“Ngọt” như cổ phiếu ngành Mía đường

PV.

Giá đường trên thế giới neo cao, trong khi ngành mía đường trong nước được hưởng lợi nhờ biện pháp chống bán phá giá đối với đường Thái Lan nhập khẩu. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng trở lại vùng trồng, cũng như cải thiện biên lợi nhuận khi giá đường trong nước tăng.

Trong những năm qua, ngành Mía đường Việt Nam được định giá ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. . Nguồn: internet
Trong những năm qua, ngành Mía đường Việt Nam được định giá ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. . Nguồn: internet

Doanh nghiệp đón bắt cơ hội

Giá đường thế giới đang trong xu hướng tăng từ niên vụ 2020-2021 do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cùng với sản lượng tại Brazil và Thái Lan sụt giảm mạnh. Đây là 2 quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới trong niên vụ 2020-2021, khi lần lượt chiếm 50% và 11% sản lượng đường xuất khẩu thế giới.

Sản lượng mía đường Thái Lan hồi phục mạnh hơn so với năm ngoái nhờ thời tiết thuận lợi cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xuất khẩu đường sẽ đạt mức 10 triệu tấn, tăng từ mức thấp kỷ lục 4 triệu tấn ở niên vụ 2020/2021.

Tuy nhiên, sản lượng mía đường ở Brazil kém lạc quan khi tiếp tục sụt giảm 10% so với niên vụ 2020-2021 do thời tiết khô hạn, lượng mưa dưới mức trung bình và tình trạng sương giá. Sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm hơn 6 triệu tấn so với niên vụ trước.

Bên cạnh đó, sản lượng dự trữ đường trên thế giới tiếp tục dự báo giảm trong niên vụ tới, về mức 43,9 triệu tấn. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo sản lượng đường thế giới sẽ thâm hụt 3,8 triệu tấn trong niên vụ 2021-2022, qua đó dự báo giá đường vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Trong tuần qua (22/10 - 29/10), giá đường kỳ hạn trên hai sàn London và New York đều tăng trở lại. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 1,94%; giá đường thô giao kỳ hạn tháng 03/2022 tăng 1,05%; giá đường trắng 45 ICUMSA Thái Lan tăng 3,1%.

Bên cạnh việc hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng cao, Việt Nam cũng tạm thời “né” được áp lực cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sản lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục giảm mạnh sau khi chính thức bị áp thuế, chỉ đạt 6,1 nghìn tấn trong tháng 8, giảm 93% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất trong hơn 2 năm gần đây. Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu đường của Thái Lan sang Việt Nam đạt 356,1 nghìn tấn, giảm 62% so với cùng kỳ 2020.

Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước đang có cơ hội giành lại thị phần và mở ra câu chuyện tăng trưởng trong dài hạn. Ngoài ra, nguồn cung trong nước cũng đang giảm khi diện tích và sản lượng mía giảm nhiều trong những năm qua, dẫn tới việc 17/41 nhà máy đã đóng cửa hoặc phá sản trong các năm gần đây (theo số liệu của VSSA), sẽ là cơ hội cho những doanh nghiệp đường có vùng nguyên liệu lớn trong ngành.

Giá cổ phiếu sẽ ngọt như đường

Trong những năm qua, ngành Mía đường được định giá ở mức thấp do sự cạnh tranh gay gắt từ đường Thái Lan. Điều này đã tác động không tốt tới tâm lý người nông dân trồng mía, khiến công suất hoạt động của các nhà máy đường xuống mức thấp kỷ lục. Tuy nhiên, định giá đã có dấu hiệu phục hồi do việc thực hiện thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mang lại hy vọng tăng trưởng trong dài hạn.

Tin mừng đã đến với ngành Mía đường khi giá đường trong nước đã ổn định dần và đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo dự báo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agriseco), giá đường sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nội địa sau nhiều năm giá đường sụt giảm và không cạnh tranh được với đường nhập khẩu.

Thêm vào đó, tình hình thời tiết thuận lợi sẽ là động lực để mở rộng trở lại vùng trồng, giúp tăng sản lượng tiêu thụ, dự kiến niên độ tới sản lượng mía đưa vào ép tăng hơn 25%.

Theo đó, cả SSI và Agriseco đều đưa ra khuyến nghị mua đối với một số mã cổ phiếu có triển vọng tăng tốt như QNS của CTCP Đường Quảng Ngãi, SLS của CTCP Mía đường Sơn La. Dự báo, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của QNS và SLS đều tăng trưởng trên 2 con số.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 của QNS có thể đạt 7.468 và 1.392 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 33% so với năm 2020. Còn SLS có thể đạt 910 tỷ đồng doanh thu và 210 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 8,5% và 68% so với năm 2020.