Xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2014 và triển vọng 2015
(Tài chính) Năm 2014 khép lại với những thành công vượt bậc của lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Trong khi xuất khẩu vẫn duy trì được tăng trưởng hai con số và là trụ cột của tăng trưởng kinh tế thì nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng không ngừng tăng lên. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu. Bởi vậy, triển vọng xuất nhập khẩu trong năm 2015 là rất khả quan.
Thành tựu xuất nhập khẩu năm 2014
Về xuất khẩu:
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2014, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 150,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2013. Khu vực kinh tế trong nước đạt 48,5 tỷ USD, tăng 10,4%, mức tăng cao nhất từ năm 2012, chiếm 32,31% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 101,6 tỷ USD (gồm cả dầu thô), tăng 15,2%, chiếm 67,69% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp 10,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung (đạt 94,4 tỷ USD (không kể dầu thô) và tăng 16,7%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2014 tăng 9,1%.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu năm 2014 tiếp tục chuyển biến tích cực, với sự chuyển dịch dần từ xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm khai khoáng sang các mặt hàng gia công, chế tạo. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 66,5 tỷ USD, tăng 12,0% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 44,31% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó: Mặt hàng điện thoại và linh kiện ước đạt 24,08 tỷ USD, tăng 13,4% và chiếm 16,04%; điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 11,66 tỷ USD và chiếm 7,77%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,26 tỷ USD, tăng 21,6%, chiếm 4,84%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,48 tỷ USD, tăng 10,4%, chiếm 3,65%. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 57,9 tỷ USD, tăng 15,9% và chiếm 38,57%, trong đó: Túi xách, va li, mũ, ô dù đạt 2,31 tỷ USD, tăng 33,4%; giày dép đạt 10,22 tỷ USD, tăng 23%, chiếm 6,81%; hàng dệt may đạt 20,77 tỷ USD, tăng 18,2%, chiếm 13,84%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, tăng 13,0%, chiếm 4,06%. Hàng nông sản, lâm sản ước 17,8 tỷ USD, tăng 11,4% và chiếm 11,86%, trong đó cà phê đạt 3,55 tỷ USD, tăng 34,3%, chiếm 2,38%. Hàng thủy sản đạt 7,9 tỷ USD, tăng trưởng cao nhất tại mức 17,6%, chiếm 5,26% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Hai nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là điện thoại và linh kiện (24,08 tỷ USD) và dệt may (20,77 tỷ USD), đây cũng là hai nhóm duy nhất luôn đạt kim ngạch xuất khẩu ổn định ở mức trên 1 tỷ USD/tháng.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng bất chấp bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,5 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2013, trong đó tốc độ tăng kim ngạch một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn là: hàng dệt, may tăng 13,9%; giày dép tăng 26,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45%. Thị trường tiếp theo là EU với 27,9 tỷ USD, tăng 14,7%, trong đó giày dép tăng 24,1%; hàng dệt may tăng 22,7%. ASEAN ước đạt 19,0 tỷ USD, tăng 3,1%, trong đó dầu thô tăng 15,8%; thủy sản tăng 17,8%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 16,8%. Trung Quốc ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 11,8% với dầu thô tăng 76,9%; xơ, sợi dệt các loại tăng 40,3%. Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 8,0%, trong đó hàng dệt, may tăng 9,3%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 11,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 19,7%. Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, tăng 18,1% với thủy sản tăng 33,9%; hàng dệt may tăng 30%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 56,7%.
