Dự thảo Luật lao động:

Nhiều điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động

PV.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mức lương tối thiểu; tăng thời giờ làm thêm; tuổi nghỉ hưu...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động 

Hiện nay, về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động (NLĐ), Điều 37 Bộ luật Lao động hiện hành quy định quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) của NLĐ phải gồm 2 điều kiện:

Thứ nhất là phải có lý do được quy định bởi luật; Và thứ hai là, phải tuân thủ thời hạn báo trước. Riêng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chỉ cần báo trước 45 ngày mà không cần lý do. Điều này đang thể hiện rõ bất cập, tước đi cơ hội có việc làm tốt hơn đối với Người lao động. Cho nên Dự thảo lần này đưa ra phương án Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu “lý do".

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, có ý kiến đề xuất bỏ lý do, chỉ cần yêu cầu về thời hạn báo trước. Các ý kiến này cho rằng bãi bỏ quy định này để đảm bảo quyền được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cưỡng bức lao động: bất cứ khi nào mà người lao động cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn ở doanh nghiệp khác thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có lý do, chỉ cần báo trước.

Đồng thời, quy định báo trước một thời hạn nhất định để doanh nghiệp biết, chủ động trong việc tìm kiếm lao động thay thế. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất giữ như quy định hiện hành (có lý do và thời hạn báo trước). Do vậy, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án để xin ý kiến.

Qua thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp hiện nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp đồng ý rằng khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ có thể không cần nêu lý do nhưng cần thiết phải báo trước trong một khoảng thời gian nhất định, bởi theo thói quen, một khi NLĐ chấm dứt HĐLĐ là họ nghỉ luôn, dù rằng lúc đó họ vẫn đang giữ tài sản của công ty.

Vì vậy, cần có phương án để doanh nghiệp giữ được chân NLĐ, đến khi bàn giao xong công việc cho người mới, nếu không sẽ khó các công ty sử dụng lao động.

NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng NLĐ và người sử dụng lao động đều phải có trách nhiệm không được gây tổn hại cho bên kia. "NLĐ phải thông báo trước, ví dụ trường hợp HĐLĐ có thời hạn thì phải báo trước 15 ngày, còn trường hợp HĐLĐ vô thời hạn thì phải báo trước 30 ngày”, ông Bang Hyun Woo đề xuất.

Đồng tình với phương án mà Ban soạn thảo đưa ra là không cần nêu lý do, các chuyên gia thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng Việt Nam phải tuân thủ và tôn trọng các công ước về chống lao động cưỡng bức. “Ép NLĐ đưa ra lý do là trái nguyên tắc, vi phạm quyền tự do của NLĐ, còn nếu ép họ ở lại làm việc thì sẽ là lao động cưỡng bức, nhưng sẽ hợp lý hơn rất nhiều nếu yêu cầu NLĐ phải báo trước, tránh tổn hại cho bên kia”, ông Alam Pelec, chuyên gia cao cấp về pháp luật lao động và tiêu chuẩn lao động quốc tế, Tổ chức Lao động Quốc tế nêu quan điểm.

Về tuổi nghỉ hưu

Hiện nay, Điều 187 Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn đã từng được đặt ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua: Luật Bình đẳng giới năm 2007, Bộ luật Lao động năm 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Ban soạn thảo, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì những lý do sau:

Thứ nhất,  tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp;

Thứ hai, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt;

Thứ ba, nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn;

Thứ tư, bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO...;

Thứ năm, tận dụng được nguồn nhân lực động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm;

Thứ sáu, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên Ban dự thảo sửa đổi Luật hiện đang đưa ra hai phương án để xin ý kiến, đó là: Phương án 1: giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động của đơn vị.

Trong năm 2017, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017.