Nỗ lực vì quyền lợi của người gửi tiền


Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức bảo hiểm tiền gửi duy nhất tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Từ nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9/2022, tổng tài sản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt hơn 92.000 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 86.000 tỷ đồng. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã xây dựng mạng lưới bảo hiểm tiền gửi với trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh tại các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước nhằm theo sát bước phát triển của các tổ chức tín dụng.

Ở đâu có người gửi tiền, ở đó có bảo hiểm tiền gửi

Hiện Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô. Trong suốt 23 năm qua, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh là tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Là một trong những cơ quan bảo vệ người gửi tiền, với cơ chế bảo hiểm tiền gửi bắt buộc hiện nay, người gửi tiền thuộc đối tượng bảo hiểm sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách bảo hiểm tiền gửi thông qua việc chi trả tiền bảo hiểm (mức chi trả tối đa theo quy định của pháp luật) khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhận tiền gửi bị đóng cửa và mất khả năng thanh toán.

Ngay khi mới ra đời những năm 2000 - 2002, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm tại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị chấm dứt hoạt động, do đó đã củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng một cách rõ rệt. Gần 1.800 người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được nhận lại số tiền chắt chiu dành dụm, nhờ đó đã không xảy ra hiện tượng người gửi tiền rút tiền ồ ạt tại các tổ chức huy động tiền gửi khác do ảnh hưởng của các quỹ tín dụng nhân dân bị đóng cửa, bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Điều đó thể hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi thời gian qua ở Việt Nam đã đảm bảo được quyền lợi của đa số người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền có thu nhập thấp.

Người gửi tiền được bảo vệ một cách tích cực nhưng không thụ động, thể hiện ở việc không chỉ trả toàn bộ tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm mà khống chế ở mức tối đa, tức là hoạt động bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ người gửi tiền, nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ chế để thúc đẩy người gửi tiền có ý thức tự bảo vệ chính mình. Với mức chi trả bảo hiểm nhất định (tối đa) đòi hỏi người gửi tiền phải quan tâm nhiều hơn đến tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng để lựa chọn gửi tiền ở tổ chức tín dụng có mức rủi ro thấp khi cân đối với mức lãi suất xác định được.

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là công cụ hỗ trợ cho đổi mới, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là công cụ hỗ trợ cho đổi mới, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng

Vai trò bảo vệ người gửi tiền tích cực còn được thực hiện qua các hoạt động phòng chống rủi ro của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đó là các cảnh báo từ kết quả giám sát, kiểm tra hay hỗ trợ tài chính phục hồi hoạt động của các tổ chức tín dụng có vấn đề.

Một sứ mệnh không thể không nhắc đến của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là bảo đảm sự an toàn và phát triển bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm góp phần bảo vệ toàn diện người gửi tiền. Theo đó, vai trò của hoạt động bảo hiểm tiền gửi đối với sự phát triển của hệ thống các tổ chức tín dụng của mỗi quốc gia được thể hiện trên nhiều góc độ. Tuy nhiên, trên bình diện chung nhất, có thể tóm tắt trên 3 mặt, đó là: Hoạt động bảo hiểm tiền gửi góp phần củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển; thúc đẩy huy động tiết kiệm phục vụ đầu tư phát triển bền vững.

Có thể nói, từ khi đi vào hoạt động đến nay, cùng với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng đã thực hiện được vai trò quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Cụ thể:

Một là, hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần củng cố và tăng cường uy tín của các tổ chức tín dụng.

Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về giám sát và kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sử dụng có hiệu quả 2 phương pháp chính để giám sát các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, đó là giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ.

Hoạt động giám sát từ xa là cơ sở để tiến hành hoạt động kiểm tra tại chỗ, thông qua việc chỉ ra các đơn vị có sai phạm hoặc hoạt động yếu kém, cần phải kiểm tra. Hoạt động kiểm tra tại chỗ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có một vị trí quan trọng trong chương trình giám sát tổ chức nhận tiền gửi được bảo hiểm. Kiểm tra tại Giám sát từ xa và kiểm tra tại chỗ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã trở thành một kênh thông tin, đánh giá quan trọng, cùng với công tác thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, đưa ra những nhận định khách quan về thực trạng hoạt động và tính tuân thủ pháp luật của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, nhất là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Những phân tích, đánh giá của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua kiểm tra, giám sát đã giúp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhìn nhận đúng những sai lệch trong hoạt động, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và chỉ tiêu an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và tính ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng đạt được một phần là nhờ vào tác động của hoạt động kiểm tra, giám sát.