Về nhập khẩu:
Tính chung cả năm 2014, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2013. Tăng trưởng nhập khẩu đến từ cả hai khu vực, trong đó kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI đạt cao hơn khu vực kinh tế trong nước về cả số tuyệt đối lẫn tốc độ tăng trưởng. Tính chung năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI đạt 84,5 tỷ USD, tăng 13,6%, chiếm 57,09% tổng kim ngạch nhập khẩu; khu vực kinh tế trong nước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2013, chiếm 42,91% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế còn thấp, việc tăng cường nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu đã tạo thuận lợi để Việt Nam tiếp cận công nghệ, thiết bị tiên tiến, cải thiện trình độ công nghệ, giải quyết sự thiếu hụt về nguyên, nhiên liệu đầu vào, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Cụ thể: Nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 135 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2013. Đây vẫn là nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 91,22%, trong đó nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải, phụ tùng đạt 55,6 tỷ USD, tăng 10,1% và chiếm 37,57%; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu đạt 79,4 tỷ USD, tăng 14,3% và chiếm 53,65%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 13,0 tỷ USD, tăng 9,3% và chiếm tỷ trọng 8,78% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Kim ngạch nhập khẩu trong năm của một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với năm trước: Nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 4,75 tỷ USD, tăng 25,6%, chiếm 3,21%; bông đạt 1,4 tỷ USD, tăng 22,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 22,46 tỷ USD, tăng 20,2%, chiếm 15,18%; vải các loại đạt 9,5 tỷ USD, tăng 14%, chiếm 6,42%; chất dẻo đạt 6,3 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm 4,26%; hóa chất đạt 3,32 tỷ USD, tăng 9,5%, chiếm 2,24%; xăng dầu đạt 7,62 tỷ USD, tăng 9,3%, chiếm 5,15%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn cũng tăng so với năm 2013: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 18,77 tỷ USD, tăng 6%, chiếm 12,68%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,7%, chiếm 5,81%; ô tô đạt 3,68 tỷ USD, tăng 53,1%, chiếm 2,49%, trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 1,6 tỷ USD, tăng mạnh tới 117,3%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013. Đứng thứ hai là ASEAN, ước tính đạt kim ngạch 23,1 tỷ USD, tăng 8,2%. Hàn Quốc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 4,9%. Nhật Bản đạt 12,7 tỷ USD, tăng 9,4%. Thị trường EU đạt 8,9 tỷ USD, giảm 5,9%.
Một số tồn tại, hạn chế của xuất nhập khẩu năm 2014
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương do dựa quá nhiều vào xuất khẩu. Cơ cấu xuất khẩu, mặc dù có chuyển biến tích cực trong những năm qua song cho đến nay vẫn chủ yếu tập trung vào một số ít mặt hàng chủ lực. Chỉ riêng 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (có kim ngạch xuất khẩu từ 3,55 tỷ USD trở lên) đã chiếm tới 69,43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2014.
Thứ hai, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm gia công, lắp ráp và nhóm hàng nguyên liệu thô hoặc mới sơ chế. Mặc dù tỷ trọng nhóm hàng thô hoặc mới sơ chế tiếp tục xu hướng giảm nhẹ trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu trong năm 2014, song xuất khẩu nguyên liệu thô, sản phẩm khai khoáng còn chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thứ ba, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu còn thấp do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố sẵn có về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động rẻ; giá trị gia tăng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thấp với chủ yếu là hàng gia công, chế biến. Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam đang dần xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu nhưng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới chủ yếu ở nhóm hàng hóa cơ bản như: Dầu mỏ và khoáng sản, nông sản, thủy sản, hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và điện tử. Đây là những ngành thâm dụng tài nguyên và lao động lớn, đem lại giá trị gia tăng thấp và về xu thế không còn khả năng tăng trưởng nhanh trên thế giới, đồng thời rất dễ bị ảnh hưởng bởi những biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của các thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu theo chiều rộng, theo hướng tăng cường khai thác các yếu tố sẵn có về điều kiện tự nhiên đang có nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, năng lực cạnh tranh xuất khẩu chậm được cải thiện, nhất là nhóm các mặt hàng công nghiệp, chế biến. Phần lớn mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, kể cả những mặt hàng có kim ngạch lớn đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng, xuất khẩu phải thông qua các đối tác khác nên giá bán thường cao hơn sản phẩm cùng loại của các đối thủ cạnh tranh, chưa kể đến những ảnh hưởng do việc hạ thấp giá thành để cạnh tranh từ các đối thủ mới có chi phí lao động thấp và năng suất lao động cao hơn Việt Nam.
Thứ năm, nhập khẩu công nghệ trung gian, hàng tiêu dùng xa xỉ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tình trạng nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các quy định an toàn và môi trường còn khá phổ biến.
Nhập siêu còn lớn ở những thị trường gần, phần lớn từ các thị trường không phải là công nghệ nguồn, thậm chí là kỹ thuật - công nghệ thấp, hoặc được họ chuyển giao lại trong quá trình hiện đại hóa như Trung Quốc (nhập siêu 28,9 tỷ USD năm 2014, tăng 21,8% so với năm 2013), ASEAN (nhập siêu 4,1 tỷ USD năm 2014). Điều này dẫn đến khó có thể tăng năng suất trong tương lai, cũng như khó có thể giúp Việt Nam bước nhanh hơn trong việc theo đuổi giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu, chưa nói đến việc sa vào bẫy thu nhập trung bình.
Thứ sáu, xuất siêu đạt được chưa thật bền vững và khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 15,0 tỷ USD. Xuất siêu sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay với mức 2,1 tỷ USD, trong đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) vẫn xuất siêu ở mức khá cao với 17,1 tỷ USD. Mặc dù đây là mức xuất siêu cao nhất kể từ năm 2012, góp phần ổn định tỷ giá và cung cầu ngoại tệ trên thị trường, nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế từ xuất, nhập khẩu hàng hóa chưa cao, xuất siêu đạt được chưa bền vững và khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu với 15,0 tỷ USD, cao hơn mức 13,7 tỷ USD của năm 2013. Điều đó chứng tỏ sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài của sản xuất và tiêu dùng trong nước, chưa có sự vươn lên để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm.
Triển vọng xuất, nhập khẩu năm 2015
Mặc dù có thể đạt được mức xuất siêu rất ấn tượng trong năm 2014 nhưng trong quá trình xây dựng chỉ tiêu xuất, nhập khẩu, đặc biệt là cán cân thương mại năm 2015 để báo cáo Quốc hội thông qua, Bộ Công Thương nhận định năm 2015 có khả năng nước ta sẽ quay trở lại với mức nhập siêu 6 - 8 tỷ USD. Những nguyên nhân chủ yếu có thể dẫn đến triển vọng này là:
Thứ nhất, trong thời gian qua, cán cân thương mại với xuất siêu chủ yếu từ các doanh nghiệp FDI, nhưng thời gian tới việc xuất siêu từ khối này sẽ tăng trưởng chậm lại;
Thứ hai, từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm dần do giá trị tuyệt đối đang ở mức cao;
Thứ ba, kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo tăng trưởng tốt hơn với triển vọng thu hút đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do sắp được kí kết, trong bối cảnh đó, nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam để đón bắt cơ hội từ các hiệp định sắp được kí kết sẽ gia tăng… đây sẽ là nguyên nhân làm gia tăng giá trị nhập siêu, bởi các doanh nghiệp sẽ tập trung nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị;
Thứ tư, Việt Nam đang không ngừng mở rộng, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu để không quá phụ thuộc vào Trung Quốc, dù chất lượng hàng hóa tốt hơn nhưng đồng nghĩa với giá thành cao hơn, dẫn tới tổng kim ngạch nhập khẩu tăng, điều này cũng sẽ dẫn đến việc tăng nhập siêu;
Thứ năm, giá trị nhập khẩu tăng trong năm 2015 còn có ảnh hưởng của việc chuyển dịch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài từ các quốc gia khác vào Việt Nam trước triển vọng phát triển xuất khẩu sau các hiệp định thương mại tự do FTA sắp được kí kết với EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan… hay tương lai gần là TPP;
Thứ sáu, trong thời gian tới, đặc biệt là từ năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện sẽ đi vào hoạt động, Việt Nam phải nhập khẩu than vì nguồn cung than trong nước chưa đáp ứng đủ. Trong lĩnh vực dầu khí, mặc dù Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, nhưng trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu dầu thô để chế biến xăng dầu thay cho việc nhập khẩu trực tiếp. Thêm vào đó, giá dầu thô thế giới giảm cũng sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, năm 2015, Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 163 tỷ USD (tăng 10%) so với năm 2014 nhưng kim ngạch nhập khẩu sẽ đạt khoảng 169 - 171 tỷ USD.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Công Thương, Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại năm 2014;
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Hà Nội, 2013;
3. Tổng cục Thống kê, Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2013 và năm 2014;
4. Tạp chí Tài chính các số năm 2013 và 2014.