ODA có còn là vốn rẻ?
Hàng loạt dự án vay vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) sử dụng kém hiệu quả, bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, bộc lộ nhiều hạn chế.
Bộc lộ hạn chế
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổng vốn nước ngoài Việt Nam ký kết vay giai đoạn 2016 - 2017 đạt 9.198 triệu USD; trong đó, vốn vay ODA 6.781 triệu USD, vay ưu đãi 2.200 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 216,8 triệu USD. Lãi suất thấp, thời hạn vay dài, thường từ 25 - 40 năm và thời gian ân hạn hợp lý (từ 5 -10 năm), vốn ODA đã giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn kỹ thuật tài chính quan trọng, giúp chuyển giao tri thức, đổi mới, sáng tạo và là đòn bẩy, chất xúc tác huy động nguồn vốn khác, đặc biệt nguồn vốn trong nước.
Trong báo cáo Định hướng thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2025 trình Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã cảnh báo, vốn vay ODA bắt đầu bộc lộ hạn chế như lãi suất xu hướng tăng dần. Nếu Việt Nam không cân nhắc kỹ, có thể rơi vào bẫy "ODA và vay ưu đãi" khi lãi suất vay và phí thu xếp vốn cao hơn so với mức lãi suất vay thương mại trên thị trường vốn trong nước.
Thực tế, ngay cả Nhật Bản - quốc gia ưu ái vốn ODA cho Việt Nam nhất - cũng ngày càng cấp vốn đắt và điều kiện khắt khe. Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính về việc thẩm định các dự án vay Nhật Bản tài khóa 2018 nêu rõ, từ ngày 1/10/2017, lãi suất vay thông thường của nước này cho Việt Nam tăng từ 1,2%/năm lên 1,5%/năm, lãi suất ưu đãi áp dụng đối với khoản vay trong một số lĩnh vực tăng từ 0,3%/năm lên 1%/năm.
Cùng với đó, phía Nhật Bản yêu cầu mức lương để lập dự toán các dự án vay vốn tài khóa 2018 khoảng 30.000 USD/tháng/người, chưa kể các khoản phụ cấp. Mức này cao hơn 20 - 25% so với mức lương tư vấn nước ngoài bình quân trong các dự án vay vốn ODA...
Chuẩn bị chiến lược rút lui
Trong báo cáo trình Thủ tướng, để thu hút, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Chính phủ có quan điểm chỉ đạo thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài cho phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, chỉ cung ứng vốn ODA cho chương trình, dự án cần thiết kế với quy mô đủ lớn để phát huy hiệu quả tối đa, tác động lan tỏa mạnh, đáp ứng như cầu phát triển và tích cực đàm phán để tranh thủ tối đa các điều kiện ưu đãi.
Trong định hướng mới về thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài, Bộ KH&ĐT đề xuất, vốn vay ODA và vay ưu đãi chỉ nên chiếm 30 - 50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò vốn mồi, chất xúc tác cho nguồn vốn khác. Ưu tiên sử dụng trong các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn…
"Việt Nam cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui. Vốn ODA chỉ là kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Về lâu dài, chúng ta cần có chiến lược để tiếp cận các yếu tố mà không cần ODA, tập trung xây dựng thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn nước ngoài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước để tiệm cận dần đến trình độ quốc tế" - Bộ KH&ĐT kiến nghị.
Đến nay, Việt Nam đã ký 84 tỷ USD vốn ODA, dư nợ nước ngoài Chính phủ đến năm 2017 là 45,8 tỷ USD, khoảng 20,52% GDP và tỷ lệ ODA giải ngân/nợ nước ngoài Chính phủ chiếm 7,9%, đòi hỏi phải sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn.