Nhất quán trong tạo môi trường cho doanh nghiệp
Chiều 14/3, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Bảo đảm tính nhất quán trong tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trong các cuộc làm việc gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương về việc cần tránh tình trạng chính sách “sớm nắng chiều mưa”, làm nản lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung được đặt ra, thảo luận tại cuộc tọa đàm.
Thực tế cho thấy, trong khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, thì vẫn còn không ít những chính sách được đánh giá là không phù hợp, thậm chí đi ngược lại tinh thần chung.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, từ ngày 1/7/2016 - thời điểm đánh dấu một cuộc cải cách trong việc cải thiện môi trường kinh doanh được làm một cách đồng loạt, có tham vấn bên ngoài, có sự trao đổi với các doanh nghiệp và hàng nghìn điều kiện kinh doanh được loại bỏ.
Hàng loạt vướng mắc lâu nay trong kinh doanh gas, xuất khẩu gạo, dán nhãn năng lượng… đã có sự thay đổi. Sự cải thiện này đã tạo nên sự thay đổi của cả hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về tư duy. Qua đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu có niềm tin và phản ánh các vướng mắc đối với cơ quan nhà nước.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần thay đổi cả bộ máy quản lý nhà nước như yêu cầu của Thủ tướng, đó là xây dựng một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, lấy sự hài lòng người dân và doanh nghiệp làm thước đo; tất cả mọi công chức khi giải quyết công việc đều cần nhìn tới lợi ích quốc gia thì mọi việc khó khăn, vướng mắc đều có thể giải quyết.
Các doanh nghiệp dự Tọa đàm cho rằng, những thay đổi, cải cách gần đây về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho các doanh nghiệp so với trước đây. Môi trường đầu tư thông thoáng, tạo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Để có thể tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư lớn, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, thì các chính sách của Nhà nước phải bảo đảm được tính nhất quán. Nếu không làm được điều này thì không thể thu hút được các nhà đầu tư lớn và dài hạn nước ngoài đến Việt Nam.