Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Phải đúng đối tượng và phù hợp với thực tế nguồn lực
Dù đã đồng ý với nhiều quy định của dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song một số nguyên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn mong muốn được xem xét thêm một số điểm tại Dự thảo.
Một số vấn đề chung
Điểm chung nhất là không nên tạo ra cơ chế “xin - cho” các nguồn lực của Nhà nước (ngân sách, đất đai, tài nguyên...). Nguồn lực của Nhà nước còn rất hạn hẹp, nợ công đã có nguy cơ vượt ngưỡng mà cứ phải dành các khoản để “hỗ trợ”, để “cho” trong khi chưa biết chắc chắn hiệu quả là chưa thật phù hợp với chủ trương khuyến khích, kích thích tính năng động của các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Vì vậy tên luật là Luật Hỗ trợ DNNVV có lẽ chưa thích hợp lắm, vì sẽ phát sinh cơ chế “xin - cho”. Do đó nên chăng có thể đổi tên, ví dụ Luật Khuyến khích DNNVV...
Do nguồn lực còn hạn hẹp mà đối tượng áp dụng lại quá rộng và đặt ra quá nhiều chính sách nên tính khả thi sẽ bị hạn chế. Vì vậy cần làm rõ ba vấn đề.
Một là, DNNVV hiện chiếm tới 98,5% tổng số doanh nghiệp của cả nước, nhưng có phải tất cả đều được hỗ trợ không, hay chỉ một số doanh nghiệp thật sự khó khăn mới cần hỗ trợ?
Hai là, thực sự các DNNVV đang có khó khăn thì họ cần hỗ trợ những thứ gì.
Ba là, xác định rõ những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cần được hỗ trợ (thực tế không phải tất cả các lĩnh vực đều cần hỗ trợ). Chúng tôi cho rằng, chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp cần hỗ trợ và Nhà nước cũng chỉ có khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp đó trong hai, ba chính sách cơ bản, thiết thực cho một số lĩnh vực thiết yếu.
Một số nội dung cụ thể
Về đối tượng áp dụng (Điều 2): Dự án Luật quy định đối tượng được hỗ trợ khá rộng, bao gồm không chỉ doanh nghiệp có vốn đầu tư tư nhân trong nước mà còn cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.
Trong khi nguồn lực hỗ trợ có hạn, nên cân nhắc loại bỏ 2 đối tượng này vì Nhà nước lấy nguồn lực ngân sách, đất đai... để hỗ trợ cho doanh nghiệp có vốn Nhà nước là một dạng “bao cấp” mới, là không thật sự rõ ràng, rành mạch. Còn doanh nghiệp FDI thì đã được ưu đãi ở nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư, nhưng quan trọng hơn là, vào Việt Nam kinh doanh họ đã tính toán cẩn thận, có đủ năng lực, nhất là vốn, kỹ thuật, công nghệ và thị trường.
Lẽ thường họ phải góp phần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam chứ không phải vào rồi “sinh ra gánh nặng khó khăn” để Việt Nam phải hỗ trợ. Nếu còn lo ngại bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp thì vấn đề bình đẳng đã được giải quyết ở Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... Do đó đề nghị, bổ sung một khoản tại điều này như sau: “Luật này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước”.
Về tiêu chí xác định DNNVV (Điều 4): Nên quy định ngay trong Luật các tiêu chí cụ thể của DNNVV, vì được biết Ban soạn thảo đã có đầy đủ tài liệu lý luận và thực tiễn để quy định (đó là căn cứ để tính DNNVV chiếm tới 98,5% tổng số doanh nghiệp của cả nước).
Nhưng quan trọng hơn là, Luật Hỗ trợ DNNVV nếu chưa rõ “hình dáng, kích thước” mỗi loại (nhỏ, siêu nhỏ và vừa) là thế nào mà đã vội quy định “cho nó” được hỗ trợ những thứ gì, mức bao nhiêu, ai được ưu đãi hơn ai thì khó hợp lý! Cũng không nên giao cho Chính phủ quy định bằng văn bản dưới Luật (vì nếu để hướng dẫn sau sẽ kéo dài thời gian chờ đợi thi hành luật mà chưa hẳn hướng dẫn có tương thích với quy định của Luật hay không).
Về nguyên tắc hỗ trợ (Điều 5): Trước hết, như đã nói ở Điều 2, Luật này không áp dụng đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, nên phải bỏ đoạn, Chính phủ quy định nội dung hỗ trợ đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn của Nhà nước (ở cuối Khoản 3, Điều 5).
