Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015:
Phát huy thành tựu đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển đất nước
Mặc dù tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015.
Mặc dù tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng nợ công diễn ra trầm trọng ở nhiều quốc gia; ở trong nước sản xuất và đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục phấn đấu để góp phần nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật
Một là, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp tiền tệ, kiên trì theo đuổi mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, lạm phát đã được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định. Có thể nói đây là một trong những thành tựu lớn nhất của giai đoạn vừa qua, khi đầu nhiệm kỳ, lạm phát ở mức rất cao, chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 là 18,13%, thanh khoản ngân hàng kém, hệ thống ngân hàng đứng bên bờ đổ vỡ.
Đến năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm xuống còn khoảng 1% - 2%. Mặt bằng lãi suất trong năm 2015 giảm, chỉ bằng 40% so với năm 2011. Tỷ giá được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại hối cơ bản ổn định; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.
Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 15%/năm, riêng năm 2015, tăng khoảng 10%, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng; tỷ lệ nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống còn 3,6% năm 2015. Cán cân thanh toán quốc tế thặng dư khá cao; dự trữ ngoại hối năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Quản lý ngân sách nhà nước được tăng cường. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước. Trong chi ngân sách đã tăng chi cho bảo đảm an sinh xã hội. Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp khoảng 1,8 lần so với 5 năm trước, bằng khoảng 31% GDP. Đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi, vốn đăng ký giai đoạn 2011 - 2015 đạt 98,2 tỷ USD, thực hiện đạt 58,5 tỷ USD. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ký kết khoảng 27 tỷ USD, giải ngân khoảng 24,3 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào phát triển kết cấu hạ tầng.
Hai là, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên.
Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt khoảng 5,88%/năm, trong đó năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Quy mô của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt khoảng 200 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.180 USD.
Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối; giá trị gia tăng ngành công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 6,74%/năm (năm 2012 tỷ lệ đó là 5,75%, năm 2015: 8,73%). Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng. Khu vực nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, giá trị gia tăng bình quân đạt 3%/năm. Giá trị gia tăng khu vực dịch vụ tăng khá, đạt bình quân 6,3%/năm. Tổng doanh thu từ khách du lịch tăng bình quân 21%/năm; khách quốc tế đạt khoảng 7,9 triệu lượt vào năm 2015, gấp gần 1,6 lần so với năm 2010.
Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng trong giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 28,94%. Tiêu hao điện năng trên một đơn vị GDP giảm từ 0,8kWh năm 2010 xuống còn 0,71kWh - 0,72kWh năm 2015. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 6,92 (trong giai đoạn 2006 - 2010 chỉ số đó là 6,96).
Ba là, các đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực.
- Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện, được xác định cụ thể hơn và từng bước được thực thi có hiệu quả. Quy hoạch phát triển được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với xăng dầu, than, điện, nước, dịch vụ giáo dục, y tế... gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, hộ nghèo, vùng khó khăn. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh có bước tiến bộ. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm qua tăng 19 bậc.
- Phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ đạt những kết quả tích cực: Hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ tiếp tục được hoàn thiện. Mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên. Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh cao đẳng, đại học được đổi mới. Cơ cấu đào tạo hợp lý hơn. Xã hội hóa giáo dục, đào tạo được đẩy mạnh; cơ chế tự chủ đối với một số trường đại học công lập được triển khai thí điểm. Tỷ lệ nhập học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt mức cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 51,6% vào năm 2015; Tiềm lực khoa học, công nghệ được tăng cường. Đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ tăng nhanh, ước đạt 1,3% GDP vào năm 2015. Ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ có bước tiến bộ, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, y tế, thông tin truyền thông... Các quỹ về khoa học và công nghệ được thành lập. Giá trị giao dịch công nghệ tăng bình quân 13,5%/năm. Số lượng sáng chế và các giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ tăng gấp gần 2,2 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2010.
- Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả quan trọng. Chính sách, pháp luật và quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng được hoàn thiện với tầm nhìn tổng thể, dài hạn. Việc huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt kết quả quan trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, năng lượng, thủy lợi, đô thị, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục... được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước. Trong giai đoạn 2011 - 2015, nhiều công trình, dự án quan trọng đã được hoàn thành, như Dự án đường cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Hà Nội - Hải Phòng, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, nhiều dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1; các cầu Nhật Tân, Cổ Chiên, Năm Căn... Cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Phú Bài, Plây-cu, Cát Bi, Vinh được nâng cấp, mở rộng. Cảng hàng không Phú Quốc, sân bay Thọ Xuân được xây dựng mới. Nhiều công trình điện lớn được hoàn thành, như Nhà máy Thủy điện Sơn La, tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Lai Châu; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, 2; tổ máy Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân; điện lưới được đưa ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn...
Bốn là, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Đã triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng chiều sâu, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% năm 2011 lên trên 82,5% vào năm 2015; tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống còn 17,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn khoảng 46%.
- Về cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công: Xây dựng và triển khai thực hiện Luật Đầu tư công. Ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức và phân bổ vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn, tập trung cho các dự án quan trọng, cấp thiết và vốn đối ứng ODA. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí. Tập trung xử lý nợ xây dựng cơ bản. Tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư. Tích cực chuyển dịch cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư công giảm từ 35,5% năm 2010 xuống còn khoảng 30% năm 2015.
- Về cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các ngân hàng thương mại: Tập trung xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Các ngân hàng thương mại bằng các biện pháp chủ động tự xử lý nợ xấu là chủ yếu; đồng thời phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trong việc tham gia xử lý nợ xấu. Nợ xấu đã giảm từ 17,43% (tháng 9-2012) xuống còn 2,9% (tháng 9-2015); đã giảm 17 tổ chức tín dụng. Thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 tăng 13,5%/năm, riêng năm 2015 tăng 17%.
- Về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty: Tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. DNNN tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, quốc phòng, an ninh, cung ứng hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu. Quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu được tăng cường: đã sắp xếp 465 DNNN, trong đó cổ phần hóa 353 doanh nghiệp; riêng năm 2015 dự kiến cổ phần hóa được 200/289 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đều đạt hiệu quả sản xuất - kinh doanh tốt hơn.
- Về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Tập trung tổ chức lại sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường và xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sản lượng lương thực tăng ổn định, sản lượng lúa năm 2015 đạt khoảng 44,8 triệu tấn. Phát triển mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản với chất lượng và hiệu quả cao hơn. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt thứ hạng cao trên thế giới, như gạo, cà-phê, cao-su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến... Các chính sách, tiêu chí nông thôn mới được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với đặc thù từng vùng. Đến hết năm 2015, có khoảng 1.500 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 16,8% tổng số xã trong cả nước.
- Về cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ: Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo so với toàn ngành công nghiệp tăng từ 49,8% năm 2011 lên 50,5% vào năm 2015. Tích cực mở rộng thị trường ở các nước, các khu vực, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Từng bước tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tỷ trọng dịch vụ trong GDP tăng từ 42% năm 2011 lên 44,4% vào năm 2015. Đã tập trung phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, như du lịch, công nghệ thông tin, truyền thông, logistics...
Năm là, văn hóa - xã hội có bước phát triển, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, đã tăng thêm ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Mở rộng đối tượng và nâng mức hỗ trợ người có công. Đến nay, có khoảng 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên cùng địa bàn. Thị trường lao động có bước phát triển, trong 5 năm đã tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 2%/năm (các huyện nghèo giảm trên 4%/năm), đến cuối năm 2015 còn dưới 4,5%. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 9,7 triệu người năm 2011 lên 12 triệu người năm 2015.
Làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Giảm tình trạng quá tải bệnh viện với những kết quả tích cực. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các bệnh viện. Ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào khám, chữa bệnh đạt nhiều kết quả. Phát triển y học cổ truyền, công nghiệp dược; tăng cường quản lý thuốc chữa bệnh; hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin quốc gia đạt chuẩn quốc tế.
