Nhiều đổi mới về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương
(Taichinh) - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 100/2015/TT-BTC hướng dẫn về phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) tại thị trường trong nước. Những hướng dẫn tại Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 81/2012/TT-BTC ngày 22/5/2012 của Bộ Tài chính và có hiệu lực từ ngày 10/8/2015.
So với Thông tư số 81, Thông tư mới của Bộ Tài chính quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng gồm UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến phát hành TPCQĐP tại thị trường trong nước.
Thông tư cũng hướng dẫn chi tiết từ khâu phê duyệt đề án đến tổ chức phát hành, thanh toán lãi, gốc và chế độ báo cáo của việc phát hành TPCQĐP.
Phát hành TPCQĐP theo 3 phương thức
Cụ thể, trong khâu phát hành, Bộ Tài chính quy định: chậm nhất 5 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức đấu thầu trái phiếu hoặc chậm nhất 10 ngày làm việc trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu theo phương thức bảo lãnh, đại lý phát hành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố những thông tin cơ bản về đợt phát hành TPCQĐP trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, hoặc của Sở Tài chính hoặc của tổ chức được ủy quyền thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu hoặc của Sở Giao dịch Chứng khoán nơi tổ chức đấu thầu.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu chậm nhất 15 ngày làm việc trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, UBND cấp tỉnh gửi văn bản thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu để Bộ Tài chính thông báo khung lãi suất phát hành TPCQĐP.
Căn cứ vào khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định và tình hình thị trường tại thời điểm phát hành, UBND cấp tỉnh quyết định lãi suất phát hành trái phiếu.
TPCQĐP được phát hành theo 3 phương thức là đấu thầu; bảo lãnh phát hành và đại lý phát hành.
TPCQĐP được đăng ký, lưu ký tập trung, thanh toán bù trừ tại Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam và được niêm yết, giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán theo yêu cầu của chủ thể phát hành.
Có thể mua lại và hoán đổi TPCQĐP
Đây là một nội dung mới nữa của Thông tư này. Theo đó, UBND cấp tỉnh có thể mua lại trái phiếu trước hạn để giảm nghĩa vụ nợ hoặc để cơ cấu lại nợ theo phương án được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt và chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc mua lại TPCQĐP và báo cáo Bộ Tài chính về kết quả mua lại.
Đồng thời, UBND cấp tỉnh có thể hoán đổi trái phiếu nhưng phải được thực hiện theo phương án mà Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt và được Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo nguyên tắc: ngang giá trị theo giá thị trường, công khai và minh bạch trong hoán đổi; sau khi hoán đổi trái phiếu tổng dư nợ huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh không vượt quá hạn mức huy động vốn theo quy định tại Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn; trái phiếu hoán đổi là trái phiếu có kỳ hạn còn lại từ 1 năm trở lên và được lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu, chế độ kế toán, phí phát hành và phái thanh toán trái phiếu. Theo đó, chủ thể phát hành có trách nhiệm thanh toán lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn bằng các nguồn vốn hợp pháp của mình.
Đối với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh, nguồn thanh toán lãi, gốc trái phiếu được đảm bảo từ ngân sách cấp tỉnh. Đối với các chương trình, dự án đầu tư có khả năng hoàn vốn tại địa phương, nguồn thanh toán lãi, gốc trái phiếu sẽ từ nguồn thu hợp pháp của các chương trình, dự án này.
Trường hợp nguồn thu của dự án không đủ khả năng thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí nguồn từ ngân sách cấp tỉnh để chi trả./.