Thứ hai, đã là nguyên tắc thì phải chỉnh sửa lại cho đúng nghĩa nguyên tắc; nên đề ra nguyên tắc trước, sau đó nếu cần thiết thì giải thích, không coi giải thích là nguyên tắc. Ví dụ, nguyên tắc 1 có thể viết lại: Bảo đảm không vi phạm nguyên tắc kinh tế thị trường và không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hoặc nguyên tắc 5 có thể viết: Doanh nghiệp cùng loại, cùng lĩnh vực đáp ứng tốt nhất các điều kiện hỗ trợ sẽ được hỗ trợ trước; trường hợp cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ như nhau thì ưu tiên doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ...
Thứ ba, nguyên tắc hỗ trợ có thời hạn cần được quán triệt, cụ thể hóa ở tất cả các chính sách hỗ trợ (tránh tình trạng như hộ nghèo không muốn thoát nghèo để được hỗ trợ mãi). Có thể ví dụ chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất, nếu không quy định thời hạn thì có thể lâu dần, doanh nghiệp sẽ tìm cách chiếm dụng đất như rất nhiều trường hợp đã xảy ra...
Về hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang DNNVV (Điều 15): Cần làm rõ quy định của dự thảo Luật: “Doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh”. Hiện dự thảo Luật chưa nói rõ “toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hộ kinh doanh” là thế nào? Như vậy chưa rõ động lực để hộ kinh doanh chuyển đổi.
Nếu là doanh nghiệp thì chỉ riêng về hạch toán kinh doanh đã phải có đầy đủ các loại sổ sách, chứng từ, hóa đơn, biểu mẫu... và bộ máy vận hành; lại phải hiểu biết sâu sắc nghiệp vụ kế toán, hạch toán kinh doanh nữa...
Trong khi hộ kinh doanh, họ chỉ ghi chép đơn giản hoặc hạch toán báo sổ nhẹ nhàng (không tốn nhiều kinh phí mua, in chứng từ, sổ sách, hóa đơn...), không cần một bộ máy “đủ mâm, đủ bát” như doanh nghiệp. Và còn rất nhiều vấn đề khác của doanh nghiệp như vận tải, kho bãi, cơ sở vật chất... Do đó Luật cần làm rõ nội hàm quy định nói trên để đúng nghĩa là khuyến khích.
Về các chính sách hỗ trợ: Qua các thông tin thực tế của dự án Luật, có lẽ các DNNVV hiện nay và cả thời gian tới, họ cần nhất ba chính sách, đó là: Vốn, mặt bằng và thị trường. Về lâu dài có thể thêm chính sách công nghệ. Nhà nước nên tập trung nguồn lực cho ba loại chính sách cốt lõi này.
Cần nói rõ phương thức hỗ trợ cụ thể và phân giao thẩm quyền quy định chi tiết nội dung này để có cơ sở áp dụng khi Luật có hiệu lực thi hành theo hướng, Chính phủ quy định cụ thể điều kiện hỗ trợ và định mức hỗ trợ phù hợp với thực tế cân đối các nguồn lực của Nhà nước. Mặt khác, dự án Luật cũng phải đánh giá tác động của các nguồn lực hỗ trợ để có hướng điều chỉnh nguồn hỗ trợ, định mức hỗ trợ và nhận biết được hiệu quả hỗ trợ.
Về trách nhiệm hỗ trợ: Có lẽ không cần Điều 20 của dự thảo (quy định trách nhiệm chung của các bộ, ngành), vì từ Điều 21 đến Điều 27 đã quy định trách nhiệm cụ thể của 7 bộ, ngành rồi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bộ, ngành khác có liên quan lại chưa được quy định.
Vì thế cần có một “Điều quét” sau Điều 27. Cụ thể là, “Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan”.
Về hiệu lực thi hành (Điều 36): Quy định như Điều 36 dự thảo là mâu thuẫn, thiếu nhất quán ngay trong cùng một điều luật (Khoản 2 và Khoản 3 quy định việc sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu, trong khi ở Khoản 1, các luật thuế thì để lại một năm sau khi Luật này có hiệu lực mới sửa đổi).
Để đồng bộ và khắc phục sự mâu thuẫn đó, dự án Luật này (Điều 36) cần sửa đổi, bổ sung ngay một số điều có liên quan của các luật thuế (đồng bộ với Luật đầu tư và Luật Đấu thầu) để khi có hiệu lực thi hành là có thể triển khai được ngay, không phải đợi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung các luật thuế (vốn dĩ tiêu tốn rất nhiều thời gian) thì Luật này mới thi hành được.