Nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng từ nhiều thông tin lạc quan


Cơn bĩ cực của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kéo dài từ tháng 3 tới nay đã được “giải nhiệt” trong 3 phiên giao dịch gần đây, đặc biệt phải kể đến VN-Index phiên 6/4 đã bứt phá gần 35 điểm tăng mạnh nhất trong vòng 19 năm. Dự báo, thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy, yếu tố cho thấy rủi ro ngắn hạn đã giảm đáng kể và áp lực chốt lời có thể sẽ gia tăng trong một vài phiên tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phiên 6/4 được coi là một phiên tăng mạnh nhất trong vòng 19 năm, theo đó xác lập kỷ lục 2 phiên liên tiếp tăng mạnh nhất châu Á.Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần 6/4, nhiều cổ phiếu trụ cột như VHM, VIC, VRE, MWG, PNJ, MSN… đồng loạt tăng điểm đã tác động tích cực lên các chỉ số. Sắc xanh bao trùm toàn thị trường, giúp VN-Index tăng 34,95 điểm tương đương 4,98% lên 736,75 điểm. Có thể nói, cơn bĩ cực của TTCK Việt Nam kéo dài từ tháng 3 tới nay đã được “giải nhiệt” trong 3 phiên giao dịch gần đây, đặc biệt phải kể đến VN-Index phiên 6/4 đã bứt phá gần 35 điểm tăng mạnh nhất trong vòng 19 năm qua. 

Những động thái và thông tin tích cực từ TTCK trong và ngoài nước đã phần nào tạo tâm lí tốt cho các nhà đầu tư. Do vậy, bất chấp những diễn biến vẫn còn rất phức tạp của tình hình dịch bệnh, TTCK toàn cầu trong tuần qua có sự khởi sắc nhất định, ít nhất là không còn trạng thái biến động mạnh liên tục như những tuần trước đó. 

Dù lạc quan với diễn biến tích cực này, trong xu thế hiện tại, rất khó khẳng định chắc chắn rằng thị trường sẽ có nhiều phiên tăng điểm như hôm 6/4 do thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, sản xuất kinh doanh đình đốn, các hoạt động cung cấp dịch vụ bị gián đoạn…Theo các chuyên gia, ngay trong phiên tăng mạnh nhất hôm 6/4 khối ngoại vẫn đang duy trì xu thế bán ròng. Cụ thể, tính chung toàn thị trường khối ngoại mua vào hơn 14,5 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 253 tỷ đồng trong khi bán ra gần 38 triệu cổ phiếu, trị giá gần hơn 950 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt hơn 23,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng gần 697 tỷ đồng. Trong tháng 3 vừa qua, khối ngoại đã có chuỗi bán ròng liên tiếp, thậm chí đạt kỷ lục gần 8.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chứng khoán, điều quan trọng nhất hiện nay là cần có các thông tin tốt có thể vực dậy niềm tin cho nhà đầu tư, tạo tâm lý lạc quan cho thị trường. Đáng chú ý, mới đây, bên cạnh các động thái hỗ trợ TTCK của Bộ Tài chính thì Công ty TNHH một thành viên Đầu tư SCIC (SCIC Invest) cũng vừa đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu FPT. SCIC Invest quyết định mua vào cổ phiếu trong điều kiện TTCK Việt Nam vừa trải qua gần một tháng tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008, hiện tượng bán tháo liên tục xảy ra. Động thái này cùng với việc nhiều DN công bố mua vào cổ phiếu quỹ đã tiếp sức cho niềm tin trên TTCK, vốn đang bị lung lay dữ dội bởi “bão” Covid-19.

Bên cạnh đó, theo ước tính của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, kể từ đầu tháng 2 tới hết tháng 3, các DN đăng ký và thông qua kế hoạch mua cổ phiếu quỹ lên tới 4.000 tỷ đồng, trong khi lãnh đạo DN và người liên quan đăng ký mua vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Với tổng dòng vốn được bổ sung khoảng 6.000 tỷ đồng, nếu các kế hoạch mua vào cổ phiếu của DN và cổ đông nội bộ được thực hiện, dự báo dòng tiền mới này này sẽ giúp “đỡ giá” cổ phiếu và giải quyết được vấn đề cốt lõi hiện tại của thị trường là nhà đầu tư thiếu niềm tin về triển vọng DN, của TTCK trong ngắn và trung hạn.

Trên thế giới, đầu năm 2020, khi Chính phủ Trung Quốc ngoài chính sách bơm tiền kích thích kinh tế, đã tiếp tục cho phép các quỹ quốc doanh mua vào cổ phiếu để bình ổn giá chứng khoán. Ngân hàng Trung ương Anh ngoài hạ lãi suất cũng đã mua thêm 200 tỷ Bảng trái phiếu chính phủ nhằm hỗ trợ thị trường. Trong khi đó, ngoài việc cắt giảm lãi suất hai lần từ 1,75%/năm về 1,25%/năm và từ 1,25%/năm về 0,25%/năm, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng chi ra 1.500 tỷ USD để mua các tài sản tài chính. Fed vẫn để ngỏ khả năng tiếp tục bơm tiền vào thị trường tài chính…

Những động thái và thông tin tích cực này đã phần nào tạo tâm lí tốt cho các nhà đầu tư. Do vậy, bất chấp những diễn biến vẫn còn rất phức tạp của tình hình dịch bệnh, TTCK toàn cầu trong tuần qua có sự khởi sắc nhất định, ít nhất là không còn trạng thái biến động mạnh liên tục như những tuần trước đó. Đây chính là những tín hiệu tốt nhằm cải thiện tâm lý của nhà đầu tư cũng như sự lạc quan trên TTCK trong nước và quốc tế.