Phân bổ hết vốn đầu tư công làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Để triển khai thực hiện dự án đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công, yếu tố then chốt hàng đầu là kịp thời phân bổ hết số vốn kế hoạch được giao. Do đó, việc khẩn trương phân bổ hết vốn kế hoạch là nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương cần gấp rút thực hiện làm cơ sở để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn quan trọng này.
71.941,039 tỷ đồng vốn đầu tư chưa phân bổ chi tiết
Mặc dù tích cực triển khai phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết nguồn vốn này.
Theo Bộ Tài chính, trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 27/49 bộ, cơ quan trung ương và 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 71.941,039 tỷ đồng, chiếm 10,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: vốn trong nước là 70.532,661 tỷ đồng, vốn ngoài nước là 1.408,378 tỷ đồng.
Trong tổng số vốn này, số vốn chưa phân bổ của Bộ, cơ quan trung ương là 13.281,755 tỷ đồng, chiếm 6,84% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; số chưa phân bổ của các địa phương là 58.659,284 tỷ đồng, chiếm 11,44% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nguyên nhân của tình trạng vốn trung ương trong nước chưa phân bổ hết được chỉ ra chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023; một số dự án thuộc Chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch vốn hiện nay đang được các Bộ, địa phương hoàn thiện các thủ tục để triển khai giao kế hoạch vốn năm 2023.
Ngoài ra, còn một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn; Đường Vành đai 4 vùng thủ đô (Bắc Ninh, Hưng Yên); Kè đầm Cù Mông, tỉnh Phú Yên; cầu Văn Ly và đường dẫn, tỉnh Quảng Nam.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, nguyên nhân của việc chưa phân bổ hết là do chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay; chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư; địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do địa phương đánh giá khả năng không giải ngân hết.
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, nguyên nhân chậm phân bổ là do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi ngân sách địa phương.
Còn một số tồn tại trong phân bổ kế hoạch vốn
Qua công tác kiểm tra phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đối với số vốn đã được phân bổ, Bộ Tài chính cho biết vẫn còn một số tồn tại.
Điển hình như việc phân bổ cho dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư; phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt; phân bổ kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án không được giao vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bên cạnh đó, còn có một số dự án bố trí vốn kế hoạch năm 2023 vượt kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao; Dự án bố trí vốn quá thời gian quy định; dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 tuy nhiên chưa bố trí đủ vốn ngân sách trung ương theo tổng mức đầu tư được duyệt; dự án đã bố trí hết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách trung ương, có thời gian hoàn thành năm 2023 nhưng chưa được tỉnh bố trí vốn đối ứng theo tổng mức đầu tư được phê duyệt.
Việc phân bổ nguồn vốn Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho một số dự án còn có tình trạng không thuộc danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ cho một số dự án vượt quá mức vốn dự kiến bố trí từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khi chưa được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với các trường hợp trên, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi từng Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án.
Để nhanh chóng phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công làm tiền đề cho công tác giải ngân, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
Có thể nói, vấn đề phân bổ kế hoạch vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt. Vừa qua, tại Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương coi việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm giải ngân, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 trên 95% kế hoạch được giao.