.

Tại các tỉnh, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho liên minh HTX, chi cục phát triển nông thôn thuộc các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Nội dung các lớp bồi dưỡng, tập huấn tập trung vào quản trị HTX, xúc tiến thương mại (XTTM), quảng bá sản phẩm, thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, tạo lập thương hiệu cho sản phẩm. Đối tượng tham gia bồi dưỡng, tập huấn là cán bộ quản lý HTX, kế toán, cán bộ làm công việc chuyên môn nghiệp vụ của các HTX. Song, các lớp bồi dưỡng, tập huấn này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.

Về chính sách hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX, qua khảo sát thực tế cho thấy có rất ít các địa phương đang triển khai thực hiện thí điểm mô hình này (điển hình chỉ có: Quảng Ninh và Đồng Nai). Nhìn chung các chính sách hỗ trợ đào tạo này mới bước đầu giải quyết được việc “khơi thông” tư tưởng, giới thiệu “kiến thức chung” cho HTX, thời gian đào tạo ngắn, chưa có nội dung cầm tay chỉ việc, hay chưa gắn với nhu cầu cần đào tạo thực tế của HTX, do vậy hiệu quả của chính sách là chưa cao.

- Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường:

Thời gian qua, các địa phương đang đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tìm kiếm thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm. Các HTX cũng rất tích cực tìm kiếm kết nối, hình thành mạng lưới liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hàng năm, các địa phương lựa chọn, hỗ trợ, hướng dẫn các HTX có sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP tham gia triển lãm, giới thiệu các sản phẩm tại các hội chợ, hội chợ làng nghề, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh. Các hoạt động hội chợ thương mại, triển lãm được tổ chức khá thường xuyên. Điển hình như: miền núi phía Bắc (Sơn La) và vùng Đồng bằng sông Hồng (Quảng Ninh), với tỷ lệ trên 90% các HTX được tham gia hội chợ thương mại và trên 40% các HTX được tham gia các cuộc triển lãm.

Theo Thông tư số 171/2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ thực hiện Chương trình XTTM quốc gia, các HTX khi tham gia các hội chợ triển lãm trong nước được hỗ trợ 50% chi phí gian hàng và chi phí dịch vụ phục vụ. Tùy theo từng đia phương, mức hỗ trợ các HTX nhận được có thể là 50% theo hướng dẫn chung hoặc 100% nếu địa phương nào có đủ nguồn lực từ ngân sách địa phương. Chẳng hạn, tại Quảng Ninh, các hội chợ được tổ chức khá thường xuyên vào các dịp lễ, tết Các HTX được khuyến khích tham gia hội chợ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm. HTX được hỗ trợ 100% chi phí gian hàng và 100% chi phí vận chuyển hàng hóa 2 chiều cho HTX với số lượng hàng không hạn chế. Có thể nói, tùy theo đặc trưng mỗi vùng mà có các hình thức tổ chức XTTM và mức kinh phí hỗ trợ khác nhau. Mức hỗ trợ chủ yếu ở mức dưới 5 triệu đồng/HTX/năm.

Thông qua các hội chợ, triển lãm, các HTX đã kết nối với các đối tác trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều HTX đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa được sở công thương các tỉnh hỗ trợ tìm kiếm thị trường, kết nối đưa các sản phẩm tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, điểm giới thiệu và bán sản phẩm. Tuy nhiên, các loại hình hội chợ thương mại, triển lãm giới thiệu sản phẩm vẫn chủ yếu diễn ra ở phạm vi nội tỉnh mà ít có ở phạm vi vùng, liên vùng, quốc gia, hay quốc tế.

Bên cạnh đó, hình thức hỗ trợ hướng dẫn các HTX ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động phát triển kinh doanh như: bán hàng qua sàn thương mại điện tử, quảng bá giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ qua cổng kết nối tiêu thụ của Bộ Công Thương… chưa phổ biến.

- Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới:

Có thể thấy từ 2012 đến nay, các HTX đã được hưởng nhiều hỗ trợ từ chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật (KHKT) và công nghệ mới. Nhiều địa phương đã thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Qua nghiên cứu cho thấy, nguồn vốn hỗ trợ ứng dụng KHKT cho các HTX đến từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh và từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh. Các nội dung hỗ trợ tập trung chính vào việc hỗ trợ đầu tư thiết bị, máy móc cho sản xuất, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới. Ngoài ra còn là các lớp tập huấn về quy định sở hữu trí tuệ, các hội thảo chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (công nghệ sấy nông sản nhằm nâng cao giá trị sản phẩm). Bên cạnh đó, một số HTX được lựa chọn để hỗ trợ ký kết hợp đồng với các đơn vị nghiên cứu như: HTX Hoa Phong (Đông Triều, Quảng Ninh) đã ký hợp tác để được chuyển giao công nghệ bảo quản sản phẩm từ Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hay HTX Nông dược xanh tinh hoa (Hoành Bồ, Hạ Long) ký hợp tác với Viện Dược liệu, Bộ Y tế. Tại Đồng Nai, các HTX đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cây con, giống, hỗ trợ xây dựng đề án sản xuất thử sản phẩm mới.

- Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã:

Theo Luật HTX năm 2023, chính sách hỗ trợ tín dụng và quỹ hỗ trợ phát triển HTX được gộp thành chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX. So với Luật HTX trước đó, chính sách này được áp dụng linh hoạt hơn, trong đó Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được quy định thêm 2 nhiệm vụ là bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với HTX. Ngoài ra, các HTX nông nghiệp được hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng được chú trọng và triển khai thực hiện ở tất cả các vùng. Tại một số địa phương nghiên cứu, UBND các tỉnh ban hành các quyết định về quy định trình tự, thủ tục cho vay từ nguồn vốn tín dụng hỗ trợ phát triển HTX. Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội là cơ quan chủ trì cho vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh. Liên minh HTX các tỉnh là đơn vị được giao tư vấn, hướng dẫn các HTX xây dựng dự án vay vốn, xem xét, lựa chọn HTX có đủ điều kiện vay vốn giới thiệu cho ngân hàng chính sách xã hội để cho vay, đồng thời có chức năng thẩm định, kiểm tra việc sử dụng vốn cũng như đôn đốc thu hồi vốn đến hạn.

- Chính sách thành lập mới hợp tác xã:

Thực hiện theo Thông tư 340/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về hỗ trợ thành lập mới HTX, tại các vùng nghiên cứu, các HTX thành lập mới đã được tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách này. Theo đó, các HTX được tham gia các lớp tập huấn, được cung cấp thông tin (chính sách hỗ trợ HTX phát triển của trung ương và của địa phương…), được tư vấn quy định của pháp luật về HTX cho các sáng lập viên HTX trước khi thành lập. Ngoài ra là các tư vấn khác hỗ trợ các sáng lập viên như lựa chọn thành viên, lựa chọn ngành nghề/sản phẩm khởi nghiệp…

Ngoài tư vấn, tại một số địa phương như Quảng Ninh, các HTX mới thành lập được nhận hỗ trợ 25 triệu đồng/HTX để mua sắm trang thiết bị văn phòng ban đầu phục vụ cho hoạt động của HTX. Kinh phí này được trích từ ngân sách của tỉnh. Thủ tục và điều kiện để nhận được hỗ trợ (cả hỗ trợ tư vấn và tài chính) được các HTX đánh giá ở mức thuận tiện. Nhiều HTX đã được các đơn vị có liên quan chủ động liên hệ để nhận sự hỗ trợ tài chính.

Qua nghiên cứu cho thấy, mặc dù tỷ lệ HTX nhận được các hỗ trợ tư vấn và tài chính khi thành lập HTX không cao nhưng việc hỗ trợ các HTX trong quá trình thành lập đã phần nào khuyến khích người dân mạnh dạn trong hợp tác, đầu tư, mở rộng sản xuất, không còn bó hẹp trong mô hình sản xuất kinh doanh quy mô hộ, nhỏ lẻ. Các HTX được hỗ trợ thành lập cơ bản đã nắm được quy định của Luật HTX, ổn định tổ chức, đi vào hoạt động, tích cực đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực kinh tế tập thể của các địa phương.

