Phân hóa cuộc đua tới Basel II

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Không chỉ có ngân hàng quy mô lớn, mà ngân hàng quy mô nhỏ cũng đang chạy nước rút để tuân thủ Basel II. Tuy nhiên, thách thức đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu để nâng cao hệ số an toàn vốn khiến hơn một nửa số lượng nhà băng chưa thể “về đích” như dự kiến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến nay, chỉ còn gần 15 ngày nữa là đến thời hạn áp dụng của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có hiệu lực. Tính đến thời điểm này đã có tổng cộng 18 ngân hàng, trong đó có 16 ngân hàng trong nước và 2 ngân hàng nước ngoài được áp dụng trụ cột 1 của chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế Basel II.

Giai đoạn chạy nước rút

Lộ trình áp dụng Basel II được NHNN đưa ra gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng từ ngày 1/1/2020 đối với 10 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB. Giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại (NHTM) có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.

Cuối tháng 11/2018, VIB là một trong 2 ngân hàng đầu tiên được Thống đốc NHNN trao quyết định được áp dụng Basel II trước thời hạn. Từ đó tới nay, ngành ngân hàng đã chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ của nhóm các NHTM cổ phần tư nhân và một số ngân hàng nước ngoài trong việc chạy nước rút để tuân thủ chuẩn Basel II.

Thống kê cho thấy tính đến thời điểm này đã có 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II, bao gồm: Vietcombank, OCB, VIB, MB, VPBank, Techcombank, TPBank, ACB, MSB, HD Bank, Shinhan Bank, Viet Capital Bank, SeABank, VietBank, LienVietPostBank, Nam A Bank, BIDV.

Các chuyên gia đánh giá việc triển khai Basel II được coi là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nhận định Basel II không chỉ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, sử dụng tốt nhất nguồn vốn, mà còn giảm đáng kể các thiệt hại do các biến động của nền kinh tế gây ra.

Hơn hết, càng về đích Basel II sớm sẽ càng tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Nguyên nhân là bởi tiêu chí để các ngân hàng áp dụng khung quản trị rủi ro Basel II tương đối khắt khe, từ hành lang pháp lý, cơ sở dữ liệu, đến các vấn đề về chỉ số an toàn vốn…

Phân hóa cuộc đua tới Basel II - Ảnh 1
 

“Mạnh tay” xử lý ngân hàng chậm

Thông tư số 41 liên quan đến vấn đề quản lý rủi ro và quản trị rủi ro của các ngân hàng. Quy định về tỷ lệ an toàn vốn hiện nay là 9%, nhưng khi áp dụng Basel II sẽ giảm xuống 8%, nhưng có cách tính rủi ro khác.

Cụ thể, tăng mẫu số tỷ lệ an toàn vốn, nghĩa là một số ngân hàng không có đầy đủ vốn chủ sở hữu sẽ không đạt được tỷ lệ an toàn vốn 8%. Đây là thách thức cho một số ngân hàng để tăng vốn chủ sở hữu trong thời gian tới.

Ông Hiếu cũng đánh giá trong điều kiện hiện tại, việc gọi vốn rất khó vì cổ phiếu ngân hàng không còn hấp dẫn như trước, nên nhà đầu tư trong nước không mặn mà, trong khi vốn nước ngoài vào chậm, chỉ quan tâm các ngân hàng có vốn nhà nước.

“Nhiều ngân hàng nhỏ đang thiếu vốn trầm trọng”, ông Hiếu cho hay.

Chẳng hạn, ở nhóm NHTM quy mô vừa và nhỏ, các ngân hàng ABBank, Kienlongbank, BacA Bank, NCB, Nam A Bank cũng đang kỳ vọng sớm áp dụng thành công Basel II trong năm tới.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, cho hay ngân hàng này đang từng bước triển khai, thực hiện hoàn thiện các hạng mục để trình NHNN về việc áp chuẩn quốc tế Basel II. Bởi lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho các ngân hàng Việt Nam nói chung, Nam A Bank nói riêng là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng “sức đề kháng” trước bất ổn và biến động của thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng Basel II đã là chuẩn mực được các ngân hàng thế giới áp dụng từ rất lâu, hiện đang chuẩn bị hoàn thiện Basel III. Việt Nam đến nay mới áp dụng Basel II đã là muộn, nếu tiếp tục hoãn thì sẽ thành… hoãn mãi. Không chỉ có vậy, việc trì hoãn còn làm ảnh hưởng đến các ngân hàng khác, không công bằng với các ngân hàng đã nỗ lực đáp ứng.

Thậm chí, theo TS. Phan Minh Ngọc, với những ngân hàng không đạt mốc đầu năm 2020 và những mốc thời gian sau đó theo quy định, NHNN cần mạnh tay “xử lý”, có thể bằng cách hạn chế tăng trưởng tín dụng tối đa, thậm chí kỷ luật ban lãnh đạo ngân hàng, đặt dưới diện kiểm soát đặc biệt với lộ trình nghiêm ngặt và nghiêm khắc thực hiện cho bằng được chuẩn mực Basel II. Làm được như vậy sẽ vừa không những bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự an toàn, phát triển của hệ thống, mà còn bảo đảm được sự công bằng với những nhà băng đã cố gắng và thành công trước và đúng hạn.

“Động thái xử lý quyết liệt, nghiêm khắc như đề xuất của NHNN sẽ còn có tác dụng rất quan trọng là thu hẹp khoảng cách quá lớn trong chuẩn mực hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam với khu vực và thế giới, xóa đi hình ảnh lạc lõng, tụt hậu của ngân hàng Việt Nam trong con mắt bên ngoài”, ông Ngọc chia sẻ.