Đổi mới sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp:
Phải tuân thủ chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Quán triệt tinh thần này tại hội nghị triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng, khi các công ty này đang nắm giữ 8 triệu ha đất rừng nhưng hiệu quả hoạt động còn yếu, chưa tương xứng với tiềm năng.
Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, cần tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, xử lý tốt mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Nếu nghiêng về bên nào thì sẽ tạo ra sự phát triển lệch lạc. Do đó, phải quản lý bằng được đất đai. Đất phải có chủ, có quy hoạch tổng thể gắn với việc quản lý, sử dụng, bảo vệ phát triển rừng, tiếp tục duy trì và hình thành vùng phát triển nông lâm nghiệp quy mô lớn.
Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-TTg về Chương trình, kế hoạch của Chính phủ vào ngày 11/5/2014. Mục tiêu cơ bản của Chương trình là đổi mới căn bản cơ chế quản lý, quản trị công ty, quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên rừng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Tiếp tục duy trì và hình thành vùng hàng hóa tập trung, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường, thực hiện liên kết sản xuất giữa công ty nông, lâm nghiệp với hộ nông dân và thành phần kinh tế khác trên địa bàn.
Nội dung chủ yếu của Chương trình là tiếp tục sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp; Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng đất; Đổi mới cơ chế quản lý rừng và thực hiện chính sách khoa học - công nghệ, tài chính và lao động. Trong đó, tập trung duy trì, củng cố, phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng xâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng; Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng tự nhiên được phê duyệt và cấp chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững; Công ty lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích quản lý rừng sản xuất tự nhiên chưa có chứng chỉ về quản lý bền vững, rừng sản xuất tự nhiên nghèo, rừng phòng hộ, đặc dụng;
Nhà nước giữ cổ phần chi phối từ 65% vốn điều lệ trở lên đối với công ty nông nghiệp kinh doanh cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc; Công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng trồng sản xuất; Cổ phần hóa, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối hoặc thoái hết vốn đối với các công ty nông nghiệp kinh doanh cây công nghiệp ngắn ngày, cây hàng năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; Công ty giống cây nông nghiệp, giống chăn nuôi, giống thủy sản; Công ty lâm nghiệp chủ yếu sản xuất giống cây lâm nghiệp và dịch vụ… Giải thể các công ty kinh doanh hiệu quả, thua lỗ kéo dài; Các công ty đang khoán trắng, không quản lý được đất đai và sản phẩm; Các công ty quy mô nhỏ.
Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các công ty nông, lâm nghiệp. Xác định rõ diện tích các loại đất quản lý, sử dụng chol từng mục đích. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng cho mục đích công ích, không phục vụ kinh doanh; Cho thuê đất đối với diện tích đất nông, lâm nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh; UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp xử lý dứt điểm các trường hợp đất cho thuê, cho mượn, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, đất liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; đất giao khoán, đất ở, đất kinh tế hộ gia đình theo các giải pháp cụ thể được đề ra trong Chương trình, kế hoạch…
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách chuyển giao ứng dụng các tiến bộ, khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất của công ty và người dân. Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp: Xác định giá trị vườn cây, rừng trồng, đàn gia súc để xác định giá trị doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa; Đảm bảo đủ vốn điều lệ đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối; Ngân sách nhà nước đảm bảo đủ kinh phí cho đặt hàng, giao kế hoạch đối với nhiệm vụ công ích, kinh phí rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty nông, lâm nghiệp. Xử lý dứt điểm các loại nợ công.