- Chính sách giao đất, cho thuê đất:

Mặc dù đã có những quy định ưu đãi về đất đai đối với các HTX nhưng trên thực tế, việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn. Số HTX được hưởng thụ chính sách này không nhiều hoặc do quỹ đất công của các địa phương hạn chế, hoặc do một số nơi có quỹ đất công nhưng chưa tạo điều kiện hỗ trợ HTX. Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn vướng mắc do một số nguyên nhân như quy định về quyền thê chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định Luật Đất đai 2013 vẫn còn thiếu linh hoạt trong việc tổ chức hỗ trợ tài chính cho HTX khi thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Thông qua các phỏng vấn không chính thức với các HTX, nhóm nghiên cứu nhận thấy, vấn đề đất đai đang được xem là một trong số các vấn đề nổi cộm, cản trở quá trình khởi nghiệp của các HTX. Hầu hết các HTX không có trụ sở, thường ghép/mượn nhà của các thành viên làm nơi giao dịch. Bên cạnh đó, có trường hợp HTX chuyển đổi theo Luật, có đất đai, có trụ sở nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cả hai trường hợp trên đều dẫn đến việc HTX không có tài sản thế chấp trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Hoặc theo quy định, các nhà lưới, nhà màng, nhà kho... không được coi là tài sản để thế chấp.

Nhu cầu về đất đai để xây dựng trụ sở, để mở rộng diện tích sản xuất-kinh doanh được xem là kiến nghị của hầu hết các đại diện HTX điều tra tại tất cả các vùng. Thiếu trụ sở HTX không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch, họp hành của thành viên và ban quản lý HTX mà còn gây khó khăn cho HTX khi muốn tiếp cận với chính sách tín dụng. Do vậy, để có được nguồn vốn vay đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp và mở rộng sản xuất, các HTX thực hiện việc thế chấp tại các tổ chức tín dụng bằng các tài sản cá nhân. Điều này làm suy yếu tính cộng đồng/tập thể của HTX, tạo điều kiện cho việc ra quyết định của HTX tập trung vào tay một số cá nhân và những thành viên còn lại mang tính chất làm thuê hoặc cho mượn tên.

Kết luận

Mô hình HTX ở Việt Nam đã chứng minh được sự phù hợp của nó với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các chính sách thúc đẩy và phát triển mô hình HTX ở Việt Nam đã có từ lâu. Tuy nhiên trên thực tế, mô hình HTX chưa phát huy được hết vai trò của nó. Để các HTX phát triển bền vững và mang lại hiệu quả tốt hơn các chính sách hỗ trợ và phát triển HTX cần được thiết kế và thực hiện theo tiếp cận từ dưới lên, dựa trên nhu cầu của các HTX, Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, tư vấn và tạo môi trường chính sách thuận lợi cho HTX dựa trên cở sở quản lý HTX áp dụng các nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số, thúc đẩy các mạng lưới hợp tác trao đổi kinh nghiệm giữa các HTX. Cách thức và mức độ hỗ trợ cần dựa vào sự phân loại về trình độ phát triển của các HTX bởi có những HTX chỉ cần hỗ trợ cải thiện nhận thức là giải quyết được vấn đề khó khăn, nhưng có những HTX thì cần phải hỗ trợ bằng các kỹ năng cầm tay chỉ việc, có những HTX thì lại cần hỗ trợ củng cố về mặt tinh thần. Tính bền vững của những hỗ trợ cần được tính đến khi cải tiến chính sách bởi các đối tượng cụ thể của HTX đa phần đều là nông dân và đối với họ đây là một việc làm mới cần có sự thay đổi lớn và bền bỉ trong tư duy, thói quen và hành động. Trong thực hiện hỗ trợ, cần rà soát các HTX có tiềm năng phát triển để hỗ trợ đúng đối tượng, tránh dàn trải.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đoàn Hải Yến (2017), Một số đánh giá về phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012, http://ncif.gov.vn/Pages/NewsDetail.aspx?newid=19691;
  2. Hoàng Vũ Quang, Nguyễn Tiến Định, Nguyễn Đình Chính, Phạm Ngọc Linh (2016), Nghiên cứu đề xuất chính sách và giải pháp phát triển Hợp tác xã trong Nông, Lâm, Ngư nghiệp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộnăm 2015;
  3. Nguyễn Thị Lan (2021), Nghiên cứu đề xuất thể chế, chính sách khởi nghiệp hợp tác xã gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Báo cáo đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước 2021;
  4. Noorzadeh, M., and Yeganeh, M. (2006), Entrepreneurship in Agriculture Education. Agriculture Economy and Development, 40, 54-63.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2024