Những tác động của liệu pháp kích cầu

Ts NGUYỄN MINH PHONG (Theo NĐBND)

Gói kích cầu có hiệu ứng tâm lý tích cực, như chiếc phao cứu sinh làm gia tăng tức thời lòng tin của các doanh nghiệp, ngân hàng và nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đối với trách nhiệm và quyền năng của Nhà nước trong việc giải cứu các doanh nghiệp đang gặp khó khăn và triển vọng thị trường, môi trường đầu tư trong nước.

Gói kích cầu đã trực tiếp giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất rẻ hơn, từ đó giúp giảm bớt chi phí kinh doanh, góp phần giảm giá, tăng cạnh tranh và tăng tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ trên thị trường. Nhờ triển khai các gói kích cầu mà các ngân hàng có thể cải thiện hoạt động huy động và cho vay tín dụng theo hướng: một mặt, ngân hàng không phải hạ thấp lãi suất huy động dễ gây giảm và biến động mạnh nguồn tiền gửi và huy động; Mặt khác, cho phép ngân hàng mở rộng đầu ra vì không bị buộc phải nâng lãi suất cho vay (điều này rất dễ thu hẹp cầu tín dụng trên thị trường).

Sự ổn định và hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng trong khi gia tăng dòng tiền bơm vào thị trường là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng các hoạt động đầu tư xã hội, mà cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ là bài học đắt giá.

Những hỗ trợ từ gói kích cầu cũng trực tiếp góp phần gia tăng các hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội; Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng và động lực của sự phát triển xã hội cả trong ngắn hạn và dài hạn; Doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội giữ vững và mở rộng sản xuất, từ đó góp phần giảm bớt áp lực thất nghiệp và đảm bảo  ổn định xã hội.

Cũng trong khuôn khổ triển khai thực hiện các chính sách kích cầu, nếu các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại quốc gia được thực hiện hiệu quả sẽ có tác động tích cực, làm tăng dòng vốn đầu tư, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, sự lạm dụng và sử dụng không hiệu quả các gói kích cầu có thể sẽ để lại những di hại nhất định. Trước tiên sẽ là gây thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay, gia tăng gánh nặng nợ nần và tình trạng đầu cơ... do các dự án vay đầu tư được lập ra có chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng  mục đích quy định; Gia tăng các hiện tượng tham nhũng, thậm chí có thể xuất hiện nhiều loại tội phạm mới do sự “bắt tay” giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp trong việc lập dự án vay ảo để chiếm đoạt vốn hỗ trợ; Hoặc do chính các ngân hàng nhũng nhiễu doanh nghiệp trong quá trình thẩm định cho vay vốn, nhằm “ăn chia” phần vốn hỗ trợ.

Điều này không chỉ gây tổn hại lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế do việc cho vay theo gói kích cầu thiên về quy mô và thành tích. Một khi các chính sách hỗ trợ bị biến thái, thiên về quy mô và thành tích lập tức sẽ kéo theo một cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản phẩm và thị trường lạc hậu, kém hiệu quả, làm gia tăng hoặc kéo dài tình trạng bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế và các địa phương.

Do đó hơn bao giờ hết, minh bạch và bình đẳng trong triển khai các gói kích cầu luôn là những nguyên tắc bất di bất dịch. Cuối cùng, về trung hạn, các gói kích cầu sẽ tạo áp lực tái lạm phát cao trong tương lai nếu kéo dài quá lâu liệu pháp kích cầu và sử dụng không hiệu quả các gói kích cầu, vì chúng làm gia tăng tích tụ sự mất cân đối về hàng – tiền và vi phạm nghiêm trọng quy luật lưu thông tiền tệ.

Để giảm thiểu các tác động trái chiều của gói kích cầu, ngoài những nguyên tắc căn bản trong quá trình xây dựng và triển khai để bảo đảm đúng mục tiêu vực dậy nền kinh tế, kích cầu nên ưu tiên vốn cho các dự án có tính thúc đẩy phát triển liên ngành cao, hoặc tạo thị trường tiêu thụ tiềm năng...

Theo đó, trước mắt, cần đặc biệt khuyến khích các dự án phát triển nhà ở xã hội, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, các dự án phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp phụ trợ; Thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, kể cả bằng nguồn vốn trong gói kích cầu nhằm khơi thông thị trường vốn và thị trường mới cho các doanh nghiệp; Phát triển, hiện đại hóa và tự do hóa hơn nữa thị trường vốn và tiếp tục quá trình cổ phần hoá và nới rộng hơn các tỷ lệ sở hữu tư nhân và nước ngoài trong các doanh nghiệp Nhà nước để có thể cung cấp những mặt hàng tốt cho thị trường chứng khoán. Cần nhấn mạnh rằng, về trung hạn và dài hạn cần tăng cường sử dụng các công cụ chứng khoán hóa nợ thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước và các công ty mua bán nợ Nhà nước để thực hiện các trợ giúp từ gói kích cầu của Chính phủ.

Nói cách khác, cần giảm dần việc hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp như hiện nay để chuyển sang hỗ trợ thông qua Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, các công ty kinh doanh nợ. Cách thức này cho phép hướng sự hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với các nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế hơn, đồng thời cũng góp phần phát triển thị trường tài chính trong nước…

 

Liệu pháp kích cầu - về bản chất là việc chủ động sử dụng “bàn tay” Nhà nước tác động tích cực tới tổng cung và tổng cầu xã hội một cách thống nhất, có tổ chức và có chủ đích, theo hướng khuyến khích đầu tư và mở rộng quy mô tiêu dùng, kích hoạt và tăng động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh đặc thù có sự suy giảm lòng tin và các động lực phát triển kinh tế gắn với các khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân...

Đặc trưng của những công cụ được dùng chủ yếu trong liệu pháp kích cầu ở các nền kinh tế thị trường thường là áp dụng chính sách nới lỏng ở các mức độ khác nhau cả chính sách tài chính, lẫn tiền tệ và tín dụng, như miễn, giảm, hoàn thuế, tăng lương, tăng phát hành tiền và trái phiếu nợ Chính phủ; Gia tăng quy mô và phạm vi các hoạt động chi tiêu công và đầu tư Nhà nước; Khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều kiện tín dụng, giảm lãi suất và tăng quy mô dư nợ tín dụng ngân hàng cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng; Gia tăng mức độ tự do hoá trong kinh doanh, giảm bớt và thu hẹåp lĩnh vực độc quyền Nhà nước, mở rộng room tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân trong các doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước; Khuyến khích các hoạt động mua lại, sáp nhập và tái cấu trúc cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô...; Giảm bớt  rào cản thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh và tiêu dùng; Khuyến khích giảm giá, đồng thời có thể có sự gia tăng các hình thức bảo bộ phi thuế quan đi đôi với  kiểm soát an toàn vĩ mô đối với thị trường nội địa...