Nhiều di sản văn hóa được công nhận là di sản văn hóa quốc gia và thế giới. Giai đoạn 2011 - 2015, 2 di tích được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 4 di tích được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quản lý lễ hội và các hoạt động văn hóa - nghệ thuật được tăng cường. Các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và trong xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.
Sáu là, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tăng cường.
Đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xây dựng và đưa vào thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa tất cả 11 lưu vực sông. Tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên và môi trường. Quan tâm bảo vệ, phát triển rừng; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Xử lý 92,5% số cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, vượt chỉ tiêu đề ra (kế hoạch 5 năm là 85%). Triển khai nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài các thành tựu kể trên, trong giai đoạn vừa qua, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính đạt những kết quả tích cực. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững.
Một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc.
Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên tăng nhanh, bội chi còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, quản lý chi tiêu còn chưa chặt chẽ.
Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí ở một số công trình. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém còn nhiều khó khăn. Huy động nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước còn hạn chế.
Thứ hai, tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra, chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp.
Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, nhất là nông sản còn nhiều khó khăn, liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao. Dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước, du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp, cải thiện còn chậm; công nghệ sản xuất phần lớn còn lạc hậu.
Thứ ba, thực hiện các đột phá chiến lược còn một số hạn chế.
Thể chế kinh tế thị trường chưa thật đồng bộ, thông suốt. Nhiều quy định trong hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách và quản lý điều hành chưa tuân thủ đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, nhất là trong phân bổ nguồn lực, quản lý giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu và chưa bảo đảm cạnh tranh bình đẳng. Các loại thị trường vận hành còn nhiều vướng mắc và hiệu quả chưa cao.
Chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề cải thiện còn chậm; thiếu lao động chất lượng cao. Hệ thống giáo dục còn thiếu tính liên thông, chưa thật hợp lý và thiếu đồng bộ. Công tác phân luồng và hướng nghiệp còn hạn chế. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo chậm được khắc phục.
Các giải pháp đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ còn thiếu, thậm chí chưa có. Việc xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập còn chậm. Cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm được đổi mới, nhất là về tài chính, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế, chưa đồng bộ, hiệu quả kết nối và chất lượng chưa cao. Đầu tư xây dựng và nâng cấp các đường cao tốc, một số tuyến quốc lộ quan trọng còn chậm. Chất lượng và hiệu quả ngành điện còn thấp. Nhiều hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng. Hạ tầng đô thị kém chất lượng và quá tải. Cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng chưa có đột phá.
Thứ tư, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa đồng bộ.
Cơ cấu lại đầu tư công ở một số ngành, địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu; đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp, tình trạng thất thoát, lãng phí ở một số dự án còn lớn; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm. Cơ cấu lại DNNN và sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra. Chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng chậm được cải thiện.
Đổi mới công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao còn chậm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đạt khoảng 18% GDP vào năm 2015, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới còn chậm và kết quả đạt được chưa đồng đều, chưa đạt mục tiêu đề ra.
Thứ năm, phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội còn nhiều mặt hạn chế, khắc phục còn chậm.
Giải quyết việc làm, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ lao động không có hợp đồng còn cao (khoảng 64%). Khoảng cách giàu - nghèo còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.
Tỷ lệ hộ nghèo tại 64 huyện nghèo đến cuối năm 2015 vẫn còn khoảng 28%. Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có mặt còn hạn chế. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém. Tệ nạn xã hội ở một số nơi còn diễn biến phức tạp. Nhiều biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân.
Thứ sáu, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
Việc giao quyền quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn nước chưa phù hợp với kinh tế thị trường và hiệu quả chưa cao. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường còn chậm. Nguồn lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng ngập lụt ở một số thành phố lớn còn chậm được khắc phục.
Ngoài những hạn chế, yếu kém về kinh tế - xã hội nêu trên, cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn phiền hà; bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt chưa thật chủ động, hiệu quả chưa cao.