Gỡ nút thắt cơ chế tài chính
Ngoài những văn bản hướng dẫn chung, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn thêm các trường hợp đặc thù trong xác định giá trị vườn cây cao su, chè, cà phê và cây rừng. Theo đó, triển khai Quyết định 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình, kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ hướng dẫn bổ sung các chính sách tài chính cụ thể như sau:
Thứ nhất, trong vấn đề cấp kinh phí rà soát đất đai, đo đạc, cắm mốc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty nông, lâm nghiệp. Quy định hiện hành nêu rõ, đối với kinh phí chi cho việc đo đạc, rà soát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng và các công ty lâm nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo và thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với các doanh nghiệp nông lâm nghiệp thì doanh nghiệp thực hiện ứng trước kinh phí để đo đạc, cắm mốc và được trừa vào tiền sử dụng đất, thuê đất phải nộp cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế yêu cầu các doanh nghiệp ứng trước kinh phí đo đạc sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và khó tiến hành khẩn trương công tác đo đạc, rà soát… vì vậy đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ các công ty qua các Bộ, ngành và địa phương liên quan theo chương trình mục tiêu. Thực hiện hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách và hoàn thành vào cuối năm 2015. Còn các chi phí khác phục vụ cho kiểm kê, phân loại đất đai sẽ xử lý gắn với mô hình sắp xếp doanh nghiệp đó.
Thứ hai, về cơ chế tài chính đối với trường hợp đặc thù của các công ty cao su và các công ty nông, lâm nghiệp được giao quản lý rừng đặc dụng và công ty cao su. Hiện nay các công ty nông, lâm nghiệp đang được gaio quản lý một số tài sản của nhà nước, trong đó có rừng (phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất…) và nhà trẻ, mẫu giáo, trung tâm y tế. Về nguyên tắc, các công ty phải bàn giao các tài sản về cho cơ qan chuyên ngành và địa phương quản lý. Tuy nhiên, đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng xen kẽ với rừng sản xuất, một số công ty đề nghị giữ lại không bàn giao để tiện cho công tác quản lý rừng sản xuất tại công ty; Một số nhà trẻ, trường mẫu giáo, trung tâm y tế tại các công ty cao su cũng đề nghị giữ lại để phục vụ cho người lao động và con em của người lao động…
Thứ ba, về cơ chế tài chính đối với các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục duy trì là công ty 100% vốn nhà nước thì ngoài nguồn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn hợp pháp khác, phần còn thiếu đề nghị bổ xung từ Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Nhà nước đảm bảo đủ vốn điều lệ đối với công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục duy trì củng cố và phát triển do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…
Thứ tư, đối với công ty nông, lâm nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần. Ngoài việc áp dụng các quy định của nhà nước về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, cần phải bổ sung một số hướng dẫn cho trường hợp tiền thu về cổ phần hóa không đủ bù đắp cho các khoản chi phí khi thực hiện chuyển đổi. Trường hợp này đề nghị sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để bù đắp.
Thứ năm, đối với công ty nông, lâm nghiệp chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, sẽ hướng dẫn bổ sung về hình thức chuyển đổi theo hướng nhượng lại một phần vốn đầu tư tại các công ty nông, lâm nghiệp cho một số đối tượng là tổ chức, cá nhân đã gắn kết với công ty trong việc phát triển vùng nguyên liệu khi thực hiện chuyển đổi.
Còn về vấn đề xử lý nợ tồn đọng, Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, các công ty nông, lâm nghiệp phải tiến hành rà soát, thống kê vốn và tài sản, các khoản nợ đọng, thực hiện phân loại nợ. Căn cứ quy định tại Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các văn bản hướng dẫn để thực hiện xử lý dứt điểm các khoản nợ…
Hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung phương pháp xác định giá thuê đất đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Thông tư số 77/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 46/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, do phải có cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất đối với các công ty nông, lâm nghiệp Bộ Tài chính đã nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với công ty nông, lâm nghiệp.
Đối với vấn đề kiến nghị giảm thuế suất thuế tài nguyên đối với gỗ rừng tự nhiên và để lại thuế tài nguyên đối với gỗ khai thác từ rừng tự nhiên, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục nghiên cứu, trước mắt chưa ban hành thông tư hướng dẫn….
Văn bản hướng dẫn các nội dung trên dự kiến sẽ được hoàn chỉnh khi có Nghị định của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp.