Nhiều cơ hội để doanh nghiệp Thuỵ Sỹ đầu tư vào Việt Nam

PV. (T/h)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Thụy Sỹ, ngày 14/7/2022, Đoàn công tác của Bộ Tài chính Việt Nam do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn đầu đã có cuộc đối thoại với đông đảo các nhà đầu tư Thụy Sỹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai đồng chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sỹ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sỹ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giới thiệu những thành tựu kinh tế của Việt Nam, một số thông tin về thị trường chứng khoán Việt Nam và Kế hoạch hành động ngành Tài chính nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Theo Bộ trưởng, trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, tình hình kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động lớn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở cửa trong trạng thái bình thường mới giúp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đưa các ngành, lĩnh vực chủ yếu tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.

Nhờ những yếu tố vĩ mô tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã thu hút được sự chú ý lớn của các nhà đầu tư trong hai năm trở lại đây. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia rất tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính chung từ đầu năm đến giữa tháng 6/2022, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 141,2 tỷ USD cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán ròng 113,5 tỷ USD trái phiếu.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng "Ổn định" và Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Trong những năm qua, ngành Tài chính Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy tài chính xanh, tài chính bền vững và đầu tư có trách nhiệm trên thị trường vốn Việt Nam. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán đưa ra các yêu cầu, quy định về công bố thông tin về bền vững, trách nhiệm xã hội, môi trường của doanh nghiệp niêm yết; xây dựng chỉ số chứng khoán bền vững, hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh...

Quang cảnh hội nghị đối thoại.
Quang cảnh hội nghị đối thoại.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế mở, do đó dễ tổn thương khi có tác động từ bên ngoài. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ chính sách và chiến lược đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt được kết quả tốt và Việt Nam đã vượt qua đại dịch COVID-19 để thiết lập lại thị trường cho các hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư Thụy Sỹ thực hiện các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Thụy Sỹ nói riêng.

Bộ trưởng thông tin thêm, Việt Nam đang thực hiện lộ trình cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp theo cam kết của các FTA đã tham gia. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy hợp tác đa phương như ASEAN, ASEM, APEC để tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư. Với mục đích hướng đến tài chính xanh, bền vững và đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư và thương mại, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư có ý định hợp tác với Việt Nam mạnh dạn xem xét thực hiện các dự án đầu tư để mang lại lợi ích, giá trị hai chiều cho cả doanh nghiệp đầu tư và Việt Nam.

Thay mặt Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cho biết, phái đoàn của Việt Nam rất hân hạnh phối hợp với Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức đối thoại quan trọng với chủ đề "Đầu tư vào Việt Nam - cơ hội cho các nhà đầu tư Thụy Sỹ”.

Đại sứ khẳng định, tham gia 15 FTA và có hơn 500 hiệp định song phương, đa phương ở nhiều lĩnh vực, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn với nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư quốc tế cả về đầu tư gián tiếp trên thị trường vốn và đầu tư trực tiếp.

Theo Đại sứ, với những cam kết nhất quán, cụ thể tại COP26 về giảm phát thải xuống 0% vào năm 2050 và nỗ lực xây dựng chuyển đổi số, hướng đến tài chính xanh, bền vững, toàn diện và một nền kinh tế vị con người, Việt Nam là một minh chứng rõ rệt cho phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và tài chính xanh. Những lợi thế đó, Việt Nam chào đón và kỳ vọng nhiều hơn nữa sự đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực xanh.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp, nhà đầu tư Thuỵ Sỹ liên quan đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, định hướng phát triển thị trường tài chính xanh, bền vững... Các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thuỵ Sỹ đã tham khảo các chính sách mở và ưu đãi của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư xanh và cùng cho rằng tiềm năng phát triển thị trường vốn của Việt Nam còn rất lớn.