Nỗ lực nâng cao năng suất chất lượng quốc gia
Ngày 12/12, Viện Năng suất Việt Nam đã đã tổ chức Hội thảo “Các nỗ lực nâng cao năng suất và vai trò của tổ chức năng suất quốc gia – Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”.
5 lý do cấp bách tạo đột phá tăng năng suất
Chia sẻ về kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam cho biết, một trong những nội dung của Quyết định số 36/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 là nâng cao năng lực của Tổ chức năng suất quốc gia Việt Nam.
Hiện nay, Viện Năng suất Việt Nam và các đơn vị đầu mối của Việt Nam tham gia chương trình đổi mới năng suất châu Á. Ngoài ra, Nghị quyết Trung ương ở Đại hội Đảng XIII với mục tiêu rất lớn là năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm và giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1-1,5%/năm.
Tại hội thảo các chuyên gia cho rằng, có 5 lý do cấp bách phải tạo bước đột phá trong tăng năng suất, gồm:
Thứ nhất, năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp so với mức bình quân của khu vực và thế giới, năng suất lao động thấp là vì ở các ngành có nhiều lao động có năng suất lao động thấp.
Thứ hai, nhịp độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong 30 năm qua khá cao nhưng còn thấp so với tiềm năng và các nền kinh tế xuất sắc.
Thứ ba, dân số già, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sắp hết và Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước có dân số già sau 3 thập kỷ tới.
Thứ tư, hiệu quả khai thác nguồn lực và cơ hội còn thấp ở ngành công nghiệp chế tạo.
Thứ năm, mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 là rất cao, chỉ có thể thực hiện nếu có bước tiến vượt bậc trong nỗ lực nâng cao năng suất lao động trong các năm tới.
Ngoài ra, một trong những lý do cản trở tăng năng suất ở Việt Nam là do thiếu một chiến lược hiệu lực để thúc đẩy tăng năng suất. Việt Nam thiếu một thiết chế có đủ quyền hạn và nguồn lực để chịu trách nhiệm thúc đẩy tăng năng suất và khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại một số nước, ông Kabir ông Kabir Ahmad Mohd Jamil – Chuyên gia của Tổ chức năng suất châu Á cho rằng, năng suất phải được giải quyết một cách tổng thể và song song - ở cấp quốc gia, ngành và doanh nghiệp, đảm bảo một sự thay đổi mang tính hệ thống trong toàn bộ nền kinh tế, đó là sự khác biệt so với những nỗ lực rời rạc trước đây nhằm nâng cao năng suất.
Tại Malaysia phải thúc đẩy tăng trưởng năng suất theo cách đạt hiệu quả cao hơn từ nguồn lực, đổi mới cũng như từ những thực hành tốt hơn như vận hành hoàn hảo. Ông Kabir cũng đưa ra 5 thách thức năng suất của Malaysia đó là nhân lực, công nghệ, cơ chế khuyến khích, môi trường kinh doanh và tư duy năng suất.
Lực kéo cho năng suất chính là thị trường
Theo ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, năng suất là câu chuyện rất hấp dẫn nhưng ngược lại cũng là câu chuyện rất khó. Nếu không nhìn nhận năng suất một cách khách quan với lực kéo là thị trường thì sẽ rất khó làm năng suất. Hiện, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục làm việc với các bộ ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thúc đẩy hoạt động đào tạo năng suất trong các trường đại học. Vì vậy, theo ông Hiệp, cần nhìn nhận vấn đề năng suất không chỉ trên góc độ công cụ nâng cao năng suất, hoặc các giải pháp quản lý. Bởi các góc nhìn như vậy. sẽ không kịp thời vì các giải pháp, hệ thống quản lý luôn luôn đi cùng với hiện trạng của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường.
“Chúng tôi mong muốn nhìn nhận góc độ thúc đẩy năng suất dựa trên các vấn đề về thể chế, làm sao có cách thức để rà soát, đánh giá thể chế, cởi trói, tạo không gian, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước có thể thúc đẩy nâng cao năng suất”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Arsyoni Buana - đại diện Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) chia sẻ, APO mong muốn là một trong những đối tác chính sách của Chính phủ các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam để có thể tăng cường hơn nữa về năng suất. Ngoài năng suất còn liên quan đến lao động và các yếu tố khác như chất lượng, phát triển năng lực…
Theo ông Arsyoni Buana, đó cũng chính là lý do vì sao APO triển khai tất cả những hoạt động này bởi đến năm 2025, APO muốn giúp các quốc gia thành viên đạt được tiến độ về mặt kinh tế, xã hội và xem đó là trụ cột để tiến hành phát triển kinh tế. APO kỳ vọng có cơ hội thúc đẩy năng suất của Việt Nam và đưa ra những viễn cảnh, tầm nhìn cho Việt Nam đến năm 2025.