Nhà đầu tư không còn ngại giao dịch vì tháng… “cô hồn”?
Hai phiên giao dịch đầu tiên trong “tháng cô hồn” trôi qua, thị trường chứng khoán dù bị điều chỉnh nhưng vẫn bật tăng mạnh mẽ, Vn-index áp sát mốc 980 điểm, thanh khoản đột ngột lên cao đã giúp các sàn đều giữ được sắc xanh…
Giao dịch sôi động bất chấp tháng “cô hồn”
Với các quốc gia Á Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc thì tháng 7 Âm lịch hàng năm được gọi là tháng "cô hồn". Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm mà các hoạt động làm ăn, kinh doanh, buôn bán… nhìn chung không thuận lợi nên mọi người thường có xu hướng hạn chế giao dịch trong khoảng thời gian này. Đặc biệt là ở thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường rất ngại giao dịch trong tháng “cô hồn”.
Tuy nhiên, theo thống kê trong 5 năm trở lại đây, có tới 3 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng điểm của Vn-index, Vn30-index, Hnx-index và UpCom-index vào tháng 7 Âm lịch, với tỷ lệ tăng trung bình là 1,58%. Năm 2017, chỉ số này tăng từ 768,79 điểm lên 805,86 điểm tương ứng với tỷ lệ tăng 4,82%. Tháng 7 âm lịch năm 2016, Vn-index cũng tăng 5,21% từ 619,8 điểm lên 659,09 điểm.
Cùng xu hướng với Vn-index, chỉ số Vn30 cũng có mức tăng 1,75% trong tháng 7 âm lịch theo thống kê trong 5 năm gần đây. Đáng chú ý, chỉ số này có mức tăng điểm mạnh hơn so với Vn-index trong 2 năm 2016 - 2017 với tỷ lệ tăng lần lượt là 6,34% và 7,08%. Hnx-index cũng đạt được tỷ lệ tăng bình quân 2,04%. Năm 2017, chỉ số này tăng 4,27% từ 100,87 điểm lên 105,18 điểm.
Đáng chú ý, năm 2014, Hnx-index tăng đến 9,11%, là mức tăng cao nhất vào "tháng cô hồn" trong 5 năm qua.
Cùng xu hướng với hoạt động giao dịch trên hai sàn Hose và Hnx, giao dịch trên UpCom có sự tích cực vào tháng "cô hồn" trong 5 năm gần đây. Theo thống kê, UpCom-index tăng điểm liên tục trong 4 năm từ 2014 với tỷ lệ tăng trung bình là 1,94% và đạt mức tăng cao nhất 6,2% vào trong năm 2014.
Tháng “cô hồn” của thị trường chứng khoán năm 2018 mới giao dịch được vài phiên. Tuy nhiên, theo diễn biến 2 phiên đầu tiên của tháng cho thấy thị trường chứng khoán vẫn đang bật tăng mạnh mẽ, Vn-index áp sát mốc 980 điểm, thanh khoản đột ngột lên cao đã giúp các sàn đều giữ được sắc xanh…
Thị trường mở cửa phiên đầu tháng “cô hồn” với những biến động giằng co trong khoảng 60 phút đầu giao dịch do ảnh hưởng từ việc các thị trường châu Á đồng loạt giảm mạnh. Tuy nhiên, những thông tin tích cực từ cuối tuần trước đã tác động không nhỏ tới thị trường.
Ngày 10/8, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service tuyên bố nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ B1 lên B3 và thay đổi triển vọng từ “ổn định” sang “tích cực”.
Nhờ đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng chứng khoán tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền như CTG, VCB, BID, MBB, ACB, SHB… Trong đó CTG tăng mạnh 6,2% lên 25.750 đồng/cổ phiếu, BID tăng 2% lên 30.500 đồng/cổ phiếu. MBB tăng 4.7% lên 24.350 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, VND, VCI… cũng tăng rất mạnh giúp thị trường giao dịch trở nên khá sôi động. SSI cũng tăng 4% lên 31.500 đồng/cổ phiếu, VND tăng 2,9% lên 21.100 đồng/cổ phiếu. Đa số các mã đều đóng cửa ở mức cao nhất phiên.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác như GAS, HPG, MSN, ROS, VJC… cũng đều tăng mạnh, càng củng cố vững sắc xanh của thị trường chung.
Hn-index tăng 1,89% lên 110,46 điểm. Hnx có 100 mã tăng, 53 mã đứng giá và 59 mã giảm giá. Thanh khoản sàn Hose đạt 741 tỷ đồng. Sàn UpCom-index tăng 0,26 điểm lên 51,62 điểm và thanh khoản đạt 755 tỷ đồng. Như vậy, thanh khoản trên cả 3 sàn trong phiên đầu tháng cô hồn đạt 6.541 tỷ đồng, mức cao nhất từ đầu tháng 8 đến nay.
Cổ phiếu nào lên ngôi trong tháng cô hồn?
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), kết thúc mùa kết quả kinh doanh quý II/2018, dòng tiền sẽ đi vào các cổ phiếu riêng lẻ có triển vọng tích cực hơn như nhóm ngân hàng và bất động sản.
Các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn giá rẻ đang trở nên đắt giá hơn khi giá đất tăng và chi phí để tìm kiếm quỹ đất mới đang trở nên đắt đỏ hơn thông qua đấu giá hay mua bán sáp nhập. Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu bất động sản tăng giá cao hơn mức tăng của chỉ số Vn-index.
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều định hướng cho các thành viên. Nhiều mục tiêu lớn được giao cho nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.
Nhờ đó, trong phiên giao dịch đầu tháng cô hồn, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm này đã giúp các chỉ số bật tăng mạnh mẽ, bất chấp thị trường khu vực đang chao đảo và tâm lý tháng cô hồn dường như được thổi bay.
Cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm có sức hấp dẫn nhất trong phiên đầu tháng cô hồn với các mã đều có thanh khoản một vài triệu đơn vị. Trong đó, MBB dẫn đầu toàn sàn với 12,96 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Ngoài ra, CTG và STB cũng là những mã có khối lượng khớp trên 10 triệu đơn vị, nằm trong top 5 mã thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE. Ngoài ra, ACB, BID, MBB, SHB, VPB… đều đồng loạt tăng giá và tạo lực đỡ kéo các chỉ số thị trường lên trên mốc tham chiếu.
Nhà đầu tư nước ngoài trong phiên đầu tiên của tháng cô hồn cũng đã tham gia mua ròng ở mức độ nhẹ. Mức mua ròng trên 2 sàn cổ phiếu là 68,2 tỷ đồng. Cụ thể, sàn Hnx mua 40,8 tỷ đồng, bán 6,1 tỷ đồng; sàn Hsx được giải ngân tăng 34% so với phiên trước, đạt 724,9 tỷ đồng. Giá trị bán tăng nhẹ 15%, đạt 691,3 tỷ đồng..
Giới phân tích thị trường chứng khoán nhìn nhận, thị trường đang tăng trưởng khá bền vững trong tháng “cô hồn” dựa trên nền tảng thông tin vĩ mô trong nước ổn định và báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp lớn niêm yết trên 2 sàn đều khá tốt.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm nhưng bền vững. Xu hướng vẫn là vượt 1.000 điểm trong 2 - 3 tháng tới. Dòng cổ phiếu ngân hàng và bất động sản sẽ là dòng cổ phiếu tiếp tục dẫn sóng không chỉ riêng trong tháng "cô hồn" mà sẽ lan sang cả quý III/2018.