Nhóm cổ phiếu bất động sản điều chỉnh, ngắt mạch tăng của VN-Index
Nhóm cổ phiếu lớn, chủ yếu là cổ phiếu bất động sản, điều chỉnh khiến cả thị trường giảm nhẹ, cắt đà tăng kéo dài 10 phiên của VN-Index, dù mức giảm chưa đến một điểm.
Đà tăng của VN-Index chỉ đủ kéo dài trong khoảng 30 phút mở cửa sáng nay, sau đó rơi vào trạng thái rung lắc do bên bán áp đảo bên mua. Áp lực bán ra chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn. Trong phiên sáng, rổ VN30 bị màu đỏ bao phủ tới 70%, với 20 mã giảm và chỉ có 9 mã tăng.
Về cuối phiên chiều, thị trường cũng đã có lúc nỗ lực tăng điểm, gắng vượt lên khỏi mức tham chiếu nhờ khối lượng mua khớp lệnh gia tăng nhưng vẫn không thắng nổi bên bán ở một số cổ phiếu bất động sản.
Dòng tiền ở phiên chiều có cải thiện đáng kể, với hơn 10.600 tỷ đồng được rót thêm, chủ yếu đổ vào các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ, nâng thanh khoản khớp lệnh hôm nay lên 15.428,29 tỷ đồng.
Mặc dù số cổ phiếu tăng giá nhiều gần gấp đôi số giảm giá trên cả 3 sàn, VN-Index vẫn giảm 0,83 điểm, đóng cửa ở 1.078,45 điểm, tương ứng giảm 0,08%. Mức giảm này không đáng kể nhưng vẫn đủ làm đứt mạch tăng liên tiếp 10 phiên của thị trường, cho thấy tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư đã có phần hạ nhiệt sau một đêm.
Nhóm ngành gây thất vọng nhất hôm nay là Bất động sản, giảm tới 1,67%, là một trong những nguyên nhân chính hãm đà tăng của VN-Index. Cả ba cổ phiếu nhà Vin là VHM, VIC và VRE có tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi kéo giảm gần 3 điểm của VN-Index. Trong đó, VHM giảm tới 3%, VIC giảm 2,1%. Mặc dù VIC được khối ngoại mua ròng hơn 36 tỷ vẫn giảm mạnh vì lực bán của nhà đầu tư nội quá lớn.
Nhóm Ngân hàng cũng đánh mất đà tăng khi giảm 0,19% với 10/27 mã giảm. Một số cổ phiếu sang phiên chiều đã hồi lại, nhanh chóng chuyển đỏ thành xanh như BID (+0,2%), BVH (+0,4%), STB (+0,6%), MBB (+0,3%). Một số mã tăng mạnh như PGB (+7,1%), NVB (+1,3%), SGB (+1,4%) nhưng lại nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ hơn nên không đủ sức kéo cả ngành.
Cổ phiếu nhóm ngành Chế biến thuỷ sản, nông lâm ngư hôm nay tăng ấn tượng với mức tăng lần lượt 2,54% và 2,16%. Riêng ngành Chế biến thuỷ sản không có cổ phiếu nào giảm giá. Một số tăng khá như ANV tăng 4,79%, CMX tăng 2,25%, IDI tăng 3,02%...
Ngoài ra, các cổ phiếu mid cap khác thuộc nhóm ngành bán buôn - bán lẻ, nhựa hoá chất, xây dựng, kho bãi, thực phẩm đồ uống... cũng có tín hiệu tăng tốt, dù mức tăng dưới 1%.
Nhóm ngành tăng ấn tượng nhất vẫn là chứng khoán (+2,56%). Không cổ phiếu ngành Chứng khoán nào giảm giá. Nhiều mã còn tăng trần như BMS (+14,3%), BSI (+6,88%), ORS (+6,7%), PSI (+8,6%). Như vậy, theo xu hướng dòng tiền chung, các cổ phiếu công ty chứng khoán nhỏ tăng tốt hơn các công ty có thị phần và vốn chủ sở hữu lớn hơn.
Thực tế, chỉ số nằm dưới mức tham chiếu nhưng vẫn chỉ dao động trong xu hướng đi ngang. Những nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường sau chuỗi tăng kép là điều bình thường, nhất là khi lượng cổ phiếu bị mắc kẹt ở mức đỉnh hồi tháng 2 còn khá lớn.
Hơn nữa, độ rộng thị trường tốt cho thấy trạng thái giao dịch vẫn ổn định. Do vậy, những nhịp điều chỉnh như thế này là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tích sản cổ phiếu giá trị.