5 cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu Việt Nam trong CPTPP


Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa có báo cáo về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước nằm trong Hiệp đinh Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

 

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam có 05 cơ hội lớn về xuất khẩu hàng hóa sang các nước là thành viên CPTPP khi Hiệp định có hiệu lực.

Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường xuất khẩu:

Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTPP được hưởng những cam kết cắt giảm thuế quan ở mức cao, cụ thể: Australia là trên 93% số dòng thuế (tương đương 95,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này); cam kết cắt giảm thuế ngay của Canada lên đến 94,9% số dòng thuế (tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam); với Nhật Bản, cam kết cắt giảm thuế tốt hơn nhiều so với trong Hiệp định FTA song phương giữa 2 nước (như cam kết xóa bỏ ngay 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm)…  Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của ta.

CPTPP mở ra cơ hội để một số nhóm hàng phát triển bởi những cam kết rất "mở", tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, lâm thủy sản và nhóm hàng công nghiệp.

Theo đó, các ngành dự kiến có mức tăng trưởng lớn sẽ là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác.

Thứ hai, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu:

Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu với khu vực châu Á (chiếm khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu và 50% kim ngạch xuất khẩu). Các FTA mới sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập, khai thác các thị trường mới, thị trường còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu:

CPTPP là khu vực thị trường tiềm năng với dân số khoảng 490 triệu người, chiếm 13% GDP toàn cầu, với thu nhập bình quân đầu người trên 19.000 USD. CPTPP có ý nghĩa quan trọng vì đây là một sự nâng cấp so với các thỏa thuận tự do thương mại (FTA) hiện có, thúc đẩy tạo các mối quan hệ FTA mới và thiết lập mạng lưới mới, bao gồm chuỗi cung ứng giữa châu Á và châu Mỹ.

Với tình hình xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang và có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, các doanh nghiệp lớn đang có xu hướng thiết lập các chuỗi cung ứng mới. CPTPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh... Thu hút vốn FDI cũng hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, chuyển giao công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, phát triển công nghiệp phụ trợ:

Với mục tiêu khuyến khích thương mại nội khối, hạn chế sự hưởng lợi từ các nước ngoài khu vực, một số mặt hàng đòi hỏi phải sử dụng toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc trong khu vực ký FTA mới được hưởng thuế ưu đãi.

Quy tắc xuất xứ là thách thức cho xuất khẩu nhưng cũng bao hàm cơ hội khi tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Từ một nền sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc, nay ngành dệt may, da giầy Việt Nam không những đã phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà còn có cả sản phẩm dành cho xuất khẩu.

Với các quy tắc xuất xứ chặt hơn nữa của CPTPP, công nghiệp phụ trợ cho các ngành dệt may, da giầy càng có cơ hội phát triển.

Thứ năm, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ tích cực tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng:

Các FTA thế hệ mới là động lực giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn. Qua đó, thúc đẩy đầu tư, cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giúp tạo ra năng lực sản xuất mới, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả.