Phát triển bền vững: Gỡ “nút thắt” từ khu vực tư nhân
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua được đánh giá cao, song vẫn thiếu sự bền vững và dễ bị tổn thương. Để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Còn nhiều thách thức
Phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững Việt Nam 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nhận định: Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng, song kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức rất lớn.
Để “đuổi” kịp tốc độ tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng khoảng 8% trong 10 hoặc 20 năm tiếp theo. Muốn làm được điều đó, tốc độ tăng năng suất lao động tại Việt Nam phải tăng khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, điều này rất khó, bởi năm 2017, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 6%.
Đồng ý với nhận định trên, bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam - cho rằng: Nhiều người dân Việt Nam đã thoát khỏi đói nghèo, tỷ lệ người dân có thu nhập trung bình tăng nhanh chóng, hiện chiếm khoảng 50% dân số. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện chưa phát triển ổn định, khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu vẫn ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển của Việt Nam.
Tập trung tìm giải pháp
Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đạt tốc độ tăng trưởng bền vững, theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân, cụ thể là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Bởi theo tính toán, hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV, khu vực này đang tạo ra số lượng việc làm lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, song lại là khu vực dễ bị tổn thương và khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.
Cùng quan điểm trên, ông Valerio De Luca - Giám đốc điều hành Diễn đàn phát triển bền vững toàn cầu - nhấn mạnh: Việt Nam cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho khu vực DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ tận dụng cơ hội tốt hơn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như nguồn vốn tín dụng và thị trường. Đồng thời, để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, Việt Nam cần quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Trên thực tế, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới. Để đạt được mục tiêu này, một trong những giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện đó là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển năng suất lao động và thu hút FDI có chọn lọc.
Để tháo gỡ khó khăn cho khu vực năng suất lao động, thời gian qua Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều giải pháp, một trong số đó là sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV vào năm 2017. Đây được đánh giá là một động lực quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/2018 với mục tiêu Việt Nam đạt thứ hạng 50 - 60 về môi trường kinh doanh.