Nhiều doanh nghiệp lựa chọn cải tiến chất lượng sản phẩm để cải thiện kết quả kinh doanh


Trong những năm qua, chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712) với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ qua đó tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu và thời gian.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo số liệu điều tra về trình độ công nghệ thực hiện năm 2017, bên cạnh việc cải tiến quy trình sản xuất, sản xuất sản phẩm mới thì cải tiến chất lượng sản phẩm là phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để cải thiện kết quả kinh doanh do không phải đầu tư nhiều nguồn lực. 

Theo nhiều chuyên gia về năng suất, để giúp các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến cải tiến năng suất thì việc nâng cao nhận thức đóng vai trò quan trọng. Trong đó, cải tiến chất lượng sản phẩm là nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Một doanh nghiệp sản xuất muốn tồn tại và phát triển được cần phải xây dựng cho mình một kế hoạch đổi mới công nghệ. Tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu …

Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp được đánh giá bởi nhiều chỉ tiêu khác nhau như năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn cố định, vốn lưu động... Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực sản xuất như trình độ người lao động, trình dộ quản lý và đặc biệt là khả năng áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất .

Nâng cao năng lực sản xuất trong các doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao năng lực công nghệ, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới vào trong sản xuất, từ đó tăng khả năng đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp. Nhờ vậy, sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Trong thời gian tới, chương trình Hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục là mục tiêu được các bộ, ngành quản lý tập trung triển khai.

Theo đó, việc đưa năng suất chất lượng vào hệ thống giáo dục các trường đại học, cao đẳng được xem như tạo bước đệm về nhận thức cho những lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này để giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế cạnh tranh tại khu vực.