Việc xử lý đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi từ kiểm tra, giám sát và có cảnh báo đến chi trả tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm đã góp phần giúp cho các tổ chức tín dụng hoạt động yếu kém có thể phục hồi hoạt động hoặc rút khỏi lĩnh vực kinh doanh một cách có trật tự, không làm ảnh hưởng dây chuyền tới các tổ chức tín dụng khác cũng như tâm lý người gửi tiền, góp phần củng cố niềm tin của khách hàng đối với các tổ chức tín dụng, uốn nắn, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và ngân hàng thương mại cổ phần, làm cho hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động ổn định và hiệu quả.

Hai là, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần củng cố tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, là công cụ hỗ trợ cho đổi mới, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng cường kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Với phương châm hoạt động là lấy nguồn thu từ số đông để xử lý rủi ro cho số ít, thời gian qua, hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng có quy mô hoạt động hạn chế và không thể có giải pháp tháo gỡ để có thể tiếp tục duy trì hoạt động, đã được chấm dứt hoạt động một cách kịp thời và không gây ảnh hưởng tới các tổ chức tín dụng khác. Hoạt động đó của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam đang được tích cực triển khai.

Đặc biệt, với nguồn vốn ngân sách nhà nước – thực chất là tiền thuế của dân - còn hạn chế, việc các tổ chức tín dụng đóng góp vào quỹ bảo hiểm tiền gửi để giải quyết các khó khăn của các tổ chức tín dụng không thể tiếp tục hoạt động là một giải pháp hữu hiệu, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay. tổ chức tín dụng có khó khăn phải chấm dứt hoạt động sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giải quyết chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm một cách nhanh gọn. Cơ chế chi trả bảo hiểm đơn giản và kịp thời Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chấm dứt hoạt động nếu cần thiết mà không gây ảnh hưởng bất lợi đến các tổ chức tín dụng khác và người gửi tiền.

Có thể nói, thời gian hoạt động tuy chưa nhiều, nhưng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí là một tổ chức tài chính thực hiện chính sách công của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi và đảm bảo an sinh đối vói người gửi tiền. Ở đâu có người gửi tiền, ở đó có chính sách bảo hiểm tiền gửi và sự hiện diện của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Phát huy sức trẻ của tổ chức tài chính tuổi 23

Chính sách bảo hiểm tiền gửi đã phát huy tác dụng tích cực, bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, đảm bảo môi trường lành mạnh cho hoạt động của các tổ chức tín dụng, huy động nội lực cho phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt hơn nữa quyền lợi của người gửi tiền trong tình hình mới cũng như để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện tốt những nhiệm vụ ngày càng nâng cao theo định hướng của Chính phủ đang đặt ra những vấn đề cần được nghiên cứu để chính sách bảo hiểm tiền gửi ngày càng hoàn thiện hơn – giống như chiếc áo đã chật so với người mang nó. Cụ thể:

Cần nhanh chóng thực hiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi trong mối tương quan với Chiến lược và định hướng phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng. Hiện nay, các ngành tài chính và ngân hàng đều đã có định hướng và chiến lược phát triển dài hạn. Để thực hiện được vai trò là công cụ đảm bảo an toàn cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính ngân hàng quốc gia thì yêu cầu cấp bách là phải đưa vào thực hiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đồng bộ với định hướng, chiến lược phát triển của hai ngành chủ yếu là Tài chính và Ngân hàng. Vì vậy, việc ban hành và triển khai Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ sở để tăng cường hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong tương lai, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam.

Hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần củng cố và tăng cường uy tín của các tổ chức tín dụng.
Hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam góp phần củng cố và tăng cường uy tín của các tổ chức tín dụng.

Nâng cấp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Chỉ có như vậy mới đảm bảo giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi ở tầm ngang với giải quyết các vấn đề khác. Trước hết cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm tiền gửi để chính sách bảo hiểm tiền gửi phát huy tác dụng và tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình hội nhập, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, giai đoạn cạnh tranh mạnh mẽ và rủi ro gia tăng.

Nâng cao năng lực tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để tổ chức này có đủ nguồn lực thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi - chính sách bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo môi trường phát triển cho các tổ chức tín dụng. Tại thời điểm thành lập, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được Ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng và đến năm 2015 được bổ sung vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần được tăng để phù hợp với xu hướng tăng trưởng về quy mô của hệ thống các tổ chức tín dụng và tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm, cũng như phù hợp với định hướng của ngành Ngân hàng trong việc yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực Basel II. Việc tăng vốn điều lệ cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Với sức lớn của một tổ chức tài chính trẻ, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cơ quan hữu quan và sự đoàn kết, quyết tâm cao của toàn hệ thống bảo hiểm tiền gửi, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ vững bước phát triển lớn mạnh, góp phần tích cực vào công cuộc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xứng đáng với niềm tin của hàng triệu người gửi tiền.

Hà Trang